Tôi ấm ức và tiếc lắm vì phải bán tiền vàng hồi môn để đưa cho mẹ chồng chi tiêu vào những việc không đâu. Ở nhà chồng tôi, sao nhiều khoản chi tiêu tốn kém quá vậy hả trời?
Đúng là khi chưa lấy chồng, tôi cũng không bao giờ nghĩ chuyện mẹ chồng nàng dâu lại là đề tài muôn thủa không bao giờ hết chuyện. Song có bước vào cuộc sống gia đình rồi thì mới biết, con dâu với nhà chồng có nhiều mâu thuẫn khó tránh lắm. Tôi cũng ước, mẹ chồng thương các con được 1 phần như mẹ chồng đã mất của bạn Cẩm Bình đây thì đã đỡ lo lắng, tủi thân hơn nhiều.
Vợ chồng tôi, hàng ngày ai nhìn vào cũng tưởng chúng tôi sung sướng. Bởi vì chúng tôi ở với bố mẹ chồng nên không phải mất tiền thuê nhà như nhiều cặp vợ chồng khác. Nhưng đi liền với nó là sự tốn kém mà tôi dù xoay xở và muốn tiết kiệm kiểu gì cũng không thể để ra được.
Hàng tháng, tôi vẫn phải về nhà mẹ đẻ xin ông bà 3-4 triệu để đóng góp vào tiền chi tiêu sinh hoạt ở nhà chồng. Chính tôi nhiều lúc cũng thấy ngượng với bố mẹ đẻ lắm vì con gái đi lấy chồng vẫn phải về nhà chìa tay xin tiền hàng tháng. Nhưng tôi chẳng biết phải xoay sở sao nếu không làm vậy.
Có quá nhiều khoản chi tiêu ở nhà chồng nên dù xoay xở và muốn tiết kiệm kiểu gì tôi cũng không thể để ra được (Ảnh minh họa) |
Nhà chồng tôi gồm có 3 cặp vợ chồng sống với nhau trong một căn nhà 5 tầng rộng rãi. Tầng 1 là nơi sinh hoạt chung của các gia đình. Tầng 2, bố mẹ chồng tôi ở. Tầng 3 là vợ chồng nhà tôi và tầng 4 là gia đình nhà anh trai (đã có con gái 4 tuổi) ở.
Nói chung về nhà cửa, dù ở chung như vậy nhưng tôi không thấy chút bất tiện nào vì nhà chồng diện tích các tầng khá rộng rãi và khép kín. Sống cùng một nhà nên cả nhà chồng tôi vẫn đóng góp sinh hoạt phí và ăn chung với nhau.
Hàng tháng, dẫu chẳng phải tiêu gì nhiều nhưng các khoản tiền cố định cứ ngày càng nhiều hơn khiến cho vợ chồng tôi có muốn tiết kiệm phòng lúc ốm đau cơ nhỡ cũng chẳng biết tiết kiệm kiểu gì. Và đó cũng là lý do khiến tháng nào sau khi đã dành các khoản chi tiêu xong, tôi cũng phải về ngửa tay xin ông bà ngoại thêm.
Cụ thể, các khoản tiền gửi trẻ, tiền bỉm sữa, đồ ăn thêm cho con và tiền ăn trưa của 2 vợ chồng khi đi làm mỗi tháng cũng phải tiêu hết 6 triệu. Chưa kể, hàng tháng, vợ chồng tôi phải đóng khoản tiền ăn cố định cho mẹ chồng vào đầu tháng là 3,5 triệu. Tất nhiên, khoản tiền này chưa kể điện nước mỗi tháng. Hay khi cuối tuần, cả nhà ăn tươi thì mỗi gia đình phải đóng góp thêm.
Như vậy, ngoài các khoản cố định đưa cho mẹ chồng và lo cho con cái, số tiền hàng tháng của vợ chồng tôi đã mất khoảng 10 triệu. Trong khi đó, tổng lương của vợ chồng chỉ có 12 triệu. Do đó, cứ tháng nào lấy lương xong, sau khi chia hết cho các khoản là tôi còn dư 2 triệu. Xong số tiền 2 triệu này cũng chẳng trang trải đủ khi vợ chồng liên tục có những việc phát sinh: cưới xin, sinh nhật, thăm hỏi đau ốm, bố mẹ chồng về quê….
