Theo nhà báo Trần Ngọc Châu, có thể tham khảo cách học và chuẩn bị luận án tiến sĩ tại Hoa Kỳ. Trong việc tìm kiếm một đề tài, hãy nhớ 8 yếu tố quan trọng.

1. Cần thiết và thú vị

Một đề tài luận án phải là cần thiết, có ý nghĩa hoặc là quan trọng; nếu không, luận án đó sẽ không được chấp nhận. Điều này không có nghĩa là kết quả nghiên cứu hữu dụng ngay tức thì, nhưng nói chung là đề tài luận án không nên tầm thường, vụn vặt hay “không có gì quan trọng”.

Nghiên cứu sinh cũng nên cảm thấy vấn đề là quan trọng và đáng giá bởi vì trong quá trình nghiên cứu có những công việc phải lặp đi lặp lại và chỉ có khát vọng đối với đề tài mới giúp việc nghiên cứu đi đến cùng.  Nhu cầu tìm hiểu bản chất vấn đề cũng là động lực thôi thúc công trình nghiên cứu mà kết quả chưa chắc có hiệu quả trước mắt.

2. Có cơ sở lý luận nghiên cứu

Nền tảng lý thuyết hay cơ sở lý thuyết sẽ cung cấp một bệ đỡ cho sự đóng góp của luận án.  Những quan sát dẫn đến lý thuyết nhằm xếp loại, giải thích, và rồi lại dự báo các quan sát. Lý thuyết dẫn đến các vấn đề về hành vi hay hành động được quan sát. Những nghiên cứu dựa trên lý thuyết (theory-basedresearch) có thể giải thích được các kết quả kỳ vọng và những biến số (variables) phát sinh cùng những kết quả đó.

Nếu không xác định cơ sở lý thuyết, đề tài sẽ không được chấp thuận. Những ví dụ về các đề tài bị bác bỏ vì không đủ cơ sở lý thuyết là “Ảnh hưởng của những ngôi sao trên hành vi của con người” và đề tài “Ý nghĩ con người có thể sai khiến máy đánh bạc”  . Không có cơ sở lý thuyết nào giải thích tại sao những ngôi sao lại có ảnh hưởng đến hành vi của con người và cũng không có lý thuyết nào dự báo cách mà ý nghĩ của con người có thể ảnh hưởng trên các thiết bị máy móc được sử dụng để đánh bạc.Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng cũng có lý thuyết giải thích tại sao con người có thể tin những ngôi sao có ảnh hưởng hoặc tin rằng kỳ vọng có thể “sai khiến” các thiết bị đánh bạc, như vậy các luận điểm liên quan đến nghiên cứu hành vi con người là có thể chấp nhận.

3. Có trách nhiệm với các phương pháp nghiên cứu

Một yêu cầu nữa đối với đề tài là nó phải có tính khả thi bao gồm các dữ liệu đã có đủ và các phương pháp, dụng cụ phân tích cũng đã sẵn sàng. Có nhiều vấn đề thú vị mà chúng ta không thể nghiên cứu bởi vì chưa có những phương pháp nghiên cứu thích hợp, hoặc dữ liệu còn rất sơ sài. Một vài phương pháp nghiên cứu nào đó có thể không được chấp nhận vì vi phạm luật lệ của chính phủ hay quy định của đại học.

Một trong những ví dụ khá điển hình vào thập niên 80 của thế kỷ trước tại Hoa Kỳ, đó là Bộ y tế, giáo dục và an sinh xã hội Mỹ đòi hỏi các trường đại học thiết lập bộ quy tắc hướng dẫn sinh viên khi nghiên cứu các đề tài liên quan đến con người. (ví dụ: Đề tài nhân bản-cloning).

 Cũng có những đề tài mà nghiên cứu sinh không đáp ứng nổi về thời gian, tài chính hay kỹ thuật. Một trong những đề tài tiến sĩ từng bị hội đồng học thuật bác bỏ ở Mỹ, đó là“nghiên cứu nguyên nhân thất bại của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam”. Tại sao? Lý do đưa ra là vì số lượng các yếu tố không rõ ràng về các biến cố, bao gồm quyết định của nhiều đời tổng thống suốt 20 năm. Đường dây kết nối các sự kiện phức tạp này cũng khá mơ hồ và nguồn lực của ứng viên tiến sĩ quá “mỏng”. Nói chung là nghiên cứu sinh đề tài này không đủ cơ sở để phân tích.

