Ám ảnh vụ sạt lở kinh hoàng
Gần chục năm trôi qua thế nhưng các hộ dân sống ven kênh Xóm Củi, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM vẫn chưa thôi ám ảnh bởi vụ sạt lở bất ngờ trong đêm.
Thoát chết trong gang tấc, bà Quách Thị Rảnh kể: Vào đêm 1/7/2011, 9 người trong gia đình bà đang ngủ bỗng nghe tiếng động mạnh và tiếng la hét từ nhà kế bên. Chưa kịp hiểu chuyện gì, bà đã thấy mảng tường và nền nhà sau bắt đầu sạt xuống kênh.
“Cả nhà hoảng loạn. Nghe tiếng kêu cứu, hàng xóm phải dùng xà ben cạy cửa thì mọi người mới thoát ra được. Chỉ chậm một chút nữa thôi là cả gia đình bị trôi xuống kênh”, bà Rảnh nhớ lại.
Bà Quách Thị Rảnh và căn nhà tạm của gia đình hiện nay. |
Sau lần sạt lở đó, gia đình bà Rảnh chỉ còn vài mét đất phía trước. Vì nhà đông người nên đành lấn ra khỏi ranh đất làm nhà tạm. Địa phương chỉ hỗ trợ tiền thuê nhà cho gia đình bà Rảnh được 6 tháng rồi ngưng.
Để có nơi an cư, bà Rảnh phải vay mượn tiền sửa lại nhà trong thời gian chờ di dời đi nơi khác. Mỗi đợt nước lớn, cả phần nhà sau của bà Rảnh ngập lênh láng, đồ đạc trong nhà hư hỏng.
Những căn nhà tạm được người dân dựng lại trên nền nhà bị trôi xuống kênh Xóm Củi. |
Cũng bị trôi nhà trong đợt sạt lở năm đó, bà Trần Ngọc Thanh cho hay, trước đây bà xây căn nhà 2 tấm vững chãi ven kênh. Nhưng sau đó căn nhà có hiện tượng lún và nứt, đến đêm 1/7/2011 cả căn nhà đổ sụp xuống kênh.
“Dựng căn nhà tạm trên nền đất còn lại chứ tiền đâu đi thuê chỗ khác. Những ngày mưa gió hay nước dâng cao, tôi phải ôm con đi kiếm chỗ trú chứ không biết căn nhà tạm này lại trôi xuống kênh lúc nào”, bà Thanh than vãn.
Từ nhà lầu, sau 1 đêm gia đình bà Thanh sống trong căn nhà tạm bợ này vì sạt lở. |
Vụ sạt lở tại kênh Xóm Củi xảy ra vào năm 2011 có chiều dài 30m, rộng 10m tính từ bờ vào. Vụ sạt lở khiến 7 căn nhà trôi xuống kênh và 9 căn nhà liền kề bị lún, nứt, hư hỏng nặng.
Tuy vậy, sau một thời gian ngắn tạm cư chỗ ở khác, hầu hết các hộ dân lại tiếp tục quay về sửa chữa nhà tạm để ở mặc cho cảnh báo của chính quyền địa phương về nguy cơ tiếp tục sạt lở lên tới hơn 600m chiều dài và 20m chiều rộng, mức cảnh báo đặc biệt nguy hiểm.
Chờ chính sách đền bù thỏa đáng
Nằm trong khu vực cảnh báo sạt lở đặc biệt nguy hiểm ở rạch Ông Lớn, hộ bà Lưu Thị Cẩm Vị (ngụ ấp 2, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè) cho biết, nơi sinh sống của gia đình bà thuộc dự án xây dựng bờ kè ven kênh. Dự án đã có nhưng chưa triển khai được vì vướng mắc trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng.
Theo bà Vị, căn nhà của bà chiều ngang 5m và dài 10m, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng địa phương chỉ đền bù 79 triệu đồng. Vì thấy chính sách bồi thường không thoả đáng nên bà Vị chưa đồng ý.
Lo sợ sạt lở, một số hộ dân tại rạch Ông Lớn đã di dời đi nơi khác. |
Tương tự, ông Lê Đại Thành cho hay, căn nhà ông có chiều ngang 6m, dài 13m và đã được cấp sổ hồng. Với giá thị trường, theo ông Thành, căn nhà này có giá cả tỷ đồng. Tuy nhiên, địa phương đưa ra mức giá đền bù cho ông chỉ 400 triệu đồng.
“Cầm 400 triệu đồng này, gia đình 8 nhân khẩu của tôi biết đi đâu mua được nhà. Với mức đền bù này chỉ có thể đi thuê nhà trọ ở vài năm rồi sau đó chắc cả nhà ra đường”, ông Thành nói.
Chỉ cho PV VietNamNet thấy hiện trạng căn nhà sát bờ rạch, ông Thiên Lộc cho biết, trước đây nhà ông cách xa nhưng nay đã sát bờ rạch. Mỗi năm sạt lở thêm một chút, vì diện tích đất rộng nên rạch “ăn” đến đâu ông dời nhà vào đến đó. Một số nhà hàng xóm của ông Lộc bị trôi xuống rạch phải di dời đi nơi khác sinh sống.
Theo ông Lộc, người dân ở đây ai cũng mong muốn được di dời nếu như được đền bù thỏa đáng, chứ không ai muốn sống trong cảnh lo lắng, bất an thường trực như thế này.
Mép rạch Ông Lớn lấn sát nhà ông Lộc. |
Đến năm 2016, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 21.851 căn nhà trên và ven kênh, rạch thuộc 61 dự án. Trong đó, có 52 dự án thực hiện bằng ngân sách Nhà nước, 6 dự án theo hình thức đối tác công tư PPP và 3 dự án dự án xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị.
Theo Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016 – 2020, chỉ tiêu đến năm 2020, TP.HCM cơ bản hoàn tất công tác di dời toàn bộ hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị hai bên bờ kênh rạch.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, tổng số căn đã bồi thường và di dời chỉ đạt 2.467 căn, đạt tỷ lệ 12,34%. Dự kiến trong giai đoạn 2016 – 2020, TP.HCM sẽ bồi thường và di dời được 7.231 căn, chiếm tỷ lệ 36,2%.
Theo UBND TP.HCM, nguyên nhân khiến công tác bồi thường, di dời đạt hiệu quả thấp là do vướng mắc khi áp dụng cơ chế, chính sách về giải phóng mặt bằng, chưa tạo được sự đồng thuận của người dân.
Công tác xác định ranh, lập chủ trương đầu tư công, phê duyệt dự án, phương án bồi thường còn kéo dài, trình tự thực hiện dự án còn phức tạp, nhất là dự án về bồi thường. Trong khi đó, quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý đầu tư, xây dựng chưa có các quy định riêng, đặc thù cho các trường hợp thực hiện dự án chỉnh trang đô thị.
Ngoài ra, hiệu quả sử dụng các nguồn lực Nhà nước và nguồn lực xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thành phố còn hạn chế. Nguồn vốn của Thành phố dành cho chương trình chưa tương xứng với nhu cầu.
Các dự án di dời nhà trên kênh rạch chưa thu hút nhà đầu tư tham gia do thiếu tính khả thi và hiệu quả, cần có sự hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước về chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, quỹ đất thanh toán, nguồn nhà, đất tái định cư...
TP.HCM dành hơn 3.600 nhà, đất bố trí tái định cư
Để bố trí tái định cư cho các hộ dân bị giải toả tại các dự án chỉnh trang đô thị và công ích trên địa bàn, UBND TP.HCM vừa phân bổ 3.656 căn hộ và nền đất cho các quận, huyện.
Lê Hoàng