Ngày 9/11, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Giám đốc Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã làm việc với các nhạc sĩ để làm rõ các vấn đề liên quan đến đơn kiến nghị của nhạc sĩ: Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến, Ngọc Khuê, nhóm M6 về việc các sản phẩm âm nhạc của họ bị BH Media xác nhận chủ sở hữu bản quyền trên chính kênh YouTube của tác giả.
Tại buổi làm việc này, ông Cẩn cũng trả lời những câu hỏi mà báo chí đã gửi tới Trung tâm với mong muốn làm rõ vụ việc lùm xùm bản quyền vừa qua.
Buổi làm việc của VCPMC với các nhạc sĩ liên quan. |
Tại buổi làm việc, ông Đinh Trung Cẩn thông tin, ngày 28/10/2021, VCPMC tiếp nhận kiến nghị của nhạc sĩ Ngọc Khuê về việc nhiều tác phẩm của nhạc sĩ tự sáng tác và đầu tư sản xuất (Hà Nội mùa thu vắng em) hoặc do Hội Nhạc sĩ đầu tư sản xuất (Hạt nắng hạt mưa) và thuê Dihavina thu âm nhưng bị BH Media xác nhận chủ sở hữu bản quyền khi đưa lên chính kênh YouTube của mình.
Ngày 28/10/2021, VCPMC tiếp nhận kiến nghị của tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến trình bày. Theo hợp đồng giữa tác giả và Hồ Gươm Audio về việc sản xuất 2 album Giọt sương bay lên (9 tác phẩm) và Ngồi trên vách nắng (12 tác phẩm) thì quyền tác giả và quyền sản xuất thuộc về tác giả. Theo đó, Hồ Gươm Audio sẽ ứng trước tiền cho tác giả để sản xuất bản ghi, sau khi bán được 4.000 CD cho mỗi album thì sẽ phân chia theo lợi nhuận: Tác giả 25% - Hồ Gươm Audio 75% và Hồ Gươm sẽ trừ phần ứng trước cho tác giả sản xuất vào phần doanh thu mà tác giả được nhận theo thoả thuận tỷ lệ.
Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến muốn đăng tải video Liveshow Tiền duyên nhưng vì có hai tác phẩm Giấc mơ dai dẳng, Giọt sương bay lên do chính nhạc sĩ sáng tác và sản xuất nhưng bị BH Media xác nhận chủ sở hữu bản quyền nên không thể đăng tải được...
Ngày 3/11/2021, VCPMC đã nhận được đơn kiến nghị của tác giả Ngô Tự Lập (nhóm trưởng nhóm M6) đại diện cho các thành viên trong nhóm báo cáo về tình trạng bị BH Media phản ánh các tác phẩm của chính nhóm mình sáng tác và sản xuất.
Nhóm M6 gồm các thành viên: Giáng Son, Ngô Tự Lập, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Lê Tâm, Nguyễn Thắng, Trần Đức Minh đã cùng nhau sáng tác và đầu tư sản xuất 3 CD: Hà Nội M6 phố phường, Những đường bay, Đêm nhiệt đới và thuê Hồ Gươm Audio phát hành. Nhưng khi các thành viên đưa các video đó lên kênh YouTube của mình thì bị BH Media thay mặt Hồ Gươm Audio nhận là chủ sở hữu bản quyền.
Ông Đinh Trung Cẩn lần lượt trả lời các vấn đề mà các nhạc sĩ kiến nghị: "Về trường hợp của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, quyền tác giả 100% là nhạc sĩ, quyền liên quan phụ thuộc vào hợp đồng giữa Hồ Gươm Audio và tác giả. Tác giả cần cung cấp cho VCPMC để có căn cứ tiến hành các biện pháp pháp lý cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích của tác giả.
Về kiến nghị của nhạc sĩ Ngọc Khuê, quyền tác giả: 100% là của tác giả, quyền liên quan: 100% là của tác giả với bản ghi Hà Nội mùa thu vắng em do ca sĩ Thu Thủy trình bày. Video sử dụng tác phẩm do tác giả sáng tác và do Hội Nhạc sĩ đầu tư chi phí sản xuất thì tác giả có 100% quyền tác giả và Hội Nhạc sĩ Việt Nam có 100% quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình.
Về kiến nghị của nhóm M6, quyền tác giả 100% thuộc về nhóm M6, quyền liên quan 100% thuộc về nhóm M6.