4. Có thời hạn hợp lý để hoàn thành

 Thực ra, thời gian cho một luận án có thể thay đổi tùy theo trường đại học.

Tuy vậy, theo tôi, thường nghiên cứu sinh lại đánh giá thấp những trường đại học không nghiêm ngặt với thời gian dành cho luận án. Phần lớn thời gian dành cho luận án từ 12 tháng đến 20 tháng (ở Mỹ và Canada), nhưng có thể trễ hơn do nghiên cứu sinh thường đi làm thêm hay phụ giảng.

Việc nghiên cứu khám phá, định nghĩa vấn đề, và viết chiếm hơn một nửa thời gian.

Những phần việc khác như “chạy” trắc nghiệm, thu thập dữ liệu, phân tích, công thức hóa lý thuyết, và các hoạt động khác sẽ mất ít nhất từ 6 đến 10 tháng làm việc. Bởi vì các hoạt động sẽ cùng lúc, ví dụ: viết dàn bài trước nghiên cứu, cùng lúc thu thập dữ liệu… thì khung thời gian cũng mất 8-12 tháng. Cũng có sinh viên chọn các đề tài mà đòi hỏi thời gian mềm dẻo hơn, nhưng cũng phải có “hạn chót”để hoàn tất. 

5. Kết quả nghiên cứu (tiềm năng) mang tính cân xứng, khách quan khoa học

Các kết quả nghiên cứu tiềm năng phải mang tính cân xứng, lập luận nhiều chiều.

Thông thường, một công trình nghiên cứu phải giả định tìm thấy nhiều hơn một kết quả . Ví dụ: nghiên cứu thực nghiệm cho thấy 3 khả năng: 1) không thể bác bỏ giả thuyết hư vô, 2) có thể bác bỏ nó, hoặc 3) không kết luận. Một thuật toán nhằm giải một loạt các vấn đề sẽ có đáp số hoặc không.

Một đề tài tiến sĩ lý tưởng là một đề tài mà bất cứ một kết quả tìm thấy nào cũng khớp khả năng chấp nhận của luận án. 

Ví dụ: Một nghiên cứu sinh có thể đặt giả thuyết rằng hai phương pháp giảng dạy khác nhau sẽ cho ranhững kết quả khác nhau. Nếu kết quả nghiên cứu thực nghiệm khớp với giả thuyết đó và cấu trúc nghiên cứu và số liệu thống kê cũng đều chính xác, thì khi đó mới đi đến kết luận rằng: giả thuyết là một kết quả quan trọng, với mặc định sẽ áp dụng để giảng dạy những môn học đặc biệt.

Tuy vậy, lập luận phản biện cũng rất thú vị. Nếu các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy rằng không có phương pháp sư phạm nào rõ ràng chiếm ưu thế hơn cái khác, thì kết luận cũng không mấy quan trọng bởi vì cả hai phương pháp đều có thể áp dụng như nhau, phụ thuộc vào sự đánh giá chủ quan nhiều hơn là kết quả khách quan.

6. Phù hợp với khả năng và sở thích (của nghiên cứu sinh)

Một đề tài tiến sĩ tốt nhất nên thích hợp với khả năng và sở thích của nghiên cứu sinh. Ví dụ: Tôi mê nghề báo và không giỏi toán thì tôi sẽ chọn một đề tài nghiên cứu liên quan đến báo chí hay truyền thông và không phả ilàm nhiều chứng minh và thuật toán.

7. Đề tài dễ xin học bổng

Làm luận án tiến sĩ , ngoài tài năng học thuật, còn phải tốn rất nhiều kinh phí: đi lại, nghiên cứu, mua tác quyền, mua phần mềm, thuê phỏng vấn viên, điều tra viên, thậm chí tiền trả cho hiệu đính bản văn (nếu là sinh viên quốc tế, viết luận án không phải bằng tiếng mẹ đẻ). Chính vì vậy, học bổng hay tài trợ, gần như là một trong những điều kiện “bắt buộc” nếu muốn hoàn tất luận án một cách nghiêm túc.

