Sau khi ăn hết nửa bát cơm và phần đuôi cá nục kho, ông La cảm thấy miệng, cổ bị bỏng rát. Sau 1 ngày, phần cổ, mặt sưng phù, nổi ban đỏ, miệng lở loét nên ông La được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Chiều ngày 26/4, bác sỹ Lưu Đình Bình, Khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa TP Vinh (Nghệ An), cho biết, sau 4 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Trương Như La (SN 1965, trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh, Nghệ An) đang hồi phục, các chỉ số sinh tồn ổn định, bệnh nhân hết sốt, các ban dị ứng mờ dần, toàn trạng đáp ứng tốt.

{keywords}

Bệnh nhân Trương Như La hiện đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa TP Vinh với những triệu chứng dị ứng sau khi ăn cá biển.

Trước đó, vào hồi 1h30 ngày 22/4, Bệnh viện đa khoa TP Vinh tiếp nhận bệnh nhân Trương Như La trong tình trạng bị sốt, đau bụng, người nổi ban (đặc biệt ở vùng mặt, cổ), ngứa, miệng bị loét, không nuốt được.

Ông Trương Như La cho biết, vào chiều ngày 20/4, người nhà ông mua 5 con cá nục ở chợ Vinh về kho. Trong bữa cơm, vợ và con ông La ăn hết hai con cá, ông La không ăn. Đến khoảng 12h đêm, do có triệu chứng hen suyễn nên ông La ăn cơm để uống thuốc.

“Khi ăn được nửa bát cơm với phần đuôi cá nục kho thì tôi thấy miệng, má phía trong bỏng rát nên không ăn nữa. Một lát sau thì miệng sưng lên, phồng rộp và có cảm giác ngứa. Sau đó tôi có uống 2 viên thuốc chống hen (thỉnh thoảng ông La vẫn uống thuốc này do có tiền sử bệnh hen – PV). Đến sáng hôm sau tình trạng cũng không đỡ hơn. Mặt, miệng, cổ sưng phù, nổi ban dày đặc. Phía trong miệng và vòm họng bị lở loét”, bệnh nhân Trương Như La cho hay.

{keywords}

Các nốt ban đỏ khắp mặt, cổ, miệng bị lở loét khiến bệnh nhân không thể ăn hay nuốt được.

Sáng ngày 21/4, gia đình đưa ông La đến 1 cơ sở chữa bệnh tư nhân và được truyền dịch. Đến tối, tình trạng sức khỏe không khá lên, ông La được người nhà là nhân viên y tế truyền dịch, cho uống thuốc chống phù nề và tiêm một mũi tiêm. Tuy nhiên, đến nửa đêm, ông La tức ngực, khó thở, cổ họng đau không nuốt được, các vết ban dày đặc lan xuống ngực và lưng nên được đưa gia đình đưa đến bệnh viện.

“Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Khai thác từ người nhà và những biểu hiện bệnh thì chúng tôi nhận định bệnh nhân bị dị ứng, chưa loại trừ dị ứng thực phẩm. Tuy nhiên, vào thời điểm đó bệnh nhân vừa ăn cá biển, vừa uống thuốc chống hen nên khó xác định là dị ứng thuốc hay dị ứng thực phẩm do ăn cá biển”, bác sỹ Lưu Đình Bình cho hay.

{keywords}

Hiện, các nốt ban đang mờ dần, bệnh nhân hết sốt, đã ăn được sau 4 ngày điều trị tại bệnh viện.

Sau khi thấy triệu chứng bất thường của ông Trương Như La, cho rằng có liên quan đến số cá biển vừa kho người nhà ông đã đổ hết cá và đun nước sôi nhiều lần để “khử độc”. Bác sỹ Bình cho rằng do không còn mẫu thức ăn nên việc xác định nguyên nhân có phải là do cá biển bị nhiễm độc tố hay không là rất khó.

Hiện bệnh nhân Trương Như La đang được tiếp tục theo dõi.

(Theo Dân trí)