- Sau bài viết "Gửi nam sinh Ngô Quyền và các trò định chết", VietNamNet nhận được ý kiến của tiến sĩ Bùi Quang Huy, hiện là chủ nhiệm khoa Tâm thần - Bệnh viện 103. TS Huy giải thích, đối với vị thành niên, tự tử chủ yếu là do trầm cảm.

"Điều đáng tiếc là do sự kỳ thị của xã hội về bệnh tâm thần còn nặng nề, nên hiểu biết về sức khỏe tâm thần của chúng ta quá thấp, vì thế bệnh nhân đã không được phát hiện và điều trị kịp thời và dẫn đến hậu quả đáng tiếc trên" - TS nêu ý kiến về hiện tượng đang dần trở nên phổ biến trong giới trẻ hiện nay. Dưới đây là ý kiến của ông.


Thư tuyệt mệnh mà em D. gửi lại cho em trai

Gần 30 năm công tác trong nghề tâm thần, tôi đã gặp rất nhiều trường hợp tự tử khác nhau, từ thiếu niên đến người cao tuổi. Qua trường hợp này của em Nguyễn Ngọc D., tôi xin có vài ý kiến như sau:

1. Tự tử không phải tự nhiên mà có, ít nhất 95% số trường hợp tự tử là do rối loạn tâm thần, chỉ khoảng 5% là không có rối loạn tâm thần (các vụ tấn công tự sát, những người lính tự sát trong chiến tranh để không rơi vào tay quân thù...)


Điều này không phải là mới vì các nhà tâm thần học nổi tiếng thế giới như Kaplan, Sadock đã khẳng định từ năm 1994.


2. Bệnh tâm thần gây ra tự tử đứng đầu là trầm cảm, chiếm 75% tổng số các trường hợp tự tử, tiếp theo là nghiện rượu, nghiện ma túy, nghiện game online và tâm thần phân liệt.


3. Ở người vị thành niên, tự tử chủ yếu là do trầm cảm. Trầm cảm ở người nhóm tuổi này cũng giống như trầm cảm nói chung nhưng có thêm các đặc điểm sau:

- Khí sắc kích thích (chứ không phải là giảm), nghĩa là bệnh nhân có nét mặt buồn bã, nhưng lại có những lúc bùn nổ, rất dễ nổi cáu vô cớ hoặc chỉ với những kích thích nhẹ từ bên ngoài.


- Mất ngủ nghĩa đầu giấc, nghĩa là họ rất khó vào giấc ngủ, họ đi nên giường nằm từ 10h, nhưng phải đến 12h hoặc muộn hơn mới ngủ được.


- Mệt mỏi, chú ý và trí nhớ kém nên kết quả học tập thường sút kém rõ rệt.


- Ý định và hành vi tự sát mặc dù không hề có lý do gì hoặc chỉ với những lời chê trách nhẹ nhàng của những người xung quanh. Họ tự tử vì cho rằng mình là kẻ vô tích sự, kém cỏi so với bạn bè, so với sự kì vọng của gia đình, nhà trường... tóm lại là sẽ tốt hơn nếu mình chết đi.


4. Bệnh trầm cảm là do thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh SEROTONIN trong não, bệnh không phải là do căng thẳng tâm lý, áp lực học hành hay do bất cứ một căn nguyên tâm lý nào khác. Bệnh nhân cũng không phải là những kẻ yếu đuối, hư hỏng. Đơn giản họ là những bệnh nhân trầm cảm.


5. Bệnh trầm cảm cần được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, tốt nhất là thuốc chống trầm cảm mới như sertralin, paroxetin... với học sinh, sinh viên cần điều trị củng cố cho đến khi kết thúc quá trình học tập, nhưng ít nhất phải là 1 năm.


Điều đáng tiếc là do sự kỳ thị của xã hội về bệnh tâm thần còn nặng nề, nên hiểu biết về sức khỏe tâm thần của chúng ta quá thấp, vì thế bệnh nhân đã không được phát hiện và điều trị kịp thời và dẫn đến hậu quả đáng tiếc trên.


  • T.S Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm khoa Tâm thần - Bệnh viện 103

Cứ sáu hoặc bảy người trẻ tuổi là người Việt Nam được phỏng vấn thì một người cho rằng họ cảm thấy buồn, thất vọng, không có giá trị so với người khác, họ khóc, ngủ không yên và ăn không ngon…

Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo về vấn đề Sức khỏe tâm thần của thanh niên và người trưởng thành Việt Nam do giáo sư Michael Dunne – Đại học Công nghệ Queensland (Australia) nghiên cứu tại Việt Nam trong 5 năm qua.

