Suốt cả năm 2012, các vụ thực phẩm bẩn, nhiễm độc liên tiếp bị phanh phui. Qua mỗi vụ việc, dân tình hoang mang, cơ quan quản lý lúng túng nhưng rồi mọi việc cứ “chìm xuồng” trong im lặng để lại nỗi lo lắng cho người dân.

Thịt lợn chứa chất tạo nạc, thuốc an thần

Mở màn cho các vụ lùm xùm về thực phẩm bẩn, độc trong năm nay là vụ thịt lợn chứa chất tạo nạc được phát hiện vào tháng 3 năm nay.

Mới đầu, thịt lợn chứa chất tạo nạc được phát hiện ra ở các tỉnh miền Nam, sau đó cơ quan chức năng vào cuộc, lấy mẫu kiểm tra trên cả nước và kết quả là nhiều mẫu thịt có chứa chất Beta Agonists (nhóm hoóc môn tăng trưởng có tác dụng làm giảm lượng mỡ, tăng lượng nạc ở lợn). Người chăn nuôi cho lợn ăn chất này với mục đích tạo ra nhiều nạc cho lợn hơn khi xuất chuồng.

Vụ thịt chứa chất tạo nạc lắng xuống chưa lâu thì đầu tháng 10, một số cơ sở giết mổ tại TP HCM tiếp tục bị phát hiện có sử dụng thuốc an thần tiêm để thịt lợn đẹp và dai hơn. Tuy chỉ phát hiện ra ở một số cơ sở chăn nuôi và giết mổ nhưng theo hiệu ứng người tiêu dùng lại tiếp tục e dè với mặt hàng thực phẩm này.

Theo một số nhà chuyên môn, thuốc an thần ngoài tác dụng chống động kinh và làm giảm đau trong mổ động vật thì còn có tác dụng làm thịt dẻo dai và tươi. Tuy nhiên, với bất cứ loại thuốc nào khi tiêm cho lợn phải sau 14 ngày mới đào thải hết, và sau thời gian đó mới được đem đi giết mổ, còn nếu không lượng thuốc tồn dư trong thịt lợn sẽ xâm nhập vào cơ thể con người, gây ảnh hưởng tới sức khỏe khi ăn thịt này.


Trong thời gian hai vụ lùm xùm về thịt lợn bị phát hiện, người tiêu dùng kinh sợ, tìm mọi cách để tránh sử dụng. Theo đó, thịt tại các chợ ế ẩm, giá xuống thấp, một số người chăn nuôi chân chính cũng bị vạ lây bởi vụ lùm xùm này.

Măng tẩy hóa chất lưu huỳnh

Cách đây chưa lâu, ngày 18/9, Phòng Cảnh sát môi trường và Chi cục quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã thu giữ hơn nửa tấn mang sợi khô đã hấp qua lưu huỳnh và 118 kg lưu huỳnh không rõ nguồn gốc xuất xứ để dùng sản xuất măng ở một số cơ sở chế biến tại huyện Thọ Xuân.

Ngày 23/9, cơ quan chức năng cũng thu giữ được 25 tấn măng tươi có ướp lưu huỳnh. Sự việc làm chấn động dư luận khi hết quả xét nghiệm cho thấy lượng lưu huỳnh trong sản phẩm này vượt ngưỡng cho phép 130 lần.

Chủ cơ sở khai nhận chuyện gom mua các loại măng khô bị ẩm mốc về rửa qua nước rồi dùng lưu huỳnh để sấy khô và tung ra bán trên thị trường cho người tiêu dùng.

Cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo nếu người tiêu dùng sử dụng thực phẩm có chứa chất lưu huỳnh có nồng độ cao, lâu dài mà không biết sẽ gây tổn thương về thần kinh, thay đổi hành vi, ảnh hưởng tới tuần hoàn, chức năng tim mạch, tổn thương mắt, giảm thị lực…

Dân sợ không dám mua về ăn, măng khô, tươi ở các chợ ế ẩm. Không ít tiểu thương khi được hỏi về việc nhập các loại hàng khô đều lắc đầu thừa nhận rằng, tết năm nay lượng măng khô, mộc nhĩ… sẽ ít bởi họ không dám nhập nhiều vì sợ ế.

