Hiện ở Việt Nam có tới 13,5 triệu người bị rối loạn tâm thần, trong đó 70-80% người bệnh chưa được điều trị.

Thông tin được đưa ra tại hội thảo tham vấn chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn đến 2030 do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức.

Gần 14 triệu người Việt rối loạn tâm thần

Tại Việt Nam, theo nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật và thương tích năm 2008, các rối loạn tâm thần kinh là những nguyên nhân hàng đầu của gánh nặng bệnh tật. Gần 15% dân số (tương đương khoảng 13,5 triệu người) Việt Nam đang mắc các rối loạn tâm thần phổ biến và khoảng 3 triệu người mắc các rối loạn tâm thần nặng. Nguyên nhân chủ yếu do làm việc suốt ngày đêm, áp lực công việc lớn, căng thẳng, uống rượu bia nhiều, cách biệt giàu - nghèo, ly hôn, thất nghiệp, xã hội bất an…

{keywords}
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, số lượng người bệnh được chữa trị còn rất thấp, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 người được điều trị, trong đó điều trị bằng thuốc vẫn là chủ yếu, điều trị tâm lý rất hạn chế.

Theo các chuyên gia, do nhận thức hạn chế, người dân vẫn chưa hiểu đúng về sức khỏe tâm thần, đánh đồng tất cả đều là “điên” mà không biết có nhiều rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, mất ngủ, lo âu… dẫn đến tình trạng kì thị, phân biệt đối xử. Công tác phát hiện và điều trị người mắc các bệnh về tâm thần đang có một khoảng trống lớn, có đến 70%-80% người mắc bệnh chưa được phát hiện bệnh để điều trị.

Bên cạnh đó, số lượng bác sĩ chuyên khoa tâm thần còn ít. Cả nước có 850 bác sĩ nhưng chỉ tập trung tại tuyến trung ương và các thành phố lớn.

Tăng cường chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tâm thần

Hiện tại, Việt Nam là một trong 35 nước chưa có luật về sức khỏe tâm thần. Trước nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức tâm thần của nhân dân, nhằm giảm bớt gánh nặng do rối loạn tâm thần gây ra, hoàn thiện hành lang chính sách và luật pháp, tăng cường việc chỉ đạo điều hành trong công tác chăm sóc sức khỏe, Bộ Y tế xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến 2035 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự thảo Chiến lược với quan điểm sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Không có sức khỏe tâm thần thì sẽ không có sức khỏe. Sức khỏe tâm thần góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Kế hoạch tập trung vào 4 mục tiêu chính là tăng cường lãnh đạo và điều hành hiệu quả cho sức khỏe tâm thần; Cung cấp các dịch vụ chăm sóc về y tế và xã hội dựa vào cộng đồng toàn diện, lồng ghép và đáp ứng nhu cầu; Triển khai các chiến lược nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần và dự phòng rối loạn tâm thần; và củng cố hệ thống thông tin, bằng chứng và nghiên cứu cho sức khỏe tâm thần.

Việc triển khai Kế hoạch Hành động sẽ cho phép người có rối loạn tâm thần tiếp cận dễ dàng hơn các dịch vụ sức khỏe tâm thần và chăm sóc xã hội; Người mắc các rối loạn tâm thần được điều trị bởi các nhân viên y tế có kỹ năng phù hợp trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe đa khoa, chương trình hành động giảm khoảng trống về sức khoẻ tâm thần mhGAP của WHO và các công cụ dựa trên bằng chứng tạo thuận lợi cho quá trình này; tham gia tổ chức lại, cung cấp và đánh giá dịch vụ nhằm đảm bảo dịch vụ chăm sóc và điều trị đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ; tiếp cận nhiều hơn tới các chính sách về khuyết tật, chương trình nhà ở và sinh kế của chính phủ, và tham gia tốt hơn trong công việc, đời sống cộng đồng và các vấn đề dân sự.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 tăng tỷ lệ người trưởng thành hiểu biết về sức khỏe tâm thần đạt 70%; tỷ lệ người có rối loạn tâm thần nhận thức được quyền của người có rối loạn tâm thần đạt 50%; giảm 20% tỷ lệ tự tử đến năm 2025. Số lượt người có rối loạn tâm thần được điều trị tại các cơ sở chuyên khoa tâm thần tăng thêm 50% đến năm 2025…

Đến năm 2035, sức khỏe tâm thần được tăng cường và bảo vệ, các rối loạn tâm thần được phòng ngừa hiệu quả và người có rối loạn tâm thần được bảo đảm đầy đủ quyền con người theo quy định của pháp luật, được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế và xã hội có chất lượng, kịp thời, và phù hợp về mặt văn hóa nhằm đạt được sức khỏe và sức khỏe tâm thần tốt nhất có thể, tăng cường sự phục hồi và tham gia đầy đủ vào hoạt động xã hội ở đó không có sự kỳ thị và phân biệt đối xử.

M.M