Giáng Son |
Về kiến nghị của nhạc sĩ Giáng Son đối với tác phẩm Giấc mơ trưa, quyền tác giả 100% là của nhạc sĩ Giáng Son, quyền liên quan của bản ghi Giấc mơ trưa - Khánh Linh 100% là của nhạc sĩ Giáng Son. Bản ghi mà BH Media dùng để xác nhận bản quyền là bản ghi Giấc mơ trưa - Dương Thùy Anh. Dương Thùy Anh sử dụng tác phẩm Giấc mơ trưa của tác giả Giáng Son nhưng chưa xin phép tác giả là xâm phạm quyền tác giả, sử dụng bản phối thuộc sở hữu của nhạc sĩ Giáng Son, cover thêm nhạc cụ là đàn nhị nhưng chưa xin phép tác giả là xâm phạm quyền liên quan".
Khánh Linh hát 'Giấc mơ trưa' của Giáng Son tại liveconcert Nghệ sĩ tháng
Ông Cẩn cũng cho biết thêm, nội dung hoàn toàn mới là số lượng 76 CD tương ứng 865 tác phẩm do Hội Nhạc sĩ đầu tư sản xuất cũng đang bị BH Media sử dụng để xác nhận chủ sở hữu bản quyền trên YouTube. Trong khi đó, quyền tác giả 100% thuộc về các tác giả thành viên Hội nhạc sĩ, quyền liên quan 100% thuộc về Hội Nhạc sĩ Việt Nam (đơn vị chủ đầu tư thuê ca sĩ, nhạc sĩ hòa âm phối khí, ký Hợp đồng với Nhà xuất bản âm nhạc là Dihavina để thu âm, in xuất bản đĩa CD).
Ông Cẩn khẳng định: “VCPMC sẽ tiến hành xử lý hành vi xâm phạm này theo đúng quy định của pháp luật và quy trình xử lý vi phạm của VCPMC. Nếu cần thiết sẽ khởi kiện để đòi lại quyền lợi cho các nhạc sĩ và Hội Nhạc sĩ Việt Nam”.
Hoạ sĩ Văn Thao. |
Tại cuộc họp, hoạ sĩ Văn Thao - con trai cố nhạc sĩ Văn Cao cũng chia sẻ về lùm xùm bản quyền ca khúc Tiến quân ca thời gian vừa qua. Hoạ sĩ Văn Thao chia sẻ: "Thực hiện theo nguyện vọng của cha tôi - cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng ca khúc Tiến quân ca cho nhân dân, nhà nước Việt Nam. Như vậy, bản quyền của tác phẩm thuộc về quốc gia chứ không còn thuộc về gia đình nữa. Nhưng khi nghe từ báo chí truyền hình về việc tác phẩm bị đánh gậy bản quyền, tôi thấy hết sức vô lý và hài hước.
Bài hát này, từ ngay khi sáng tác xong cho đến lần đầu tiên công khai toàn dân hát tại Quảng trường Nhà hát Lớn ngày 19/8/1945 và đến sau này thì nhạc sĩ Văn Cao vẫn luôn cho rằng, ca khúc này đã thuộc về Nhân dân rồi. Từ khi ca khúc này ra đời, bản thân nhạc sĩ Văn Cao và gia đình chúng tôi chưa nhận bất cứ một đồng nào tiền bản quyền của tác phẩm này. Khi cha tôi mất đi, ông bảo: "Các con đừng bao giờ lấy tiền bản quyền ca khúc 'Tiến quân ca' và sau này, đến lúc nào đó, thay mặt bố, bàn giao ca khúc này cho Nhà nước và Nhân dân". Chúng tôi đã làm đúng nguyện vọng của nhạc sĩ Văn Cao. Tiến quân ca hoàn toàn là tài sản của Nhà nước, của Nhân dân. Tôi tin là các cơ quan chức năng sẽ làm rõ vấn đề này".
Theo dự kiến hôm nay, 10/11, BH Media và VCPMC sẽ có buổi làm việc về các vấn đề liên quan. Phía VCPMC cho biết kết quả làm việc sẽ được thông báo bằng văn bản tới các nhạc sĩ.
Tình Lê
Bộ Văn hóa đang xem xét vụ bản quyền 'Tiến quân ca'
Đơn vị BH Media được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác một bản ghi "Tiến quân ca" trên nền tảng số. Thông tin này gây tranh cãi trong dư luận.