“Sáng ngủ dậy, bố đánh răng, rửa mặt, ăn sáng rồi ngồi ở nhà, ai đến gọi đi chở ga thì bố em đi. Mẹ chậm tay chân một chút là bố chửi, đánh. Ví dụ như có hôm mẹ xem tivi, bố bảo cất dọn mâm cơm nhưng mẹ không để ý, bố em chửi mắng rồi mâm cơm bay ra vườn”, đó là ký ức của một đứa trẻ khi kể về bố.

Ám ảnh những ông bố chỉ biết “đánh, mắng”

Xem và đọc những câu chuyện trong triển lãm ảnh “Bố ơi, con ước…” đang diễn ra ở tại Viện Goethe Hà Nội, điều ám ảnh người xem là hình ảnh những ông bố bạo lực, chỉ biết đến rượu và mắng chửi, đánh đập vợ con. 23 bộ ảnh, 23 câu chuyện do chính những đứa trẻ đang sống trong môi trường bạo lực gia đình kể lại đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn bạo lực với phụ nữ và trẻ em.

“Bố quát mắng, đập phá đồ đạc”, “Bố hay tức vô lý, thỉnh thoảng cũng nợ nần đầm đìa”, “Bố chửi mắng mẹ nhiều”, “Bố đánh mẹ”,…là những miêu tả của các em khi được hỏi về bố.

{keywords}

 

{keywords}
{keywords}

Ấn tượng của các em về bố là bàn nhậu, những chai rượu và mâm cơm tan hoang…

{keywords}

Vì bị bố đánh và trói bằng khăn quàn đỏ nên chiếc khăn quàng theo em đến trường hằng ngày cũng trở thành nỗi ám ảnh.

Một cậu bé 13 tuổi, đang có một ông bố chỉ biến đến đòn roi, mắng chửi kể: “Bố cứ đợi hai mẹ con ăn xong bố mới ăn. Bố không muốn ăn cùng hai mẹ con. Dạo này bố mẹ xung đột, cũng diễn ra được mấy tháng rồi. Do vụ mùa năm vừa rồi nhà em mất trắng, thất bại hết. Nhà em trồng bí, do thời tiết mưa nhiều nên bí hỏng hết, mất sạch. Bố chửi mẹ “Loại mày ngu nên không biết làm”. Mẹ em bảo “Cả làng chết chứ có phải riêng mình chết đâu”. Rồi bố tát mẹ, đánh mẹ nữa.

Từ lúc em còn nhỏ, biết nhận thức có có chuyện này, mỗi lúc bố mẹ giận nhau là không nhìn mặt nhau, ăn riêng. Hồi đầu năm bố cầm chai phang mẹ nhưng mẹ đỡ lại. Bố chửi mắng mẹ nhiều. Mẹ em đỡ nên bị tím tay. Mẹ cũng hay suy nghĩ nên bị ốm nữa. Em vào can thì bố đẩy ra. Em van xin bố “Bố ơi bố không đánh mẹ nữa”. Sau đấy bố chả nói gì bỏ đi”.

Ước mơ lớn nhất của cậu bé này là “bố ăn cơm với hai mẹ con”. Cậu bé thích những lúc bố không giận dỗi mẹ. Bố yêu mẹ và hay quan tâm đến mẹ và mình. Bố dạy học, dạy chơi mấy trò linh tinh. “Cái em thích thì không mua được. Đó là tình cảm của bố mẹ”, em nói.

Một em trai khác chụp gia đình mình là những chai rượu và những mâm cơm tan nát. “Mâm cơm thì rất giản dị, chỉ có rau. Còn bình rượu thì bố lúc nào cũng quan tâm đến nó chứ không quan tâm đến gia đình”, em kể. Bố em là một người nóng tính, lại hay uống rượu nên hay đánh chửi mẹ. Cũng vì thế mà rất nhiều lần “mâm cơm bay ra vườn”.