Thịt lợn tai xanh thành ruốc

Trước vụ măng khô, tươi bị phát hiện có tẩm ướp chất lưu huỳnh, ngày 12/6, Phòng cảnh sát môi trường Công an Hà Nội phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện cơ sở chuyên thu mua lợn chết để bán cho các cơ sở chế biến thành ruốc, thành thịt chưng mắm tép… Ngay sau đó, các vụ buôn bán lợn chết tiếp tục bị phát hiện và bắt giữ. Chủ hộ thừa nhận rằng, số lợn trên là lợn dịch tai xanh được thu gom trong nhiều ngày qua.

Lực lượng chức năng cũng tiến hành kiểm tra cơ sở chế biến thực phẩm tại số 209 đường Nguyễn Khoái, phát hiện cơ sở này chứa một lượng lớn thịt lợn, chờ sao tẩm làm ruốc, chế biến món thịt chưng mắm tép. Chủ cơ sở thừa nhận, thịt lợn chết được mua khi đã thịt bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bâu đầy, mắc bệnh tai xanh

Ruốc làm từ thịt lợn chết được bán với giá từ 100.000 – 120.000 đồng/kg còn mắm tép bán giá 10.000 – 30.000 đồng/lọ tùy loại.

Vụ thịt lợn chết mắc bệnh tai xanh được chết biến thành ruốc và chưng thành mắm tép, người tiêu dùng bắt đầu e dè tẩy chay không sử dụng những loại thực phẩm này.

Giá đỗ mập… nhờ hóa chất

Đầu tháng 10, Chi cục bảo vệ thực vật Quảng Ngãi kiểm tra và phát hiện 3/15 cơ sở sản xuất giá đỗ bằng hóa chất có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tiếp đó, ngày 3/12 Chi cục quản lý nông – lâm – thủy sản Quảng Bình cho biết kiểm tra giá đỗ tại các cơ sở chuyên sản xuất giá từ đầu tháng 11 tới này phát hiện 10/18 cơ sở sản xuất giá sử dụng hóa chất.

Một số người làm giá đỗ cho biết họ mua hóa chất làm đẹp cho giá từ những người bán dạo chứ không biết nó là chất gì, chỉ biết chất này làm cho giá nhanh nảy mần, mập mạp, không có dễ phụ và dễ bán lên họ sử dụng.

Tại các chợ ở TP HCM, giá đỗ sau vụ phát giác tiêu thụ chậm, người dân cũng thấy sợ với những hóa chất sử dụng nên tìm mua các loại giá xấu, dễ nhiều… để yên tâm hơn.

Ngô luộc bằng pin, muối diêm

Liên tiếp các vụ thực phẩm bẩn, độc bị phát giác, vào thời điểm cuối năm ngay cả đến những món ăn vặt cũng bị phát hiện sử dụng các chất độc hại để giúp hàng hóa để cả tuần không bị ôi thiu và được dân bán ngô luộc ở khu vực TP. HCM sử dụng nhiều. Những hóa chất này cũng được bán tràn lan ở chợ Kim Biên và theo họ, càng cho nhiều muối diêm ngô luộc càng lâu thiu.

Các nhà khoa học cho biết, tính kiềm trong pin, muối diêm là dung môi giúp tinh bột của ngô hấp thụ nước tốt hơn nên mau chín. Tuy nhiên những kim loại độc hại này sẽ ngấm vào cơ thể gây phù não, suy thận, loãng xương, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, sinh sản.

Sau đó không lâu, vụ đu đủ, chuối được tiêm thuốc trực tiếp vào quả để chín nhanh chỉ sau một đêm cũng bị phát hiện.

Những hóa chất sử dụng để làm cho các loại quả chín nhanh chủ yếu là hóa chất có xuất xứ từ Trung Quốc.

Sờ đâu cũng thấy thực phẩm bẩn làm dân hoang mang lo lắng cho sự an toàn trong bữa cơm gia đình mình. Tuy nhiên, nhiều người (cả người bán và người mua) lại cho rằng việc sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất và chế biến thực phẩm lỗi một phần là do người tiêu dùng bởi ai đi mua cũng thích đồ ngon, đẹp mắt, giá thành rẻ. Chính vì cái tâm lý chung đó nên người sản xuất muốn bán được hàng đã bất chấp thủ đoạn, sự độc hại mà chỉ quan tâm tới lợi nhuận trong kinh doanh buôn bán.
 

 Bảo Hân (tổng hợp)