- Thảo luận tại Thường vụ Quốc hội hôm nay về các vấn đề kinh tế xã hội đầu năm, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị các bộ phải kiểm điểm nghiêm khắc về những hạn chế trong điều hành kinh tế vừa qua, vì sự nghiệp lớn chung của cả nước chứ không vì sức ép này nọ, "bởi ai ngồi ghế đó cũng phải như vậy thôi".
Thống đốc phải gửi báo cáo riêng
Một vấn đề đáng quan ngại là tác động bất lợi trong hoạt động tiền tệ đến nỗ lực vượt khó của DN.
Theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, QH nên tập trung bàn giải pháp về chính sách tiền tệ, giải quyết điểm nghẽn về dòng vốn. “Tất cả là ở đồng tiền hết. DN mà không tiếp cận được nguồn vốn thì không thể giải quyết được vấn đề gì”, bà Doan nói.
Phó Chủ tịch nước lưu ý, cần bàn cụ thể câu chuyện khoanh nợ, giãn nợ và xử lý nợ xấu để cứu doanh nghiệp “chứ tôi thấy nguy cơ cao, tình hình đang ngày càng xấu đi”.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Ngoài chuyện hàng ngàn DN đã phá sản thì 50% số DN còn lại vẫn báo lỗ. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Nói như Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, để đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5%, chắc chắn tốc độ tăng trưởng kinh tế các quý còn lại sẽ phải rất cao. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng đang cho thấy những cảnh báo thiếu khả quan.
Theo ông Hiển, tổng dư nợ tín dụng các tháng đầu năm nay chỉ tăng ở mức 1,44% là rất thấp. Nhiều thông số khác cũng cho thấy năng lực hấp thụ dòng tiền vẫn còn rất yếu.
“Kinh nghiệm cho thấy để nền kinh tế tăng trưởng lên 1% thì tăng trưởng tín dụng tương ứng phải là 2,5-3%. Muốn tăng trưởng 5,5% thì tăng trưởng tín dụng phải 14-15% mới cân đối và đảm bảo dòng tiền, cả đầu ra, đầu vào. Tình hình quý I chỉ tăng thấp như vậy thì các quý sau sẽ phải tăng mạnh lắm”, ông Hiển nói.
Theo ông Phùng Quốc Hiển, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp để khơi thông nguồn vốn nhưng tốc độ hấp thu vẫn còn chậm bởi cái khó của DN là chưa giải quyết được đầu ra.
Như thông tin của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, ngoài chuyện hàng ngàn DN đã phá sản thì 50% số DN còn lại vẫn báo lỗ. Vì vậy, cho dù ngân hàng huy động được dòng tiền nhưng không cho vay được vì tình trạng đình trệ của DN.
Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc “phản biện”, chuyện vay vốn từ ngân hàng khó không chỉ từ phía DN. Mà thực tế, rất nhiều ngân hàng tuy lúc nào cũng nói sẵn sàng mở cửa, sẵn sàng cho vay, không hề thiếu tiền song để DN tiếp cận được nguồn tiền không dễ.
Nhiều ĐB cũng tán thành cần tập trung nguồn lực gỡ bằng được điểm nghẽn về dòng vốn, như vậy mới hy vọng giải quyết phần nào khó khăn.
Ngoài ra, các ủy viên Thường vụ cũng đề xuất Thống đốc Ngân hàng sớm soạn báo cáo riêng gửi QH về hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Nhìn thẳng vào khó khăn
Rất nhiều đại biểu có chung nhận định, tình hình kinh tế năm nay vẫn bức tranh màu xám, cần một thái độ nhìn thẳng vào sự thật để thống nhất được lòng dân cùng vươt khó.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý: Đề nghị các bộ phải nghiêm khắc, vì sự nghiệp lớn chung của cả nước chứ không vì sức ép này nọ. Ảnh: Minh Thăng |
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý nêu vấn đề, cơ quan chức năng nhận định năm 2013 tình hình rất khó khăn. Đây cũng là nhận định đã nói từ năm ngoái và thậm chí 6 năm về trước cũng đã đưa ra đánh giá tương tự.
“Rồi đến năm sau cũng sẽ lại nói như vậy thôi. Thống nhất khó khăn với nhau là dễ thật nhưng nếu không có giải pháp gì để chuyển biến thì thật khó”, ông Lý bình.
Theo ông Lý, nên có giải pháp căn cơ về tài chính tiền tệ để giải quyết các tồn đọng hiện nay như về vốn, nợ đọng, hàng tồn kho. Đây phải là những vấn đề cần được tháo gỡ ngay.
“Chứ chúng ta đang có những cái thiếu nghiêm khắc, thiếu dứt khoát, phải rút ra bài học. Nhất là các bộ đang có đầu tư lớn, như ngành kế hoạch đầu tư, tài chính… Đề nghị các bộ phải nghiêm khắc, vì sự nghiệp lớn chung của cả nước chứ không vì sức ép này nọ, ai ngồi ở ghế đó cũng phải như vậy thôi. Bây giờ đã đến lúc tình huống khẩn cần báo động”, ông Phan Trung Lý nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đề xuất cần một thái độ nhìn thẳng vào khó khăn của đất nước để có ứng xử phù hợp. “Chúng ta đã từng có những yếu kém, lỏng lẻo trong quản lý, vậy thì phải xúm nhau vào thực hiện để tạo ra sự đồng thuận”, bà Doan nhấn mạnh.
Bà nêu dẫn chứng một số việc có thể làm ngay để siết kỷ luật tài chính và khắc phục đầu tư dàn trải. Tiêu biểu nhất là câu chuyện các chương trình mục tiêu quốc gia lâu nay vẫn bị đánh giá là lãng phí, chồng chéo. Từ cử tri cho đến các ĐBQH đều thống nhất nhận định này, xong rồi chính các ĐBQH vẫn lại biểu quyết để thông qua. Trong bối cảnh thu chi khó khăn này, rất cần QH xem xét đánh giá lại, không nên e dè, nể nang.
Bà Doan cũng dẫn nhiều ví dụ khác cho thấy việc truy trách nhiệm chưa đến đầu đến đũa, còn chung chung… Trong khi đó, chỉ có thẳng thắn nêu yếu kém, hạn chế mới đủ sức lôi kéo tạo đồng thuận chung trong xã hội.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân bình luận, tình hình đang ở mức nghiêm trọng, xấu hơn những năm về trước. Và đây là một dấu hiệu cần lưu ý. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng Chính phủ cần đánh giá rõ ràng hơn những việc đã làm/chưa làm được. Như vậy QH mới góp được các ý kiến cụ thể.
Lê Nhung