Tại thị trường ô tô Việt Nam, với khoảng 900 triệu đồng trong tay tưởng dễ nhưng lại thành khó lựa chọn bởi hiện có khá nhiều dòng xe có tầm giá này cùng những công năng, đặc điểm khác nhau.

Giá 900 triệu đồng phân vân nhiều lựa chọn

Khoảng giá 900 triệu đồng hiện có khá nhiều lựa chọn cho người mua, trải dài qua các dòng xe như sedan, bán tải, crossover, SUV cho đến MPV cỡ lớn.

Mới đây nhất Mazda CX-30 giá từ 839-899 triệu đồng ra mắt đã bổ sung vào phân khúc crossover lỡ cỡ giữa B và C tại Việt Nam mà trước đó mới có Honda HR-V và Toyota Corolla Cross.

Ưu điểm của nhóm xe mới này là thiết kế trẻ trung và giá rẻ hơn nhóm xe crossover cỡ C như Honda CR-V, Nissan X-trail, Mitsubishi Oulander, Mazda CX-5. Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ chỉ cảm nhận được lợi thế về giá khi chọn các phiên bản thấp nhất. Với bản cao cấp, giá xe sau lăn bánh sẽ tương đương hoặc cao hơn cả xe cỡ C.

{keywords}
Mazda CX-30 mới ra mắt trong tháng 4/2021 tại Việt Nam

Mazda CX-30 do Trường Hải nhập khẩu, phiên bản cao cấp 2.0L Premium giá 900 triệu đồng, rẻ hơn khoảng 20 triệu so với Mazda CX-5 2.0L, rẻ hơn 50 triệu so với bản Premium 2.0 CVT của Mitsubishi Oulander, và rẻ hơn bản Honda CR-V 1.5 E khoảng 100 triệu đồng.

{keywords}
So với "đàn anh" Mazda CX-5, ranh giới phân biệt với Mazda CX-30 hơi khó vì chúng quá giống nhau ngoại trừ kích thước và một số chi tiết trang điểm bên ngoài.

Tuy nhiên, người dùng cũng thấy được sự chênh lệch không đáng hy sinh giữa CX-30 và “đàn anh” CX-5 khi mẫu xe mới trang bị công nghệ tương đương nhưng kích thước nhỏ hơn. Cả hai xe đều dùng động cơ SkyActiv, hộp số tự động 6 cấp, tiện nghi khá phong phú với điều hòa tự động hai vùng, phanh tay điện tử kết hợp giữ phanh tự động, cửa sổ trời, cốp chỉnh điện, HUD, màn hình trung tâm lớn, gói an toàn i-Activsense... Nếu cố thêm vài chục triệu đồng, tâm lý mua xe to hơn sẽ nghiêng về phía Mazda CX-5.

Cạnh tranh với Mazda CX-30, chiếc Toyota Corolla Cross ra mắt từ tháng 8 năm ngoái hiện đang duy trì lượng bán khá tốt, trung bình trên 1000 xe mỗi tháng. Toyota Corolla Cross có 3 phiên bản với giá bán từ 720-910 triệu đồng, trong đó bản cao cấp nhất dùng công nghệ động cơ hybrid, giá tương đương dòng xe cỡ C. Phiên bản hybrid có giá tương đương các dòng crossver cỡ C chính là một lợi thế về mặt công nghệ nếu khách hàng muốn trải nghiệm một chiếc xe "xanh", không hề phát ra khí thải khi di chuyển trong nhà đỗ xe.

{keywords}
Toyota Corolla Cross đang nhận được thành công nhờ sự mới mẻ về thiết kế.

Khác với ngoại thất tạo điểm nhấn công nghệ, nội thất xe Corolla Cross trông khá đơn giản dù sở hữu màn hình trung tâm cảm ứng 9 inch. Thậm chí cụm vô-lăng bị chê không phù hợp, giống cách đây 10 năm hơn là với xe của những năm 2021. Bù lại, trang bị an toàn tiêu chuẩn trên xe khá đủ như 7 túi khí, chống bó cứng phanh, cân bằng điện tử, khởi hành ngang dốc, cảm biến áp suất lốp... Bản 1.8V và hybrid đều có thêm gói Toyota Safety Sense cảnh báo tiền va chạm, cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau, cảnh báo điểm mù, cảnh báo lệch làn đường, hỗ trợ giữ làn... 

{keywords}
Với 900 triệu đồng, nếu không đòi hỏi xe mới ra mắt thì những xe ở phân khúc cỡ C như Hyundai Tucson bản thấp vẫn có thể là lựa chọn phù hợp.

Bên cạnh một số xe thuộc phân khúc mới như trên với giá khoảng 900 triệu đồng, người mua vẫn có thể chọn xe gầm cao cỡ C giá tương tự, nhưng là phiên bản thấp nhất như Mitsubishi Outlander bản 2.0 CVT giá 825 triệu đồng (lăn bánh 910 triệu đồng), Hyundai Tucson bản tiêu chuẩn giá 799 triệu đồng (lăn bánh giá 882 triệu đồng).

Với những người thích trải nghiệm đường khó hoặc sống ở vùng núi, đường xá khó khăn có thể hướng đến dòng xe bán tải.