Tại Hội nghị khoa học toàn quốc Hội Y tế công cộng Việt Nam lần thứ 7, diễn ra ngày 27-28/4, báo cáo của giáo sư Michael Dunne đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước quan tâm đến lĩnh vực y tế công cộng.

Theo kết quả khảo sát nghiên cứu trên, trong những người trẻ ở độ tuổi 13-24 thì các trường hợp trầm cảm ở Thành phố Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp theo đó là Hà Nội và Cần Thơ.

Tại Việt Nam, có rất ít các nghiên cứu về trầm cảm trong cộng đồng nói chung và giới chuyên môn nói riêng. Vì vậy, nghiên cứu trên có thể là “chất xúc tác” nhằm mở rộng để có thêm nhiều nghiên cứu về sức khỏe tâm thần ở khắp các cộng đồng người Việt.

Tại hội nghị, nhiều bài tổng quan về các vấn đề y tế công cộng đang được các nhà khoa học cũng như cả cộng đồng quan tâm đã được trình bày như: Báo cáo về đổi mới trong đào tạo cán bộ chuyên môn y tế trong thế kỷ mới, Dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm…
(Theo Vietnam+)


Càng giàu, giới trẻ càng dễ buồn chán

Kết quả mới nhất từ cuộc điều tra quốc gia lần 2 (SAVY 2) của Tổng cục Thống kê về giới trẻ tuổi từ 14  đến 25 tại 63 tỉnh thành cho thấy, giới trẻ ngày nay có điều kiện sống tốt hơn nhiều cách đây 5 năm, song mức độ buồn chán cũng tăng lên đáng kể..


Nhóm nghiên cứu thấy rằng giới trẻ ngày nay có xu hướng ít tâm sự khó khăn của mình, đặc biệt là các câu chuyện tình yêu, tình dục, hôn nhân với các thành viên trong gia đình.

Có 41% "đồng ý" và 29% "đồng ý một phần" với nhận định "khi khó khăn, bạn cảm thấy nói chuyện với người ngoài dễ hơn nói chuyện với người trong gia đình". 36% các bạn từ độ tuổi 12 -18 nhận thấy trong gia đình mình, mỗi người sống theo một cách riêng.

Nhóm làm việc đã có khảo sát riêng về "sự buồn chán và dồn nén" trong giới trẻ.  Trạng thái này được đánh giá qua sự trải nghiệm bản thân như buồn chán, thấy vô giá trị, thất vọng, muốn tự tử.

Kết quả cho thấy, 73,1% từng có cảm giác buồn chán; 27,6% từng "rất buồn", thấy mình vô tích sự đến nỗi không muốn hoạt động như bình thường. Có tới 21,3% từng thất vọng hoàn toàn về tương lai và 4,1% nảy sinh ý nghĩ tự tử.

PGS.TS Vũ Mạnh Lợi, (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), một trong những tác giả báo cáo điều tra này cho hay so với 5 năm trước đó, tỷ lệ thanh thiếu niên trải qua cảm giác buồn chán đã tăng lên, từ 32% đến 73%.

Điều đáng chú ý, càng trẻ, cảm giác buồn chán lại càng nhiều hơn các nhóm tuổi khác. Có tới 75% người được hỏi trong độ tuổi 14 - 17 và 18 - 21 từng trải qua trạng thái đó, trong khi ở nhóm tuổi 22 - 25 là hơn 65%.

Đáng chú ý, môi trường học tập có ảnh hưởng khá nhiều đến trạng thái tinh thần của nhóm dân số này.

Tỷ lệ buồn chán ở nhóm thanh thiếu niên cho rằng giáo viên đối xử không công bằng với học sinh là 30,9%, gấp 2,4 lần nhóm nhận được sự đối xử công bằng. Trong hơn 1.000 người có quan điểm "chương trình học hiện nay quá tải với bản thân" thì 23% cũng buồn chán về điều này.

Tỷ lệ buồn chán ở nhóm thanh thiếu niên cho rằng giáo viên đối xử không công bằng với học sinh là 30,9%, gấp 2,4 lần nhóm nhận được sự đối xử công bằng. Trong hơn 1.000 người có quan điểm "chương trình học hiện nay quá tải với bản thân" thì 23% cũng buồn chán về điều này.

  • Hạ Anh