Điểm đặc biệt thứ nhất, ông Nguyễn Đức Hà cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được kết nạp đảng năm 23 tuổi, khi đang là sinh viên năm thứ 4 khoa Ngữ văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

“Có thể nói vào những năm 60 của thế kỷ trước, việc kết nạp sinh viên vào Đảng không nhiều, nếu không muốn nói là rất hiếm và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong số sinh viên hiếm hoi đó”, nguyên Vụ trưởng Cơ sở Đảng kể.

7_ava.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Điểm đặc biệt thứ hai, theo ông Hà, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những sinh viên xuất sắc của trường bảo vệ luận văn tốt nghiệp với chủ đề “Phong vị ca dao, dân ca trong thơ Tố Hữu” do giáo sư nổi tiếng Đinh Gia Khánh hướng dẫn.

“Có lẽ vì thế, thơ Tố Hữu đã thấm đẫm trong máu của đồng chí và cũng có lẽ có nhiều ân tình gắn bó sâu nặng và duyên nợ với thơ Tố Hữu cho nên chúng ta thấy tại sao trong các bài phát biểu, các bài viết của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất hay trích dẫn thơ Tố Hữu”, ông Hà chia sẻ.

TongBithu 01.jpg
Hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) và kỷ niệm 50 năm ngày mất của Người (2/9/1969-2/9/2019). Tại đây, Tổng Bí thư đã nghẹn ngào đọc thơ Tố Hữu nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Bác ơi tim Bác mênh mông thế. Ôm cả non sông, mọi kiếp người". Ảnh: Trần Thường

Ông Hà dẫn chứng, khi nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư đã mượn 2 câu thơ của Tố Hữu để nói lên lòng mình, để hứa với Đảng (hai câu thơ này của Nhà thơ Tố Hữu khi đang trong nhà tù của thực dân Pháp).

"Còn một giây, một phút tàn hơi

Là vẫn còn chiến đấu quyết không thôi!", ông Hà bồi hồi nhắc lại.

Hay là trong bài viết gần đây, “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến anh hùng” nhân kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng dẫn thơ Tố Hữu để kết bài viết và cũng nói lên niềm tự hào, tin tưởng sâu sắc vào Đảng.

“Đảng ta đó, trăm tay nghìn mắt

Đảng ta đây, xương sắt da đồng

Đảng ta, muôn vạn công nông

Đảng ta, muôn vạn tấm lòng niềm tin”.

“Và đặc biệt có lẽ không những tôi mà rất nhiều đồng chí khác khi xem ti vi về hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ tại Nhà 67, sau đó thăm Phủ Chủ tịch và được các đồng chí ở Phủ Chủ tịch tặng một trái bưởi trong vườn của Bác. Thật xúc động khi thấy đồng chí vừa nâng trái bưởi vừa đọc 4 câu thơ trong bài ‘Bác ơi’ của Tố Hữu”, ông Hà xúc động.

“Trái bưởi kia vàng ngọt với ai

Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài!

Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm

Quanh mặt hồ in mây trắng bay...”

Điểm đặc biệt thứ ba, Tổng Bí thư tốt nghiệp Đại học ra trường tháng 12/1967 về làm cán bộ Phòng Tư liệu Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), sau đó là cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng và tiếp tục công tác tại Tạp chí Cộng sản 24 năm từ khi tốt nghiệp ra trường.

Trong 24 năm đó, có gần 5 năm Tổng Bí thư học trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương và đi học ở Liên Xô để làm luận án tiến sĩ.

“Từ một sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường trở thành người đứng đầu Tạp chí Cộng sản – Cơ quan nghiên cứu lý luận chính trị của Đảng ta, cấp tương đương với Bộ trưởng. Có thể nói đây là một kỷ lục về thời gian mà rất ít người có được. Vì trước đây chưa có chính sách luân chuyển cán bộ và đây là trường hợp rất hiếm trong thời kỳ ấy”, ông Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh.

Điểm đặc biệt thứ tư được ông Hà chia sẻ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trường hợp đầu tiên được Đại hội 13 của Đảng – Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng ra quyết nghị tái cử Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 bầu làm Tổng Bí thư. Đây cũng là nhiệm kỳ thứ 3, ông Nguyễn Phú Trọng giữ cương vị Tổng Bí thư.

Điểm đặc biệt thứ năm, ngày 14/4/2024 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tròn 80 tuổi, là Tổng Bí thư đương chức cao tuổi nhất qua tất cả các đời Tổng Bí thư kể từ khi thành lập Đảng đến nay.

Điểm đặc biệt thứ sáu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cán bộ, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị nhiều nhiệm kỳ nhất trong các đời Tổng Bí thư.

“Cụ thể đồng chí tham gia 7 khóa Trung ương, 6 khóa Bộ Chính trị, 5 khóa đại biểu Quốc hội, 4 khóa là lãnh đạo chủ chốt, trong đó có một khóa là Chủ tịch Quốc hội, 3 khóa là Tổng Bí thư.

Điểm đặc biệt thứ bảy được ông Hà nhấn mạnh, trong thời gian làm Tổng Bí thư, có một nửa nhiệm kỳ ông vừa làm Tổng Bí thư, vừa làm Chủ tịch nước (từ tháng 10/2018 đến tháng 2/2021).

“Ông là lãnh đạo thứ 3 giữ đồng thời 2 chức vụ lãnh đạo chủ chốt này. Đầu tiên là Bác Hồ, thứ hai là đồng chí Trường Chinh và thứ 3 là đồng chí Nguyễn Phú Trọng”, ông Hà dẫn chứng.

Trong thời gian vừa làm Tổng Bí thư, vừa làm Chủ tịch nước có một điều đặc biệt là người dân Việt Nam sau đúng 50 năm mới được nghe thơ chúc Tết lúc giao thừa.

Giao thừa năm 1969, người dân được nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ. Từ đó đến giao thừa năm 2019, người dân Việt Nam mới lại được nghe thơ chúc Tết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng lợi tin vui khắp nước nhà

Cả nước hân hoan mừng Xuân mới

Khải hoàn ta viết tiếp bài ca”, ông Hà dẫn lại.

Theo nguyên Vụ trưởng Cơ sở Đảng Nguyễn Đức Hà, trong 4 câu thơ này, 2 câu đầu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mượn thơ của Bác, 2 câu sau là thơ của Tổng Bí thư.

Rồi đến giao thừa năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng học theo thơ Bác Hồ, nôm na mấy vần:

“Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay cả nước chắc càng thắng to

Hòa bình, hạnh phúc, ấm no

Rạng danh Tổ quốc, cơ đồ Việt Nam!”.

Ông Hà cho biết, ở 2 câu đầu, Tổng Bí thư cũng mượn thơ của Bác Hồ, chỉ thay 1 từ; còn 2 câu sau là thơ của Tổng Bí thư.

Điểm đặc biệt thứ tám được ông Hà cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư có học hàm, học vị cao nhất từ trước tới nay – Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành Xây dựng Đảng).

Kể lại quá trình này của Tổng Bí thư, ông Hà cho biết, năm 1992, Tổng Bí thư được phong phó giáo sư, 10 năm sau vào năm 2002, Tổng Bí thư được phong giáo sư và đã có nhiều năm làm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Ngoài ra, Tổng Bí thư còn làm Trưởng tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng toàn Quốc và đã để lại nhiều dấu ấn rất quan trọng trong văn kiện 6 Đại hội Đảng toàn quốc từ Đại hội 9 đến Đại hội 14 này (Tổng Bí thư làm Trưởng tiểu ban Văn kiện Đại hội 14).