Số tiền 900 triệu cho phép bạn nhắm đến phiên bản cao cấp, dẫn động 2 cầu của các thương hiệu bán tải. Điển hình trong số này gồm có Ford Ranger Wildtrak 2.0L 4x4 AT giá 925 triệu đồng trang bị động cơ BiTurbo Diesel 2.0L i4 TDCi, hộp số tự động 10 cấp cùng loạt công nghệ an toàn tự động. Các mẫu bán tải cao cấp còn lại giá tương tự là Toyota Hilux Adventure 2.8G 4x4 AT (913 triệu đồng), Mitsubishi Triton 4x4 AT MIVEC Premium (865 triệu đồng).

Riêng nhóm xe 7 chỗ dành cho gia đình tầm giá 900 triệu dù ít mẫu xe nhưng lại đủ xe gầm cao lẫn đa dụng. Nổi bật là hai mẫu crossover cỡ C là Nissan X-Trail và Mitsubishi Oulander có giá bán dễ chịu ở phiên bản tiêu chuẩn: 825 triệu đồng cho Mitsubishi Outlander 2.0 CVT và 913 triệu đồng với Nissan X-Trail V-series 2.0 SL Luxury. Mẫu MPV cỡ lớn hiếm hoi trong nhóm lựa chọn giá này là Toyota Innova bản Venturer (879 triệu đồng).

Sau tiêu chí giá bán cần lưu ý điều gì?

Thông thường khi mua ô tô, người mua thường lựa chọn dựa trên tiêu chí đầu tiên là giá bán bởi nó ảnh hưởng đến khả năng tài chính. Tuy nhiên, thực tế lúc xuống tiền đôi khi lại không như họ tính.

Anh Nguyễn Xuân Đạt, từng nhiều năm làm bán hàng tại đại lý Hyundai, hiện đã mở showroom xe cũ trên đường Lạc Long Quân (Hà Nội) cho biết hiện nay đã qua rồi thời người Việt mua xe theo số đông bởi thị trường đã mở rộng, có quá nhiều lựa chọn phù hợp sở thích, khả năng tài chính. Tuy nhiên, đôi khi sở thích lại không đúng nhu cầu khiến việc mua ô tô chưa thực sự đem lại hài lòng. 

"Tôi đã từng bán chiếc Hyundai Tucson khá nhanh cho khách hàng ở Bắc Ninh bởi anh này đã nhắm xe từ trước. Thế nhưng vài tháng sau đó gặp lại, khách than rằng kể từ lúc mua xe chưa được hài lòng do chỗ ngồi chỉ có 5 mà gia đình anh ấy nhà 3 thế hệ, đi xa chật không thoải mái. Anh ấy cứ tiếc vì không cố thêm để lấy xe 7 chỗ như Hyundai Santa Fe, giờ bán để đổi thì phải bù nhiều do xe cũ trượt giá", anh Đạt kể lại.

{keywords}
Với cánh đàn ông, dòng xe bán tải thường thể hiện nam tính và sự mê hoặc nhất định, nhưng để dùng di chuyển cho xe gia đình 3 thế hệ lại không phù hợp. Ảnh minh họa.

Cũng mua vì sở thích mà không tính đến việc sử dụng hàng ngày, anh Trần Việt Long (Long Biên, Hà Nội) kể rằng mình mê bán tải đã lâu nên khi đủ điều kiện đã chuyển từ Kia Morning sang chiếc Ford Ranger bản cao Wildtrak 4x4, nhưng ngày vui lắm chẳng tày gang.

Anh kể: "Con ngõ nhà tôi hàng ngày để xe nhỏ như Kia Morning khá thoải mái, nhưng khi mua xe bán tải về thì đỗ không thể gọn, đuôi xe thường dính sang phần nhà khác. Xoay trở đi ra vào cũng căng thẳng. Lên phố trung tâm tìm bãi đỗ cũng tốn thời gian. Dần bất cập vậy khiến thú vui lái xe cuối tuần giảm hẳn, đôi khi tôi để xe cả tháng ở bãi gửi mà không dùng đến. Rất phí".

Một số chuyên gia ô tô cho rằng khi mua xe mới, nếu là chiếc duy nhất dùng chung cho gia đình, người mua nên ưu tiên hướng đến công năng sử dụng bên cạnh giá tiền. Bởi không giống xe máy có không gian hoạt động độc lập và giá trị nhỏ, chiếc ô tô thường kéo theo nhiều vấn đề liên quan.

Một chiếc xe sedan hay crossover cỡ nhỏ chỉ hợp gia đình 2 thế hệ, nhưng gia đình 3 thế hệ lại cần xe lớn hơn như 7 chỗ ngồi. Hoặc nếu người mua sống ở đô thị có thể chỉ cần xe gầm thấp, máy tiết kiệm nhiên liệu nhưng với người sống ở miền núi, một chiếc xe trang bị động cơ khỏe, gầm cao, dẫn động 4 bánh lại rất hữu ích.

Đình Quý

Bạn có góc nhìn thế nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

 

Lần đầu mua ô tô, nên chọn xe cũ hay xe mới?

Lần đầu mua ô tô, nên chọn xe cũ hay xe mới?

Cùng một mức tiền, “bóc tem” xe mới sẽ yên tâm về chất lượng, đi vài năm không phải suy nghĩ. Trong khi đó, nếu mua xe cũ lại được hẳn một chiếc xe phân khúc cao hơn cùng với options “miên man”.