Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra danh mục 8 ngành nghề bị cấm đầu tư, kinh doanh và nhận được sự đồng tình từ lãnh đạo Chính phủ cũng như các bộ ngành khác.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ ngành diễn ra ngày 19/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đã đề xuất chỉ còn 8 ngành nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh, qua 51 ngành nghề đã rà soát.
Danh mục 8 ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh đề xuất gồm có kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; chất ma túy; sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, tiêu dùng và xuất khẩu hóa chất, các loại pháo; kinh doanh, tổ chức mại dâm, buôn bán người; kinh doanh thực vật, động vật hoang dã, quý hiếm, gồm cả vật sống và các bộ phận đã được chế biến; thử nghiệm sinh sản vô tính trên người; và sản xuất các sản phẩm biến đổi gen.
Kinh doanh thực vật, động vật hoang dã là 1 trong 8 ngành nghề có thể bị cấm kinh doanh |
Phương án nói trên đã được lãnh đạo Chính phủ và các bộ ngành nhất trí. Các ý kiến cũng đề nghị Bộ, ngành cần phối hợp đề tiếp tục rà soát, đảm bảo chất lượng của danh mục đề xuất và tính khả thi khi áp dụng trong thực tiễn. Điều này vừa đảm bảo được quyền tự do đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Mặt khác, quy định cũng phải đảm bảo sự linh hoạt cũng như lường định và xử lý được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn cuộc sống vốn hết sức phong phú, đa dạng và luôn vận động, phát triển.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tiến hành rà soát các ngành nghề bị cấm, ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. “Quản lý nhà nước không phải là giành thuận lợi cho chúng ta mà quản lý là để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, làm ăn”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành có trách nhiệm, khẩn trương, tiếp tục và chủ động rà soát các ngành, nghề đầu tư, kinh doanh bị hạn chế hoặc phải có điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực mình quản lý để bãi bỏ nếu đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn, không còn cần thiết cho mục tiêu quản lý nhà nước; hoặc bổ sung ngành, nghề đầu tư, kinh doanh vào danh mục hạn chế hoặc phải có điều kiện kinh doanh nếu thấy nhất thiết phải quản lý.
(Theo Zing)