PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y Dược TP.HCM) đã đưa 8 lưu ý cần thiết để khắc phục nỗi ám ảnh khi du lịch bằng tàu, ôtô hay máy bay…

- Chứng say tàu xe (mệt mỏi, buồn nôn, nôn ói…) có thể chữa khỏi không thưa ông?

Tiền đình của con người không có chức năng miễn dịch với chứng say tàu xe. Điều này giải thích vì sao có 33% dân số dễ bị say tàu xe ngay cả trong khung cảnh êm dịu như đi thuyền trên mặt nước phẳng lặng. Tình trạng này chỉ xuất hiện tạm thời khi chúng ta di chuyển bằng tàu xe. Lúc đó, tiền đình (một bộ phận nằm trong tai trong) sẽ hoạt động mạnh hơn để cảm nhận không gian và vị trí tương đối của cơ thể.

Khi tiền đình bị kích thích quá mức bởi các tín hiệu có cường độ quá mạnh, hoặc tín hiệu thay đổi quá nhanh, cơ thể sẽ có cảm giác chóng mặt, buồn nôn và nôn ói. Tình trạng này sẽ tự hết sau vài giờ kết thúc chuyến đi. Nhưng, với một số người, tình trạng say nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.


Say tàu xe không phải là bệnh nên chắc chắc không thể chữa khỏi. Nhưng chúng ta có thể khắc phục tình trạng này bằng nhiều biện pháp, nhất là rèn luyện tâm lý. Nhiều người có cơ địa bị say tàu xe nhưng khi đi nhiều lần sẽ quen và hết say luôn.

- Không có điều kiện để rèn luyện tâm lý thì có cách nào để chống say tàu xe hiệu quả không thưa ông?

Nếu biết mình dễ bị say tàu xe, chúng tôi khuyên bạn:
- Nếu ở trong xe hơi, hãy ngồi hàng ghế trước và nhìn về những cảnh vật ở xa hoặc nhắm mắt thư giãn là tốt nhất.
- Nếu ở trên tàu, hãy đi lên boong và nhìn về đường chân trời.
- Nếu ở trên máy bay, ngồi gần cửa sổ và nhìn ra ngoài hoặc nhắm mắt.
- Đừng đọc bất cứ gì khi đang di chuyển và cũng như đừng ngả ghế ra phía sau.
- Đừng nhìn hay nói chuyện với người đồng hành đang bị say tàu xe.
- Tránh các mùi nồng và thực phẩm nhiều gia vị hay mỡ mà bạn không thích (ngay trước và trong chuyến đi).
- Ngậm gừng, uống trà gừng, ngửi tinh dầu quýt, vỏ bánh mì, bấm huyệt hợp cốc… cũng có hiệu quả giảm say ở một số người.
- Uống thuốc chống say tàu xe ít nhất 30 phút hoặc sử dụng miếng dán ít nhất 4 tiếng trước khi khởi hành.
Ngậm gừng, uống trà gừng, ngửi tinh dầu quýt, vỏ bánh mì, bấm huyệt hợp cốc… cũng có hiệu quả giảm say ở một số người.
- Thuốc chống say tàu xe là khá phổ biến nhưng gần đây cũng có nhiều trường hợp lơ mơ, mờ mắt, nói sảng… khi sử dụng thuốc chống say tàu xe?

Thuốc chống say có hoạt chất nhằm giảm bớt các kích thích của tai trong, an thần, giảm co thắt đường tiêu hóa, từ đó có hiệu quả ngăn ngừa tình trạng buồn nôn và nôn ói.

Dạng viên uống phổ biến là kháng histamine như meclizine (Antivert), promethazine (Phenergan), dimenhydrinate (Dramamine), diphenhydramine (Nautamine, Phataumine). Trong nhóm này, diphenhydramine (Nautamine) được sử dụng nhiều nhất do hiệu quả và an toàn cho trẻ từ 2 tuổi trở lên.

Dạng miếng dán da scopalamine (Transderm Scop, Ariel, Kimite) thuộc dòng chống tiết cholin tác dụng dài đến 24 tiếng. Tuy nhiên, nhóm thuốc này không dùng được cho trẻ em dưới 8 tuổi.

Các thuốc chống say đều cho hiệu quả cao và cần cho những người quá nhạy cảm dẫn đến dễ say tàu xe nghiêm trọng. Tuy nhiên, thuốc có thể có một số tác dụng phụ như lơ mơ, khô miệng, táo bón… trên một số người. Ví dụ như trường hợp bị lơ mơ, nói sảng, mất nhận thức tạm thời phải nhập viện cấp cứu gần đây vì không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng miếng dán chống say. Lẽ ra chỉ sử dụng ½ miếng cho trẻ từ 8 - 15 tuổi thì lại sử dụng nguyên miếng dẫn đến ngộ độc thuốc. Việc sử dụng rượu, bia khi có uống thuốc chống say cũng sẽ tăng nguy cơ tác dụng phụ.

Nên chọn thuốc có tác dụng ngắn và nếu cần thì uống nhắc lại sau mỗi 6h; Thuốc được chuyển hóa ở gan, thận nên thận trọng với người rối loạn chức năng gan, thận, rối loạn chuyển hóa, người già; Không dùng cho phụ nữ mang thai, đang cho con bú và trẻ em dưới 2 tuổi.

  • Ngọc Khuê