Xin nói thêm là tất cả các khoản thu chi của nhà chồng tôi đều bổ đầu công khai hàng tháng cho các gia đình. Về các khoản đóng góp này, tôi cũng không dám có ý kiến thắc mắc. Nhưng điều khó chịu nhất là, vợ chồng tôi đã không có tiền, lại phải nuôi con nhỏ, song không tháng nào với bố mẹ chồng tôi lại không có thêm khoản phát sinh đến một vài triệu nữa.
Chẳng hạn như, bố chồng tôi rất ham mê đánh chắn, tá lả với mấy ông bạn cùng khu phố. Hầu như ngày nào ông cũng ngồi. Những lúc, ông chơi thua, ông sẵn sàng gọi con trai, con dâu xin 500k hoặc 1 triệu để đánh tiếp. Vài lần các con hết tiền không có đưa, ông sẽ mắng luôn là con cái bất hiếu, không nghĩ tới niềm vui tuổi già của ông. Rồi ông cằn nhằn cả ngày là các con tiếc bố.
Chưa kể, mẹ chồng tôi tuy năm nay đã 65 tuổi song bà vẫn ăn chơi và giữ dáng cẩn thận. Từ trước tới nay, bà không bao giờ có thói quen gội đầu ở nhà. Hàng ngày bà vẫn đến các phòng tập gym 2 tiếng để tập luyện. Chi phí cho việc làm đẹp này của bà, bà cũng bổ đầu 2 con trai phải lo.
Chán ngán nhất là gia đình đã không có tiền, song mua gì mẹ chồng toàn sĩ diện mua đồ đẹp. Cuối tuần vừa rồi, nhà không có tiền, nhưng mẹ chồng nhất quyết đòi thay salon, tivi mới ở phòng khách để trang hoàng lại nhà cửa đón Tết đến thêm lịch sự, trang trọng.
2 con trai méo mặt bảo mẹ cần gì phải thay mới thì mẹ chồng nói, phòng khách là bộ mặt của cả nhà nên phải thay. Mà đã thay là phải thay nội thất đắt tiền. Cả bộ salon và ti vi ở phòng khách bà đã nhắm trước và thông báo hết 120 triệu.
Số tiền này cũng được chia ra cho 3 cặp vợ chồng. Tính ra mỗi cặp vợ chồng phải đưa bà 40 triệu. Vợ chồng không còn tiền, mà chạy về hỏi bố mẹ đẻ ngại nên tôi đành bàn với chồng đi bán của hồi môn 2 năm trước. Hôm vợ chồng mang tiền vàng hồi môn đi bán, mẹ chồng biết nhưng vẫn mặc kệ, không một lời khuyên can. Khi về, bà vẫn cầm tiền vẻ mặt tươi như hoa.
Tôi ấm ức lắm và tiếc lắm vì phải bán hồi môn đi để đưa cho mẹ chồng chi tiêu vào những việc không đâu. Ở nhà chồng tôi, sao nhiều khoản chi tiêu tốn kém quá vậy hả trời. Dù đã xoay đủ kiểu nhưng tháng nào tôi vẫn phải ngửa tay xin mẹ đẻ thêm 3-4 triệu. Như thế khác gì lấy tiền nhà mẹ đẻ để nuôi nhà chồng.
Cứ tình hình chi tiêu này, tôi thấy không ổn. Song tôi cũng không thể góp ý hay có ý kiến gì với mẹ chồng về các khoản đóng góp kia để chi tiêu hợp lý hơn. Còn với nhà ngoại, đấy là bố mẹ tôi đang có thì mới cho được. Lần nào sang nhà ngoại xin, mẹ tôi chẳng ngao ngán thở ngắn thở dài. Tôi tự biết, mình chẳng thể bấu víu bố mẹ cả đời được.
Tuần vừa rồi, tôi đã bàn với chồng chuyện vợ chồng xin ra thuê nhà ở riêng bên ngoài. Thế nhưng anh mắng tôi ở chung còn chẳng để ra được, ra ngoài thuê nhà còn tốn kém hơn? Thấy chồng nói cũng có lý khiến tôi lo lắng lắm. Song ở nhà chồng mà quá nhiều khoản chi tiêu hàng tháng theo bố mẹ chồng, tôi thấy mệt mỏi về tiền quá!
(Theo Pháp luật Xã hội)