Thông tin hàng ngày được tiết lộ về hối lộ, lạm dụng quyền lực, tư túi ngân quỹ công đã làm tê liệt quốc hội Ấn Độ và nhấn chìm đảng Quốc đại vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất từ nhiều năm nay. 

Những ông trùm với nhiều bạn hữu ở vị trí cao. Nhân viên công quyền hành xử sai quy tắc. Hàng chục tỉ USD tổn thất cho ngân khố. Bộ trưởng nội các bị cáo buộc và cả Thủ tướng cũng bị chỉ trích.

Vụ bê bối viễn thông ở Ấn Độ được so sánh như vụ Teapot Dome (dưới thời Tổng thống Warren Harding đã xảy ra một biến cố chính trị vô cùng to lớn là vụ Teapot Dome khi Bộ trưởng Nội vụ là Fred Hall đã ăn tiền của một số công ty dầu khí đem bán lại mỏ dầu Teapot Dome của Hải quân cho các công ty này để kiếm lời. Sau khi vụ việc vỡ lở, ông này phải từ chức và tổng thống Mỹ cũng bị liên lụy).


Vấn đề ở chỗ một bộ trưởng đã bán hợp đồng viễn thông cho các hãng điện thoại di động như thế nào. Những người có liên quan tới vụ việc cho thấy, một số người giàu nhất Ấn Độ đang nỗ lực sử dụng ảnh hưởng với các quyết định bổ nhiệm chính trị và điều chỉnh chính sách.

Kiểm toán độc lập ước tính chính phủ có thể tổn thất tới 40 tỉ USD bằng việc bán các giấy phép hoạt động quá rẻ mạt.

Khủng hoảng chính trị ngày một gia tăng. Bộ trưởng Viễn thông đã từ chức. Hồi đầu tuần, tâm điểm chú ý lại chuyển sang Bộ trưởng Giao thông đường bộ Kamal Nath, sau khi người đứng đầu một tập đoàn thương mại quyền lực của Ấn Độ đưa ra những cuộn băng bí mật cho thấy sự liên quan tới bê bối viễn thông rằng, ông Nath có thể “ẵm” khoảng 15% từ các dự án mà ông giám sát.

Vụ bê bối làm các đảng đối lập sôi sục và làm đình trệ hoạt động thông thường trong Quốc hội. Phe đối lập đã yêu cầu Thủ tướng Manmohan Singh thành lập một ủy ban quốc hội để điều tra vụ việc. Ngày 13/12, phiên họp Quốc hội Ấn Độ đã bị đình trệ do phản ứng của phe đối lập.

Các nghị sĩ đối lập Ấn Độ đã ngồi bệt xuống sàn của phòng họp, hô vang các khẩu hiệu chống chính phủ và yêu cầu thành lập một ủy ban quốc hội để điều tra vụ bê bối cấp phép viễn thông 2G hồi năm 2008. Nếu được thành lập, ủy ban này sẽ có quyền triệu tập các thành viên nội các lên làm chứng. Các nghị sĩ đối lập tuyên bố không thể tin vào cuộc điều tra của chính phủ về những sai phạm do quan chức chính phủ gây ra trong tiến trình cấp phép viễn thông 2G.

Chủ tịch Quốc hội Ấn Độ sau đó đã phải ngừng phiên họp sang ngày 14/12. Lãnh đạo đảng đối lập chính Bharatiya Janata - ông Lal Krishna Advani - cho hay, thậm chí cả các thành viên chính phủ cũng ủng hộ yêu cầu lập ủy ban điều tra thuộc Quốc hội. Nhưng ông Singh đã bác bỏ với lập luận vụ việc đang trong tiến trình điều tra.

Bên cạnh những tác động chính trị, vụ bê bối còn ảnh hưởng lớn tới hình ảnh của Ấn Độ - một nền kinh tế lớn đang phát triển nhanh thứ hai thế giới.

Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, vụ việc chỉ là một dấu hiệu cho thấy sự hoài nghi của người dân về những cải cách tiến hành chậm chạp. Bê bối cũng cho thấy những bất ổn trong giới báo chí, những người vận động tập đoàn và giới chính khách, củng cố cách nhìn nhận rằng, nền kinh tế Ấn Độ bị chi phối bởi một nhóm tinh hoa nhỏ, có quan hệ chặt chẽ với nhau.