Tất nhiên, theo nghĩa thuần túy học thuật, tài trợ không đòi hỏi “trả giá”. Nhưng phần lớn sinh viên nghiên cứu luận án tiến sĩ có nhiều lựa chọn thay đổi. Khi lựa chọn giữa những đề tài, họ cũng xem xét liệu đề tài có thể xin được học bổng không? Thường những đề tài “gần với cuộc sống”, nhưng  phương pháp tiếp cận mới sẽ  dễ xin học bổng hay tài trợ.

Năm 2014, Quỹ Saigon Times Foundation cũng cấp một phần họcbổng cho một sinh viên tiến sĩ về đề tài Nghiên cứu sử dụng phương pháp hóa học xanh để xử lý nước hồ đô thị và đánh giá khả năng thu hồi than hoạt tính hấp thu kim loại nặng chung quanh vùng sân bay Đà Nẵng.

Học bổng “Nhân tài đất Việt” của Báo Thanh Niên do Cà phê Trung Nguyên tài trợ cho các đề tài tiến sĩ với những khát vọng lớn (như Nghiên cứu căn bệnh ung thư, 2009)

8. Phát triển chuyên môn (của nghiên cứu sinh)

 Nghiên cứu sinh phải trởthành một trong các“chuyên gia” của lãnh vực, dù mới bắt đầu nghiên cứu hay chuẩn bị bảo vệ luận án. Nếu sự say mê khoa học vẫn tiếp tục, thì sau khi lấy tiến sĩ, nghiên cứu sinh có thể phát huy các khả năng của mình trong lĩnh vực nghiêncứu và là “người có thẩm quyền” trong lĩnh vực đó.

Ví dụ: Vào tháng 4/2016, có một đợt cá chết hàng loạt trên biển miền Trung Việt Nam. Khi đó, nếu bạn là sinh viên tiến sĩ hải dương học,hoặc đã là tiến sĩ càng tốt, thì có thể các phóng viên sẽ tìm đến bạn để phỏng vấn. Ngoài ra, có nhiều rủi ro trong việc nghiên cứu, nên nhiều sinh viên tiến sĩ chọn các đề tài hay lĩnh vực đã có nghiên cứu trước đó, hơn là các đề tài hoàn toàn mới. Tuy vậy, cũng không nên chọn các đề tài quá nhiều người đã chọn vì như vậy sẽ lặp lại ý tưởng của người khác, mà không có phát kiến cũng như đóng góp mới của riêng mình.

Những nguồn tiềm năng khác

-Những luận đề tổng quát đã được chấp nhận nhưng chưa được chứng minh.

-Các luận đề với chứng minh còn yếu ớt, chưa thuyết phục bởi một cấp thẩm quyền trong lĩnh vực.

-Các lý thuyết hay khái niệm đã có nhưng chưa được củng cố hay cơ sở lý luận còn yếu.

-Cách tiếp cận khác để trắc nghiệm những kết quả quan trọng.

- Các sự kiện thời sự: Báo chí thường đăng những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực chính trị học, kinh tế học, xã hội học và công nghệ v.v…trước các tạp chí khoa học. Độ trễ của các đề tài được chấp nhận và việc đăng trên tạp chí khoa học thông thường khoảng một năm. Ví dụ: Báo chí từng đăng nhiều tin tức về “phim ảnh khiêu dâm” ảnh hưởng xấu thanh thiếu niên, và cho rằng đó sẽ là vấn đề xã hội trước khi Ủy ban về phim ảnh khiêu dâm trực thuộc Tổng thống Mỹ được thành lập. Một nghiên cứu sinh tiến sĩ xã hội học, trong thập niên 60 của thế kỷ trước, đã chọn đề tài này từ báo chí.

-Gợi ý từ những luận án trong quá khứ.

-Gợi ý từ những chuyên gia có uy tín hay thẩm quyền của lãnh vực.

-Gợi ý từ những nhà hoạt động thực tiễn của các lãnh vực.

XEM TOÀN BÀI TẠI ĐÂY