Chị Trần Thị Phương Nga - Nghệ nhân văn hoá ẩm thực làng nghề Việt Nam

Năm 2015, khi chị Trần Thị Phương Nga (SN 1981) đang làm việc tại một viện nghiên cứu về thú y thì phong trào làm thạch 3D nổi lên rầm rộ ở Việt Nam. Chị cũng háo hức mày mò với mục đích làm cho con ăn.

Những mẻ thạch hoa quả ban đầu của chị trông không đẹp mắt như ngoài hàng, chỉ đảm bảo yếu tố ngon, sạch. Từ đó, chị thấy tò mò và bắt đầu tìm hiểu về thạch 3D.

Ban đầu, chị học hỏi từ các nguồn trên mạng, những người đi trước, các video của nước ngoài. Chị mải mê làm thạch đến mức chồng chị còn chê là “hâm”. Có những hôm chị làm thạch thâu đêm, chỉ vì thích, vì say mê những chiếc bánh thạch đẹp như tranh. Lúc này, chị chưa hề nghĩ đến việc sẽ theo đuổi nó như một công việc nghiêm túc. 

Chị không đếm nổi bao nhiêu mẻ bánh thất bại. Ông xã và các con nhìn chị lắc đầu, khó hiểu. Cả nhà không hiểu tại sao ban ngày đi làm 8 tiếng, đến đêm chị lại tất bật trong bếp làm bánh, mà chẳng phải vì lý do kiếm tiền. 

Một sản phẩm bánh thạch 3D của chị Nga

Nhưng những nỗ lực của chị được đền đáp bằng việc tìm ra cách làm cốt bánh “bất bại” - có thể dễ dàng vẽ hoa trong vắt. Không dừng lại ở đó, vốn là một nghiên cứu viên, bản tính mày mò, ưa tìm hiểu, khám phá những cái mới, những cái chưa ai làm có sẵn trong “máu”. Chị không chấp nhận việc dừng lại ở những công thức, cách làm học được trên mạng. 

Mỗi bộ kim làm thạch lúc ấy có giá 250-350 nghìn đồng, mà mỗi loại hoa lại phải dùng một loại kim khác nhau. Đó là số tiền không nhỏ với một công chức. Chị cũng nhận thấy những bộ kim này khi bắt hoa không được mềm mại tự nhiên. 

Một hôm, đang vẽ nhị hoa bằng kim y tế G18, chị nảy ra ý tưởng bẻ cong kim để xoay cho dễ. Nghĩ là làm, chị bẻ cong kim để vẽ bông hoa phượng thì thấy thành công. 

Từ đó, chị bắt đầu tìm cách đưa nhiều loài hoa khác nhau vào trong chiếc bánh thạch 3D sao cho chân thực nhất từ màu sắc đến đường nét. 

Những chiếc bánh thạch 3D của chị dần để lại ấn tượng cho người nhìn, tạo nên thương hiệu cá nhân trong giới làm thạch 3D. Chị bắt đầu được các học viên trong nước và ngoài nước tìm đến để học hỏi. 

Các lớp học ở trong Nam ngoài Bắc, ở Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore… lần lượt ra đời. 

Chị Nga cho biết, để làm công việc này cần sự kiên trì và lòng đam mê.

Đến năm 2018, khi cảm thấy không thể gồng gánh được cả hai công việc cùng lúc, chị đã suy nghĩ rất kỹ và chọn từ bỏ công việc đã gắn bó 12 năm.

“Thực ra, nếu phải làm tiếp cả hai công việc, tôi vẫn có thể làm được. Tôi vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ ở cơ quan nhưng lúc ấy tôi không còn say mê nó như ngày xưa nữa”.

“Khi nói ra quyết định nghỉ việc Nhà nước, bố mẹ tôi tiếc nuối vì bao nhiêu năm đèn sách ăn học lên đến thạc sĩ. Ông xã thì từ trước đến giờ vẫn muốn vợ có một công việc ổn định”.

Chị chia sẻ rằng, việc bỏ làm công chức để theo đuổi thạch 3D không phải vì vấn đề tài chính. Bởi vì từ trước đến giờ, kinh tế trong gia đình chị chủ yếu là do chồng đảm đương. Chị không phải chịu áp lực quá nhiều về việc này. Thậm chí, một phần nhờ có sự hậu thuẫn về kinh tế từ chồng mà chị mới đủ can đảm để theo đuổi đam mê. 

Không giống như nhiều người khác, khi đã trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình, chị không chọn kinh doanh từ nghề này, mà có một tham vọng lớn hơn.

“Tôi muốn mọi người không chỉ xem thạch 3D như một món tráng miệng, mà coi nó là một dòng bánh nghệ thuật sáng tạo. Tôi cũng muốn khi thế giới nhắc đến bánh thạch là sẽ nhắc đến Việt Nam, nhắc đến các nghệ nhân làm bánh thạch 3D của Việt Nam”.

Khi đó, mọi người nói chị “điên”, mỉa mai chị là “ảo tưởng”. Nhưng chị vẫn quyết đi theo con đường mình chọn. 

Chị Nga đã đào tạo rất nhiều học viên đi thi đạt giải thưởng quốc tế về làm thạch 3D.

Bằng việc đào tạo các học viên, đưa học trò đi thi các cuộc thi thạch quốc tế, nghệ thuật làm thạch 3D của người Việt đã được ghi nhận và đánh giá cao ở khu vực. Trong 3 năm liên tiếp 2017, 2018, 2019, chị đều có học trò đạt giải cao nhất trong các cuộc thi thạch quốc tế ở Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia. 

Cũng từ đây, chị được báo đài trong nước và quốc tế quan tâm. Đến năm 2020, chị được phong danh hiệu Nghệ nhân văn hoá ẩm thực làng nghề Việt Nam. 

Chị nói, hầu hết mọi người, kể cả học trò của chị, sau khi học thành nghề đều có ý định mở cửa hàng kinh doanh bởi vì nó dễ dàng hơn và có nhu nhập tốt hơn. Nhưng vì tham vọng ghi tên thạch 3D của Việt Nam trong làng ẩm thực quốc tế nên chị đã chọn sự nghiệp đi dạy và quảng bá món ăn này trong các sự kiện lớn để mọi người biết đến nhiều hơn.

“Bản thân từng là một người nghiên cứu nên tôi thích mày mò, sáng tạo. Nếu làm để bán thì ngày nào tôi cũng phải làm đi làm lại một sản phẩm và sẽ không còn thời gian để sáng tạo ra những thứ mới nữa”. 

Chị Nga nói, để theo nghề này, hoa tay là một lợi thế nhưng không phải là yếu tố quyết định. Bất cứ ai yêu thích và có sự kiên trì đều có thể học được. 

Tuy nhiên, để theo đuổi nó đường dài và đạt được những thành công nhất định, theo chị Nga, phải có sự quyết tâm và hi sinh rất lớn, bên cạnh lòng đam mê. 

Nghệ nhân thạch 3D của Việt Nam chia sẻ, tới đây, ước mơ của chị là tổ chức một cuộc thi làm thạch 3D ở Việt Nam để tạo sân chơi cho những người đam mê với nghệ thuật ẩm thực này. 

Một số hình ảnh sản phẩm đẹp của nghệ nhân Trần Thị Phương Nga:

Đăng Dương 

Ảnh: NVCC