- “Giá như không phải nói gì cả, cứ thế mang theo xuống mồ thì hay biết bao nhiêu. Nhưng cuốn sách này là cục nợ cuối cùng tôi phải trả, trước khi 'trắng nợ trần gian'… - Ái Vân tự sự trong hồi ký “Để gió cuốn đi”.

VietNamNet có cuộc phỏng vấn ca sĩ nổi danh trên sân khấu nhạc nhẹ một thời – danh ca Ái Vân, về cuốn tự truyện “Để gió cuốn đi” (NXB Hội Nhà văn; First News Trí Việt ấn hành). Tựa sách nhẹ nhàng thế, nhưng hơn 300 trang sách lại nặng trĩu ưu tư.

{keywords}
Ái Vân trong phim 'Chị Nhung'

Nghệ sĩ, con buôn và bước ngoặt lịch sử

- Là con gái của “chim hoạ mi” Ái Liên, gia đình chị từng sở hữu gánh hát Kim Chung – Ái Liên, rồi sau đó là hãng Vietfilm thời kỳ đầu của nền văn nghệ hiện đại Việt Nam, Ái Vân và các anh chị em đều thừa hưởng của má Ái Liên những nét đẹp quý phái và dòng máu văn nghệ. Thành công sớm, nhưng mỗi người nhận xét về Ái Vân một khác. NSND Trần Hiếu – một trong những người thầy trên con đường âm nhạc của chị cho rằng Ái Vân là cô học trò xinh đẹp và thông minh. Có người khác cho rằng Ái Vân hát thì 'bình thường thôi' nhưng đóng phim thì ấn tượng; người khác nữa lại nhận định Ái Vân đóng phim thì không dấu ấn nhưng giọng hát thì đặc biệt?

Nghệ sĩ Ái Vân: - Tôi thấy mỗi lời nhận xét đều có lý đúng của họ. Thực ra thì tôi cũng không bao giờ tự ngồi phân tích chính mình. Nhưng để tự nhìn nhận, chính tôi cũng chưa bao giờ coi mình là một diễn viên điện ảnh, giọng hát không phải quá đặc biệt. Đoạt giải thưởng lớn Grand Prix ở Dresden (Đức) năm 1981 là do may mắn chăng? Chứ hồi đó đi thi mà tiếng Đức thì một chữ bẻ đôi còn chưa biết. Các nghệ sĩ Đức cũng hướng dẫn cho tôi tập bài nhưng tôi cứ nghĩ, nếu có đoạt giải thì chắc là mang tính chất động viên thôi. Ai ngờ cuối cùng đoạt hai giải: Giải thưởng lớn và giải khán giả yêu thích. Năm sau đó 1982, tôi lại được mời sang Dresden để hát khai mạc cho Liên hoan âm nhạc chuyên nghiệp này.

Về nhan sắc, nhiều người khen tôi trẻ, xinh nhưng tự tôi thấy mình đâu phải là chân dài gì đó, sao sánh được với các cô người đẹp. Thôi thì chuyện đời tôi đã kể ra rồi, đánh giá sao là quyền của mỗi người.

{keywords}
Ái Vân thời trẻ.

- Xuất bản cuốn tự truyện nhưng chị vẫn không nói rõ nguyên nhân đột ngột ra đi khiến người đọc vẫn thắc mắc, liệu có phải Ái Vân ra đi vì những khó khăn của xã hội thời bao cấp đã khiến nhiều nghệ sĩ bị méo mó hình ảnh, trở thành những 'con buôn' bất đắc dĩ, buôn từ lanh chéo, đăng-ten đến bán xích líp, vòng bi… thậm chí nhiều khi cảm thấy bế tắc và 'thấy mình thật vô tích sự kinh khủng' (trang 162), 'khờ mà khổ' (trang 167), thời mà nghệ sĩ cỡ gì cũng phải 'đi pắc' (trang 168) – mạnh ai nấy đi, hát chui, vì 'đói thì đầu gối phải bò'… ?

