- Mặc dù amiăng trắng trong các tấm fibro xi măng vô cùng độc hại, song hầu hết người Việt Nam vẫn không hề biết về sự độc hại này.

Amiăng trắng đang là một cơn ác mộng thực sự khi nó là tác nhân gây ra hàng loạt các bệnh ung thư, giết chết hàng trăm ngàn người mỗi năm, dẫu rằng, nó từng là một vật liệu rất hữu ích.

Nguyên liệu phổ biến

{keywords}
Tại Việt Nam, amiăng chủ yếu sử dụng trong ngành sản xuất tấm lợp fibro xi măng.

Amiăng trắng (tiếng Anh là chrysotile ) là một loại sợi khoáng vô cơ có cấu tinh thể dạng sợi dài, mảnh và xốp. Tên amiăng trắng được dùng để phân biệt với amiăng xanh, nâu, vốn là loại amiăng cực kỳ độc hại và đã bị cấm sử dụng từ lâu.

Với những đặc tính ưu việt như độ bền, chịu nhiệt và ma sát, cách điện, cách âm và giá thành rẻ, amiăng trắng từng được coi là nguyên liệu đầu vào hữu ích trong sản xuất, đặc biệt là với ngành xây dựng và công nghiệp nặng.

Ước tính, amiăng trắng có mặt trong hơn 3.000 sản phẩm ứng dụng thuộc các lĩnh vực: vật liệu xây dựng (fibro xi măng, đường ống xây dựng, bể chứa nước, thiết bị điện, viễn thông…), sản phẩm chịu ma sát như má phanh, miếng đệm, các loại vải sợi, quần áo chịu nhiệt, công nghiệp hàng không, công nghiệp dược phẩm, đóng tàu…

Tại Việt Nam, amiăng trắng được sử dụng chủ yếu trong sản xuất tấm lợp fibro ximăng và trong gần 60 năm qua, amiăng đã là một vật liệu hữu ích. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (TC&BVNTD VN), hiện Việt Nam có 39 cơ sở sản xuất với hơn 5.000 lao động, có khả năng cung cấp trên dưới 100 triệu m2 fibro xi măng mỗi năm, đáp ứng 60% nhu cầu về tấm lợp, được người tiêu dùng tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ưa chuộng vì vừa phù hợp với điều kiện khí hậu, giá thành lại thấp.

"Tuy nhiên, ngày nay, amiăng trắng không còn là nguyên liệu lý tưởng nữa. Trái lại, nó đang mất dần chỗ đứng khi con người ngày càng nhận ra tính chất ‘lợi bất cập hại’ của nó”, ông Hùng khẳng định.

Ác mộng ung thư

Theo tài liệu nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC) thì tất cả các dạng amiăng, trong đó có amiăng trắng gây ra ung thư ở người và không có ngưỡng an toàn nào cho nguy cơ ung thư do amiăng gây ra.

{keywords}
TS Vũ Thường Bồi, Viện Hóa học khẳng định, amiăng trắng cũng gây ung thư như các loại amiăng độc hại khác.

Theo WHO, nguy cơ gây ung thư có sự khác nhau giữa các loại amiăng (trắng và màu) cũng như kích thước sợi (sợi dài và mỏng có khả năng gây hại lớn hơn), song, điều này không làm thay đổi kết luận rằng, amiăng trắng là chất gây ra ung thư.

Bổ sung vấn đề này, TS Vũ Thường Bồi, Viện Hóa học, về mặt cơ chế, amiăng gây ung thư là do có sắt. “Sắt chính là tác nhân kích hoạt phản ứng ô xy hóa và khi vào phổi, nó sẽ ở dịch phổi, kích hoạt các phản ứng tác động tới các tế bào dẫn đến biến đổi gen và đây là bước khởi đầu gây ra ung thư”, TS Bồi giải thích.

TS Bồi cũng cho rằng, với cơ chế này, lập luận cho rằng, amiăng trắng ít độc hơn các loại amiăng khác là không thể. “Hàm lượng sắt trong amiăng trắng ít nhất là 0,3% và nhiều nhất lên tới 4%. Đây chính là lý do amiăng là nguyên nhân gây ra ung thư, bất kể là amiăng trắng hay màu”, TS Bồi khẳng định.

Theo các tài liệu của WHO, các bệnh ung thư có liên quan tới amiăng trắng bao gồm là ung thư phổi, ung thư trung biểu mô (màng phổi, màng bụng, màng tim), ung thư phổi, thanh quản và ung thư buồng trứng.

Theo một ước tính của WHO đưa ra vào năm 2004, mỗi năm số người chết do các bệnh liên quan tới amiăng là 107 ngàn người, trong đó 41 ngàn người chết vì ung thư phổi, 7 ngàn người chết vì bụi phổi và 59 ngàn người chết vì u trung biểu mô ác tính. Ngoài ra, 1,5 triệu người khác phải sống chung với khuyết tật do các bệnh liên quan tới amiăng.

Cho tới nay, amiăng được coi là chất gây ung thư nghề nghiệp độc hại nhất với hơn một nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp. Người ta ước tính, cứ 170 tấn amiăng được sản xuất và tiêu thụ sẽ gây ra ít nhất một ca tử vong do ung thư trung biểu mô.

