- Với tôi, giấc mơ tỷ phú trầm hương giờ là nỗi ác mộng, nhất là khi nghe lão phu trầm Hồ Xoa (84 tuổi) kể chuyện về những phu trầm một thời nay đã “rửa tay gác búa”, sống ẩn dật tại quê nhà Đại Lộc.
Thân tàn ma dại
Đặc biệt, cái chết của những phu trầm tại vùng biên giới Quảng Trị đầu tháng 4 vừa qua ám ảnh tôi trong từng giấc ngủ. Đó là hình ảnh về những “bóng ma” dặt dẹo - kết cục bi thảm của nhiều phu trầm mà ông Hồ Xoa từng chứng kiến.
Kể chuyện với tôi, lão còn nhớ như in nỗi sung sướng tột cùng của 4 phu trầm tại xã Đại Minh, huyện Đại Lộc khi trúng đậm trầm hương trên miền núi Kon Tum, mỗi người được chia hơn 1,4 tỷ đồng. Song, từ nghèo khó bỗng chốc có tiền tỷ trong tay, cả 4 phu trầm lại lao vào ăn chơi, cờ bạc và bập vào ma túy. Đến nay, 3 người trong số đó đã xuống suối vàng vì căn bệnh thế kỷ, để lại vợ con bơ vơ trong khốn khó.
Theo thống kê của các nhóm phu trầm làng Mỹ Hảo, Đại Lộc, số người trúng trầm vài trăm triệu đồng ở huyện này kể không hết. Thế nhưng, tiền trúng trầm đã nhấn chìm họ trong vòng xoáy của sự ăn chơi trác táng, để rồi tay trắng và lâm vào cảnh nghiện ngập.
Nhiều người trúng trầm tiền tỷ chuyển nghề làm ăn và trở nên khá giả. |
Cơn lốc trầm kỳ không chỉ cuốn theo đám thanh niên trai tráng mà còn khiến hàng chục cán bộ công chức nghèo khó bỏ việc vào rừng tìm trầm, giờ cũng trắng tay.
Nguyễn Xuân H. - một cán bộ huyện Đại Lộc, tiếc nuối kể tôi nghe cái thời mà giấc mơ tỷ phú luôn ngự trị trong anh. Để rồi một đêm đầu tháng 5 năm ấy, anh theo nhóm phu trầm lên rừng, bỏ lại phía sau nhiệm sở với đồng lương công chức ba cọc ba đồng. “Hồi đó nếu không nghe bạn bè rủ rê thì có lẽ bây giờ, tui là cán bộ to ở huyện rồi chứ đâu đến nỗi này... ” - H. buồn rầu kể.
Nước mắt đời phu trầm
Tôi đã có may mắn gặp nhiều tỷ phú trầm hương thuở nào. Trong số họ, nhiều người trúng trầm tiền tỷ chuyển nghề làm ăn và trở nên khá giả.
Tôi vẫn nhớ như in vào tháng 5/2005, nhóm phu trầm 4 người ở làng Mỹ Hảo, xã Đại Phong huyện Đại Lộc trúng đậm kỳ nam, trở thành tỷ phú sau khi bán hàng trót lọt, mỗi người có trong tay 4 tỷ đồng.
Người lớn tuổi nhất nhóm ngày đó là Trương Văn Lợi (SN 1975) kể: “Ngay sau khi cầm 4 tỷ đồng trong tay, tui lập tức ‘rửa tay gác búa’ và ngay trong đêm bí mật đón xe đưa vợ con vào TP.HCM. Nếu ở lại quê với số tiền lớn như vậy khó đảm bảo an toàn cho vợ con vì sợ giang hồ kéo đến”. Nhờ số tiền từ trầm, Lợi mua nhà và mở công ty xây dựng. Đến nay, mỗi khi nhắc đến kỳ nam, Lợi bảo nhờ nó mà anh có cuộc sống sung túc giữa đất Sài Gòn.
Xem và định giá trầm hương |
Còn 2 anh em ruột Doãn Thành Tài (SN 1979), Doãn Xuân Tuấn (SN 1988) thì bỏ quê lên thị trấn Ái Nghĩa mua đất làm nhà cạnh nhau, rồi mua ôtô vận tải chở khách đường dài, giờ cũng ăn nên làm ra và trở thành tỷ phú.
Theo nhiều đại gia trúng trầm kể lại, số người trúng trầm ôm tiền tỷ rồi “rửa tay gác búa” chuyển nghề làm ăn bây giờ giàu có chỉ tính trên đầu ngón tay, còn số ôm tiền tỷ tiếp tục nghiệp trầm đa phần trắng tay, thậm chí bỏ mạng thì không thể kể hết. Họ bảo “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt... ”.
Còn nhớ vào tháng 9/2010, cơn sốt trầm kỳ lại bùng phát khi thông tin nhóm 10 phu trầm của tại Mỹ hảo, Đại Phong, Đại Lộc trúng được kỳ nam, bán chia nhau mỗi người hơn 20 tỷ đồng. Lập tức, cả ngàn thanh niên kéo nhau lên vùng núi giáp ranh Quảng Nam - Quảng Ngãi và Kon Tum để băm rừng, đào bới tìm vận may.
Ngay tại xã Đại Quang, chính quyền đã thống kê không dưới 500 người rời quê, lên núi tìm trầm sau cơn sốt kỳ nam.
Nhưng đến giữa tháng 10 năm đó, tin rúng động 14 phu trầm ở xã Đại Quang và Đại Nghĩa ăn nấm độc bị chết giữa rừng lan ra... Cả chính quyền và hàng trăm người thân của phu trầm đứng ngồi không yên.
Ông Trương Văn Dũng, nguyên Trưởng công an xã Đại Quang bảo tôi rằng khi nhận được thông tin trên, cả xã hoang mang cực độ bởi có hàng chục nhóm đi trầm, biết đâu mà tìm. Để xác minh tin đồn, Công an huyện Đại Lộc đã chỉ đạo các địa phương rà soát, kết quả phát hiện xã Đại Quang có hơn 500 thanh niên trai tráng bỏ làng đi các tỉnh Khánh Hoà, Kon Tum, Gia Lai tìm trầm.
Rà soát lại một lần nữa thân nhân, xã phát hiện nhóm 11 người ở thôn Phước Lộc là mất thông tin với gia đình nhiều ngày liền - ông Dũng kể. “Tôi vẫn nhớ như in buổi chiều tại nhà chị Nguyễn Thị Thu Hoà - vợ phu trầm Nguyễn Xuân Luyến - một trong số 11 phu trầm - là cảnh hàng trăm người thân tập trung nín thở chờ tin trong nước mắt.
Cảnh hỗn loạn ấy cũng xảy ra tương tự tại các xã Đại Đồng, Đại Nghĩa, Đại Phong... , nơi có thân nhân của hàng trăm dân tìm trầm đang sống trong sợ hãi. Nhưng, rất may, hung tin ấy chỉ là tin đồn. Cuối cùng, các phu trầm cũng an toàn trở về...
Vũ Trung