- Đã là người của công chúng thì phải chấp nhận sự đa chiều của dư luận thôi. Không thể mong cầu mọi người đều hiểu mình và thông cảm với mình. Về quyết định xoá đi 8.008 từ (trang 242 đến 248) là vì con trai tôi, cho dù giờ cháu đã lớn nhưng cháu vẫn chưa đủ sẵn sàng để biết những sự thật đau đớn ấy. Xin cho cháu một chút bình yên! Còn có phải tôi ra đi để chạy trốn những khó khăn hay không, thì hoàn toàn không phải. Mặc dù thời điểm đó, quyết định ra đi quả thực đã khiến tôi phải bỏ lại tất cả: sân khấu, danh tiếng, gia đình, và cả con trai nhỏ nữa. Tôi rất đau nhưng trước hết tôi nghĩ, mình cần tồn tại trọn vẹn nhất như có thể, đứng trên phương diện một con người.

Hồi đó sang Đông Đức khởi đầu là để tham gia một chương trình học tập đạo diễn sân khấu, không ngờ, bước ngoặt lịch sử - bức tường Berlin bị phá vỡ đã làm chấn động cuộc đời nghệ sĩ của tôi. Quyết định vượt tường chạy sang Tây Đức đã khiến tôi không còn đường trở lại. Tôi ở Đức 4 năm rồi sang Mỹ và định cư tại Mỹ cho tới giờ nhưng nguyên do sự ra đi của tôi hoàn toàn là bi kịch cá nhân.

Xin cám ơn – Dù đời nhiều cay đắng

- Và, còn lại sau những đắng cay, tủi nhục là…?

- Tôi luôn cám ơn cuộc đời, ngay cả những thử thách bất đắc dĩ, vì chúng đã khiến tôi hiểu ra nhiều giá trị của cuộc sống. Ngay cả với người đã mang lại cho tôi quá nhiều khổ đau hồi đó, giờ này, tôi vẫn cảm ơn, vì đã nuôi con trai tôi khôn lớn.

- Công bố hồi ký, cùng lúc chị tuyên bố quyết định chấm dứt con đường nghệ thuật. Hai sự việc có vẻ mang tính 'sắp đặt' quá? Chị có khó khăn lắm không khi rời bỏ sân khấu?

- Tôi nghĩ thế này, nghệ sĩ, ai chẳng muốn được hát đến hơi thở cuối cùng, mà chắc chắn người ta sẽ ca ngợi những ca sĩ 'chết' trên sân khấu, chứ chẳng ai đi dựng tượng những ca sĩ về già thôi không hát nữa và chỉ thích sáng sáng ngủ dậy sẽ tưới cây, chăm đôi ba con chó, nuôi vài con chim, xách ba lô đi du lịch, hoặc đơn giản chỉ là vợ chồng già nấu với nhau những bữa cơm thường, một cuộc sống mà như nhà văn-nhà báo Dương Phương Vinh bảo là “thế thì nhạt quá, nhạt không chịu nổi”.

Nhưng bây giờ, mỗi lần chuẩn bị bước lên sân khấu tôi stress lắm, phải suy nghĩ thật kỹ xem mình nên hát cái gì, bài của ai, bản phối thế nào, rồi lại phải nghĩ xem trang phục, trang điểm thế nào, PR ra sao… Mà nói thật, tôi tự thấy mình kém mấy khoản đó lắm.

Tôi biết giọng mình yếu, và tôi sợ bị khan tiếng, không muốn làm mọi người thất vọng. Nên tôi nghĩ kỹ rồi, tôi không khó khăn khi quyết định chấm dứt sự nghiệp nghệ thuật vì thực sự không còn thích ánh đèn sân khấu nữa.

{keywords}
Ái Vân ký tặng sách trong vòng vây người hâm mộ.

Sóng gió, bình yên – đều là duyên

Không biết có phải tại “số” nhưng cả ba người chồng của Ái Vân cùng tuổi Canh Dần (1950). Tình duyên lận đận từng khiến đời chị lao đao. “Tập một” khiến Ái Vân mắc cảnh nợ nần căng thẳng, “tập hai” khiến chị sợ đến chết khiếp, phải trốn chạy kể cả trả giá quá đắt. Hiện tại của chị, “tập ba” – hay người yêu, hoặc bạn trai, người đồng hành… như anh Tiến tự nhận – là một kỹ sư giản dị nhưng luôn chăm chút cho Ái Vân và xuất hiện rất đúng những khi chị cần một bờ vai. Tình duyên “tập ba” đã đồng hành cùng Ái Vân chẵn hai mươi nhăm năm. Và Ái Vân cho rằng chắc chẳng có lý do gì hai người không ở cạnh nhau cho đến lúc… chết.

Hòa Bình