Hiện nay, tỷ lệ mắc ung thư trung biểu mô tại 11 quốc gia công nghiệp phát triển đã sử dụng amiăng ở mức 2,0-5,5 kg/người/năm (trong 25 năm trước) là từ 14-35 trường hợp/triệu người/năm.

Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, cứ thêm 1kg amiăng trên bình quân đầu người trong một năm thì tỷ lệ mắc u trung biểu mô tăng 2,4 lần, theo WHO.

Theo Viện nghiên cứu quốc gia về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp Mỹ (NIOSH) từ năm 1999-2005, tại Mỹ có tới 18.068 người chết vì u trung biểu mô, tỷ lệ người chết dao động là 14,1 người/triệu người năm 1999 và 14 người/triệu người vào năm 2005.

Tuy nhiên, những con số nói trên mới chỉ lấy từ các quốc gia phát triển có hệ thống thống kê tốt chứ chưa có số liệu tại các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là tại châu Á, nơi sử dụng amiăng trắng nhiều nhất thế giới. 

Một nghiên cứu năm 2011 của Tạp chí Respirology của Hội châu Á Thái Bình Dương dự đoán, số người tử vong vì amiăng ở châu Á sẽ tăng cao trong 20 năm tới.

Hậu quả sẽ khôn lường

Theo các nhà chuyên môn, amiăng gây hại cho sức khỏe khi ở dạng bụi, xảy ra trong quá trình sản xuất như mài, cắt sản phẩm vật liệu hoặc phá dỡ công trình có chứa amiăng.

{keywords}
TS Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế.

Điều này hết sức nguy hại khi tại Việt Nam từ khâu quản lý nguyên liệu, phương tiện bảo vệ cá nhân, vệ sinh môi trường cho tới ý thức của công nhân tại các nhà máy sản xuất tấm lợp amiăng đều rất kém, theo một nghiên cứu về an toàn vệ sinh lao động năm 2013 do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tiến hành.

Do vậy, mặc dù đến nay chưa có nghiên cứu nào về những tác hại do amiăng gây ra tại Việt Nam, song rất nhiều con đã số chứng minh, amiăng đã và sẽ đem lại những hậu quả to lớn đối với sức khỏe cộng đồng.

Theo TS Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho biết, từ 1988 tới nay, Việt Nam đã ghi nhận 150 trường hợp ung thư trung biểu mô và có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Theo các nghiên cứu trên thế giới, có tới 80% các trường hợp ung thư trung biểu mô là có liên quan tới amiăng.

Vị Phó Cục trưởng cũng cho hay, khảo sát tại 6 bệnh viện từ năm 2009 – 2010 đã ghi nhận 447 trường hợp bệnh nghi ngờ có liên quan tới amiăng. Trong đó, 46 trường hợp được chẩn đoán là ung thư trung biểu mô màng phổi.

Đáng nói hơn, khả năng gây ung thư của amiăng không chỉ xảy ra với những công nhân trong các xưởng sản xuất mà ngay cả với những người sống trong môi trường gần nơi khai thác, ở nhà có mái lợp amiăng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, trong 46 trường hợp được chẩn đoán là ung thư trung biểu mô màng phổi giai đoạn 2009-2011 có 6 ca liên quan đến amiăng, 5 trường hợp ở nhà mái lợp amiăng và 1 trường hợp ở gần mỏ serpentin (loại sợi amiăng màu).

Đây là điều rất đáng lưu ý khi rất nhiều người dân không hề biết về tác hại của amiăng vẫn thường xuyên hứng nước từ mái lợp fibro xi măng để dùng cho ăn uống. Nhiều chuyên gia cho rằng, nhận thức hạn chế của người Việt trong việc sản xuất cũng như sử dụng amiăng sẽ để lại những hậu quả không lường.

Tạm kết

Với những sự nguy hại của amiăng, gánh nặng kinh tế cho chi phí bệnh tật cũng như chi phí khắc phục môi trường, đặc biệt là xử lý phế thải amiăng cao hơn nhiều lợi ích kinh tế mà amiăng mang lại. Do vậy, các tổ chức quốc tế như WHO, ILO đều đã khuyến cáo các quốc gia nên cấm hoàn toàn việc sử dụng các loại amiăng.

Tuy vậy, ở Việt Nam, không phải ai cũng biết về sự độc hại của amiăng. Phát biểu tại cuộc Hội thảo “Amiăng với sức khỏe” vừa qua, một vị đại biểu quốc hội đã thành thật thừa nhận rằng, đây là lần đầu tiên ông nghe về amiăng và những tác hại khủng khiếp của nó.

Thực tế, cũng như vị đại biểu quốc hội này, hầu hết người dân Việt Nam đến nay vẫn chưa hề biết về sự độc hại của amiăng. Tuy vậy, trách nhiệm trong câu chuyện này có lẽ không phải ở vị đại biểu quốc hội, cũng không phải người dân mà chính là ở các cơ quan quản lý nhà nước, ở các nhà khoa học và ở chính các phương tiện truyền thông.

Phát biểu tại cuộc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: "Công tác tuyên truyền về tác hại của amiăng đối với người sản xuất và người dân trong thời gian qua là hết sức hạn chế. Đó là điều mà chúng ta phải suy nghĩ".

Lê Văn