Bản quyền Olympic Tokyo bị hét giá cao gấp 20 lần so với kỳ Olympic 2016. |
Tại cuộc họp giữa Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử và Đài truyền hình Việt Nam (VTV) mới đây, VTV cho biết, bản quyền truyền thông Thế vận hội Olympic Tokyo (Nhật Bản) đã được đối tác đưa ra mức giá cao bất ngờ, gấp 20 lần so với bản quyền Olympic năm 2016.
Để mua bản quyền Olympic Tokyo 2020, VTV đã tiến hành đàm phán từ hơn 1 năm nay và trải qua nhiều lần thương lượng, đối tác mới đồng ý giảm một nửa, nhưng cũng vẫn cao gấp 10 lần so với kỳ Olympic 4 năm trước. Cũng vì giá còn quá cao so với năng lực tài chính của VTV nên hiện tại VTV chưa thể mua được gói bản quyền này.
VTV đã đề nghị 7 đơn vị truyền hình trong nước cùng hợp sức vào mua bản quyền phát sóng Thế vận hội 2020 để đỡ gánh nặng chi phí cho nhau. Tuy nhiên, nhiều đơn vị truyền hình chưa có hồi âm trước đề xuất này.
Sở dĩ các đơn vị truyền hình còn cân nhắc xem có mua chung gói bản quyền hay không vì phải cân đối quỹ tài chính. Có đơn vị đưa lý do, Thế vận hội là sân chơi quá tầm của thể thao Việt Nam nên cơ hội đoạt huy chương của các vận động viên Việt Nam rất thấp, nếu mua bản quyền với giá quá cao sẽ bị lỗ. Tuy nhiên, có đơn vị truyền hình đã dự định sẽ cùng chạy đua với VTV để mua bản quyền, hoặc hợp tác để mua chung.
Vòng chung kết giải bóng đá U23 châu Á vào tháng 1/2010 tại Thái Lan cũng chưa có đơn vị nào ở Việt Nam sở hữu bản quyền phát sóng. VTV là đơn vị đầu tiên đứng ra đàm phán với đối tác nước ngoài sở hữu bản quyền giải đấu này. Song có 4 đơn vị truyền hình khác cũng đang chạy đua để mua bản quyền giải U23 châu Á nên chưa biết kết quả cuối cùng.
Giải U23 châu Á có sức hấp dẫn lớn đối với người hâm mộ Việt Nam sau khi đội U23 Việt Nam giành ngôi Á quân ở giải đấu U23 châu Á năm 2018 ở Thường Châu, Trung Quốc. Do đó, dự báo sẽ có cuộc cạnh tranh nóng bỏng giữa các đơn vị truyền hình để giành quyền sở hữu bản quyền truyền thông giải đấu.
Tương tự, bản quyền phát sóng SEA Games 30 vào cuối năm 2019 cũng chưa thực sự ngã ngũ, các đài truyền hình Việt Nam đều chạy đua để có bản quyền giải thể thao hàng đầu khu vực này.
Giá bản quyền các giải đấu thể thao trong mấy năm gần tăng chóng mặt là nỗi ác mộng của các đơn vị truyền hình Việt Nam. Gần đây nhất Next Media đã phải chi khoảng 7 tỷ đồng để mua bản quyền hai trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại King’s Cup 2019. Đây là mức giá được cho là khá đắt đỏ, cao gấp 4 lần so với giá bản quyền King’s Cup mùa trước
Đáng chú ý nhất là bản quyền ở kỳ Thế vận hội ASIAD 2018, VTV đã quyết định buông không mua bản quyền vì giá quá cao tới mức không thể chấp nhận nổi với mức giá 1,7 triệu USD. Trong 2 tuần đầu tiên diễn ra ASIAD 2018, do người dân ào ào tìm kênh lậu để xem vận động viên nước nhà thi đấu nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Đài VTC đứng ra mua bản quyền ASIAD 2018 với giá 1,2 triệu USD.
Cũng ở kỳ World Cup 2018, VTV đã chốt mua bản quyền vào phút chót, khi chỉ còn 6 ngày nữa là khai mạc, vướng mắc lớn nhất trong đàm phán chính là giá cả. Mức giá từ phía đối tác bán bản quyền đưa ra cao gấp đôi so với kỳ World Cup 2014, vượt quá khả năng tài chính của VTV. Sau đó, VTV phải có sự trợ giúp của hai doanh nghiệp là Vingroup và Viettel mới có thể đưa được sóng World Cup về phục vụ người dân. Trước đó, để có bản quyền phát sóng World Cup năm 2010 , Việt Nam chỉ phải trả 3 triệu USD, nhưng sau đó tăng lên 7 triệu USD trong kỳ World Cup 2014 và đến World Cup 2018 tăng tới trên 14 triệu USD.