Sinh sống ở xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) nhưng chị Thị Thảo đã tiếp cận nhanh chóng các nền tảng ứng dụng công nghệ số. Hiện trên 80% các khoản thanh toán chị Thảo đều thực hiện chuyển khoản như tiền điện, nước, học phí, đi chợ…

Dak nong 6.jpg
Thói quen không dùng tiền mặt của người dân vùng biên giới huyện Tuy Đức ngày càng phổ biến.

Chị Thị Thảo cho biết, chỉ cần vài thao tác, chị đã chuyển khoản thành công các khoản chi phí, mua bán hàng hóa. Việc thanh toán không dùng tiền mặt rất tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian vì hiện nay, các ngân hàng, các điểm mua bán đã tích hợp để việc chuyển khoản trở nên nhanh chóng.

Thời gian qua, nhờ đầu tư phát triển về hạ tầng và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã dần trở thành thói quen của người dân tại huyện biên giới Tuy Đức.

Ghi nhận tại các điểm bán hàng tạp hóa, các quán cà phê, quán ăn, chợ... trên địa bàn huyện Tuy Đức, việc thanh toán không dùng tiền mặt khá phổ biến.

Tại quán cà phê An coffee, ở xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, dù chỉ mới hoạt động hơn 2 tháng nay nhưng đã áp dụng cách thanh toán không dùng tiền mặt. Để tạo thuận lợi cho khách hàng trong thanh toán, quán in mã QR ngay trên hóa đơn.

Dak nong 7.jpg
Quán cà phê An Coffee thanh toán không dùng tiền mặt

Anh Tưởng Đăng Hoàng, quản lý quán An Coffee cho biết, khách hàng chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, thực hiện thao tác quét mã QR với tài khoản có sẵn là có thể thanh toán.

Hàng ngày, trên 40% khách hàng đến với quán sử dụng mã QR để thanh toán. Khách hàng đã dần có thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. Với hình thức thanh toán này giúp quán đỡ phải thối tiền lẻ, quản lý được doanh thu hàng ngày, khá tiện lợi và an toàn.

Hiện nay, không chỉ tại quán cà phê mà tại các chợ truyền thống hay cửa hàng tạp hóa trên địa bàn Tuy Đức, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến.

Nhiều cửa hàng thậm chí đặt 2-3 mã QR của các ngân hàng khác nhau để khách hàng thoải mái lựa chọn. Thay vì nhập thủ công tên ngân hàng hay số tài khoản, người dùng giờ chỉ cần quét mã là các thông tin giao dịch sẽ tự động hiện ra, tiết kiệm nhiều thời gian và giảm thiểu sai sót.

Theo báo cáo của UBND huyện Tuy Đức, năm 2024, toàn huyện có hơn 82% người dân đã sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử và trên 90% hộ gia đình sở hữu điện thoại thông minh. Những con số ấn tượng này cho thấy công nghệ số đang được người dân vùng biên sử dụng ngày càng nhiều.

Dak nong 8.jpg
Người dân vùng biên giới Tuy Đức hầu như không sử dụng tiền mặt

Có điện thoại thông minh trong tay, người dân giờ đây không còn cần mang theo tiền mặt vẫn có thể mua sắm, giao dịch ở bất cứ đâu. Sự tiện lợi này đã và đang nhận được nhiều đánh giá tích cực từ phía người dân sử dụng.

Việc thanh toán không dùng tiền mặt giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến tiền giả, mất cắp, đồng thời tăng tính minh bạch trong giao dịch tài chính.

Thanh toán điện tử là một phần trong quá trình chuyển đổi số, đóng vai trò quan trọng trong xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Việc có đến 82% dân số sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả của các chiến lược chuyển đổi số tại huyện biên giới Tuy Đức.

Sự phổ biến của hình thức thanh toán này giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức trong các giao dịch hàng ngày, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Điều này thể hiện rõ qua các cửa hàng, quán cà phê, và cả chợ truyền thống đều triển khai mã QR để hỗ trợ khách hàng.

Theo HOÀNG ĐỨC HÙNG (Báo Đắk Nông)