1. Bánh khoai mì
Bánh khoai mì nướng sở hữu mùi thơm làm “nức mũi” khách qua đường. Củ khoai mì (sắn) sau khi được luộc thì bào nhuyễn, trộn với ít cơm dừa và nặn lại thành miếng tròn, kích thước cỡ bằng lòng bàn tay.
Ảnh:internet |
Bánh được đặt lên bếp than, nướng cho đến khi vàng đều hai mặt là có thể thưởng thức. Đây là món bánh dân dã và rất rẻ, chỉ tầm 5.000 đồng/ chiếc mà ăn lại dễ no, giúp lót dạ nhanh chóng. Khi ăn bánh có vị bùi, ngọt nhẹ.
Ảnh:internet |
2. Bánh sầu riêng
Đối với những ai ghiền vị béo ngậy của sầu riêng, loại trái cây đặc sản Nam Bộ thì món bánh này hẳn không còn xa lạ. Sầu riêng được người bán tách múi, dùng thìa nạo một ít thịt rồi cho vào miếng bánh tráng mỏng dàn đều, gấp lại thành hình chữ nhật, nhúng qua một lớp bột rồi thả vào chảo dầu đang sôi. Vài phút sau đã có ngay món bánh bánh chiên giòn, vỏ vàng ruộm với hương thơm vô cùng đặc trưng.
Ảnh:Internet |
3. Bánh cay
Độ giòn rụm và vị cay cay lưu lại vị giác khi thưởng thức món bánh cay chắc chắn sẽ khiến nhiều người mê mẩn. Bánh cay rất dễ làm, ớt tươi thái nhỏ cùng rau thì là, hành lá, đường, muối trộn đều với củ sắn đã bào mịn, viên thành từng viên hình bầu dục rồi chiên giòn. Bánh được ăn khi còn nóng ấm, nhất là vào những ngày mưa thì không còn gì tuyệt bằng.
|
4. Bánh tằm ngọt
Nếu bình chọn một món bánh đường phố vừa ngon miệng lại đẹp mắt thì bánh tằm ngọt ắt hẳn sẽ lọt top Sài Gòn. Bánh được làm từ khoai mì nhưng độ ngọt rất ít, sợi bánh ăn có vị dai và độ giòn giòn của dừa sợi bào mỏng nên ăn hoài không ngán. Bánh có hình sợi dài, giống như những chú tằm, lại khoác lên mình nhiều màu sắc như xanh, vàng, hồng... xinh xắn.
|
5. Bánh chuối chiên
Đây là món bánh không xa lạ đối với tuổi thơ của nhiều người, từ miền Trung vào tận miền Nam. Nguyên liệu bánh đơn giản, chỉ vài quả chuối chín được bóc vỏ, lăn qua hỗn hợp gồm bột gạo, bột mì, bột năng, đường, muối... rồi chiên ở lửa vừa cho đến khi lớp bột chuyển sang màu vàng cánh gián. Bánh được xếp lên vỉ cho ráo bớt dầu. Cảm giác vắn một miếng bánh giòn tan cùng vị ngọt của chuối thật khó có thể chối từ.
|
6. Bánh bò sữa nướng
Chỉ mới xuất hiện trong một vài năm trở lại đây nhưng bánh bò sữa nướng rất được lòng người dân, đặc biệt là các bạn học sinh sinh viên và giới văn phòng. Đây là món ăn chơi, thành phần cốt dừa truyền thống được thay thế bằng sữa tươi, vì thế mà có tên gọi ấy.
Ảnh: internet |
Bánh được làm chín bằng cách cho vào khuôn, thường được nướng trên bếp than, đảm bảo nhiệt độ nóng đều cho khuôn bánh thì bánh mới nở phồng thơm phức.
Ảnh: internet |
7. Bánh bò dừa
Bánh bò dừa được làm từ khuôn hình trụ úp vào nhau, kích thước lớn bé tùy loại. Khi làm bánh, người bán múc một muỗng hỗn hợp (bột mì, bột nổi, trứng gà) đổ vào lòng khuôn, tay cầm khuôn lắc đều một vòng tròn cho bột tráng đáy, đặt lên bếp than rồi đậy nắp lại, đợi cho bánh chín, tiếp tục như vậy với một nửa bánh còn lại, bên trong là nhân dừa đã xào chín. Chiếc bánh hoàn hảo phải vừa giòn lại vừa dai, thơm ngọt vị dừa.
|
8. Bánh ống lá dứa
Bánh ống lá dứa vốn có nguồn gốc từ người Khmer ở tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, giờ đã trở thành món ăn đường phố thân thương dung dị của Sài Gòn. Bánh được bán trong những xe đẩy nhỏ, có người vẫn giữ cách làm thô mộc bằng nồi nhôm với ống tre, có người thay thế bằng lò hơi và ống inox.
Ảnh: internet |
Bánh làm từ khoai mì trộn bột gạo nếp, dừa sợi, thêm ít lá dứa để tạo màu xanh cũng như mùi thơm. Khi chế biến, người làm bánh đặt khuôn trên nắp nồi, trong nồi có chứa nước, rồi bắt đầu đổ bột vào ống như chưng cách thủy khoảng 2 phút. Bánh chín được thêm vào dừa nạo và muối vừng, cuộn tròn trong bánh tráng gạo, rất đậm đà dân dã.
Ảnh: internet |
9. Bánh bông lan
Điểm khác biệt của bánh bông lan của các gánh hàng rong Sài Thành là sử dụng nguyên liệu nước cốt dừa thay thế cho bơ, vì thế những chiếc bánh tạo nên có độ mềm, xốp, beo béo, không quá ngọt cùng mùi thơm đặc trưng. Chỉ cần hỗn hợp bột pha sẵn trong chiếc ca lớn, một bếp than rực hồng và cặp vỉ nướng là người bán nhanh chóng tạo nên những chiếc bánh hình tam giác ngon lành.
Ảnh:Internet |
Bánh được cho sẵn vào túi nilon để bán cho khách qua đường. Ảnh: internet |
(Theo Trí thức trẻ)