Tan học, một nhóm sinh viên trường ĐH S. (TP Thủ Đức, TP.HCM) ngồi uống cà phê và tám chuyện gần cổng trường. Điều bất ngờ là trong lúc trò chuyện, nhiều sinh viên sẵn sàng văng tục chửi bậy. Cả nhóm đang cùng nhau chơi một trò chơi điện tử. Không những văng tục, các em còn bình phẩm các giảng viên, bạn bè không quên kèm theo một câu chửi thề, rất phản cảm.
Cho con về quê chơi và chứng kiến một nhóm học sinh khoảng 8-13 tuổi, chuyền nhau một quả bóng và liên tục văng bậy, chị N. (TP.HCM) rất ái ngại. Theo chị N., trong nhóm học sinh có em đang học lớp 6, lớp 7 và cả học sinh tiểu học.
Thế nhưng nhiều em đã văng tục với những từ ngữ rất khó nghe. Các em cãi nhau, thậm chí còn mang những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể để nói với nhau. “Chứng kiến sự việc tôi rất hoảng, tôi sợ rằng cho con mình chơi với các cháu, bé cũng sẽ học theo” chị N. nói.
Hai tuần trước, chị H. (ở Thủ Đức, TP.HCM) có con đang học lớp 2 bất ngờ vì khi nghe con nói những câu lạ lùng.
“Khi hai mẹ con đang trò chuyện, con nói ngang: “Không làm mà đòi có ăn, thì chỉ là ăn mày thôi”; “Không làm mà đòi có ăn thì chỉ ăn đấm thôi”… và nhiều câu khác nữa. Gặng hỏi con học ở đâu ra, tôi bất ngờ khi con nói học ở trên mạng và nghe bạn bè nói nên học theo. Con kể từng nghe một số bạn nói vậy nên con cũng học theo”.
Sợ con học những điều không hay, chị H, ngồi giảng giải cho con hiểu rằng nói bậy là xấu, không tốt và khuyến khích con phải nói năng lịch sự, mọi người mới yêu quý. “Qua sự việc tôi cũng rút kinh nghiệm, hạn chế cho con xem những video trên ti vi, mạng xã hội không phù hợp. Điều tôi lo lắng là hiện nay con rất thích xem những video review về đồ chơi, về máy bay. Trong quá trình này, người review cũng văng bậy, nói tục khiến con học theo”- chị H. lo lắng.
Dắt con đi ăn cùng mọi người, chị Tuyết (ở Gò Vấp, TP.HCM) bực dọc khi cậu bé 7 tuổi buông một câu "Con m.. ăn đâu". Không những chị Tuyết, cả những người lớn có mặt cũng ái ngại. Giữa chốn đông người, người mẹ không ngần ngại “chỉnh sửa” con. “Em không hiểu sao một học sinh lớp 1 lại có thể nói tục như thế” – chị Tuyết nói. Một phụ huynh khác nói thêm vào “học bạn bè, học mạng xã hội đấy”- anh nói. Người này kể cũng từng hốt hoảng khi nghe con văng tục.
Không chỉ văng tục cùng nhau, một số trường hợp học sinh cá biệt còn văng tục với cả thầy cô. Cách đây chưa lâu, một clip ghi lại cảnh lớp học một trường THPT ở Khánh Hoà khi học sinh gọi thầy giáo là mày và xưng tao. Trong clip này, khi giáo viên vào lớp các học sinh đều đứng dậy chào, một nữ sinh bước lên phía trước, giáp mặt với thầy giáo.
Trong lúc nói chuyện, nữ sinh này đã có nhiều lời lẽ thô tục, xưng “mày - tao” với thầy giáo. Thầy giáo lúc đầu đã kiềm chế và về bàn giáo viên ngồi nhưng nữ sinh này không dừng lại. Cả hai bên sau đó đáp trả nhau bằng những từ ngữ khó nghe và bị đưa lên mạng xã hội. Sự việc khiến nhiều nhiều người bức xúc.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM nhìn nhận, hiện nay học sinh, sinh viên nói tục, chửi thề rất nhiều. Điều này không chỉ diễn ra ở học sinh THPT hay đại học mà diễn ra ở cả THCS, thậm chí cả bậc thấp hơn.
Các em có thể nói tục, chửi thề vì bất kỳ lý do gì như bị điểm kém, bị thầy cô phê bình, ghét bạn cùng lớp, bị bố mẹ mắng hoặc cả lúc vui chơi cũng nói tục, chửi thề. Theo ông Phú, khi ông tiếp cận với học sinh lớp 10 các em đã chửi thề, khi hỏi ra được biết các em đã nói tục từ THCS và nói rất nhiều, đây một văn hoá độc hại nên cần phải ngăn chặn.