{keywords}

Người bố không cho em những gì em mong ước, cậu bé này đành cắt giấy dán thành tranh với ước mong bố giúp mẹ trồng cây, bố giúp em học bài, bố lai em đi chơi, bố giúp mẹ làm vườn, bố lai em đi học, bố giúp mẹ chặt cây, bố đi chơi cùng em (thả diều), bố giúp em sửa xe đạp, bố quét nhà giúp mẹ.

Một bức ảnh khác về chiếc khăn quàng đỏ cũng khiến người xem ám ảnh. Cậu bé trong bức ảnh đang dùng chiếc khăn quàng đỏ để trói tay, trói cổ mình. Đó cũng chính là ký ức kinh hoàng đã ám ảnh em trong thời gian qua: “Do mải chơi bỏ học, khi về nhà bị bố đánh, bố túm khăn quàng đỏ và dúi đầu vào tường gần một chiếc bàn, chiếc bàn đổ ra trượt vào tay em trầy da. Bố đánh xong trói tay em vào cột bằng chiếc khăn quàng đỏ. Lúc đó cả trời đất như muốn sập xuống đầu em, em định dùng khăn quàng đỏ để thắt cổ tự tử. Nhưng sợ”.

Cậu bé này chỉ muốn nói với cha mẹ rằng “Nếu con cái có làm sai thì cũng không nên đánh đập nó, đuổi ra khỏi nhà hay có biện pháp mạnh”. Bọn em chỉ muốn là “nếu con sai chỗ nào thì bố mẹ chỉ ra cho con cái biết, chứ không nên đánh mắng con cái mà dẫn đến căm thù bố mẹ. Những mâu thuẫn có thể nhỏ nhưng dẫn đến xích mích sau này”.

“Em mong bố là người hiền lành”

“Em mong bố là người hiền lành và biết quan tâm đến gia đình”, “Em mong bố tốt với gia đình và mọi người. Người bố không cần thiết phải làm nhiều nhưng cũng cần biết đảm đang, phụ giúp gia đình”, “Bố không rượu chè, gái gú gì cả, cũng chăm lo cho gia đình”, “Bố ở nhà làm công việc, không uống rượu và đánh cờ bạc nữa”, “Em chỉ ước là cả tuần bố ở nhà ăn cơm cùng gia đình em”, “Em thích bố về nhà không uống rượu say không chửi bới nữa”, “Em muốn bố em không uống rượu nữa”…là những ước muốn của các em dành cho bố.

Mơ ước của các em rất giản dị, là bố về nhà ăn cơm, là bố giúp mẹ làm thật nhiều những công việc nội trợ, là khi bố nói người khác sai thì bảo thôi chứ không nên mắng,…

{keywords}
{keywords}

Ước mơ của các em là bố không giận dữ, là người tốt.

Bà Mayor - Giám đốc Viện Goeth chia sẻ rằng: “Khi còn là đứa trẻ, phải chứng kiến hoặc chịu đựng sự tàn nhẫn của người làm cha, bạo lực trong gia đình, thì bất cứ ai cũng đều có sự tổn thương sâu sắc; và, những nỗi đau, những cảm giác sợ hãi đó có thể kéo dài đến hết cả đời người. Trong triển lãm này, tôi nhìn thấy được nỗi đau cũng như ước muốn của các em trong mỗi bức ảnh. Tất cả đều để lại ấn tượng mạnh cho người xem. Tôi hi vọng, các em sẽ có khả năng và sức mạnh để phá vỡ bức tường của bạo lực, để những cảnh tượng này sẽ không còn xảy ra trong tương lai”.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc điều hành trung tâm Csaga, trưởng ban tổ chức triển lãm cho biết Triển lãm ảnh “Bố ơi con ước” là một trong chuỗi các hoạt động của chiến dịch quốc gia về bình đẳng giới năm 2014, nhằm kêu gọi mọi người chung tay chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới. Triển lãm được xây dựng theo kiểu photovoice, tức là để cho tác giả thể hiện chính những câu chuyện của mình thông qua các bức ảnh.

Kim Minh