“Thậm chí khi chính phủ từ bỏ sự kiểm soát với phần lớn nền kinh tế, thì cách tiếp cận của họ với tư hữu hoá có thể để lại những vết sẹo dài vĩnh viễn khiến Ấn Độ khó đạt được tiềm năng của mình”, Eswar S. Prasad, giáo sư chính sách thương mại tại Đại học Cornell, cố vấn cho Bộ Tài chính Ấn Độ, nói. “Tham nhũng và phân cấp gia tăng có thể ảnh hưởng tới ổn định xã hội nếu lợi ích tăng trưởng không tới được tay tầng lớp thấp”.

Với đảng Quốc đại, bê bối đã làm lu mờ hình ảnh của Thủ tướng Singh, được coi là chính khách chính trực và “sạch” nhất Ấn Độ. Ông không liên quan tới bất kỳ sai phạm nào nhưng hình ảnh của ông như một nhà quản lý giỏi giang đã bị phá hỏng khi ngày càng có nhiều chỉ trích về các thành viên trong nội các.

Với nhiều nhà phân tích, bê bối viễn thông biểu trưng cho những gì mà nhiều người nhìn nhận về thời kỳ giàu có của Ấn Độ, khi một nhóm nhỏ các tập đoàn quyền lực tranh giành các tài nguyên hoặc dự án, quyền khai thác khoáng sản, đất đai, dự án cơ sở hạ tầng hoặc dịch vụ di động...

Ấn Độ là thị trường điện thoại di động lớn thứ hai thế giới, với gần 700 triệu thuê bao, và lợi nhuận của các hãng tư nhân phụ thuộc vào giấy phép phát sóng. Trong tháng này, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã thể hiện sự ngạc nhiên về những thực tiễn trái nguyên tắc của Bộ Viễn thông trong việc cấp phép phát sóng năm 2008.

Cục Điều tra Liên bang cho biết, Bộ Viễn thông cấp phép cho hàng loạt nhà mạng tư nhân trên cơ sở “bên nào đến trước được giải quyết trước”, thay vì đấu thầu hay đấu giá mang tính cạnh tranh công bằng. Bộ này do ông Raja đứng đầu đã cấp các giấy phép viễn thông 2G vào năm 2008 với mức giá thấp hơn nhiều thị trường cùng với các thủ tục ưu đãi cho một số nhà thầu không đạt chuẩn. Có tới 85 trong tổng số 122 giấy phép được cấp năm 2008 thuộc về những công ty không đủ tiêu chuẩn và nhanh chóng bị bán lại với giá cao.

“Tôi thực sự ngạc nhiên”, một nhà điều hành chứng kiến vụ xô đẩy để tới trước, nói trong một cuộc phỏng vấn. “Mọi người xô đẩy nhau, dẫm đạp nhau để đảm bảo rằng họ tới trước những người khác”.

Chưa đầy hai năm trước, Ấn Độ cũng đã chấn động vì vụ bê bối tại Satyam, một công ty công nghệ Internet khi nhà sáng lập và chủ tịch công ty thừa nhận những sai phạm trong kế toán. Giờ đây, ngoài bê bối viễn thông, còn có nhiều vụ việc tham nhũng lớn khác như khai thác mỏ quặng sắt trái phép, ngân hàng, và thậm chí là cả trong Đại hội Thể thao Khối thịnh vượng chung mà Ấn Độ đăng cai.

Công nghiệp viễn thông Ấn Độ như mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Điện thoại từng được coi là “của hiếm” ở Ấn Độ, với sự giám sát chặt chẽ của chính phủ, và phải mất một thậm chí là ba năm mới giải quyết đượcyêu cầu thiết lập đường dây mới của một khách hàng. Sau đó vào năm 1994, ba năm sau khi Ấn Độ bắt đầu theo đuổi cải tổ thị trường, viễn thông được mở cửa cho khu vực tư nhân.

Động thái này giống như một cuộc cách mạng, cuối cùng đã cung cấp dịch vụ điện thoại lần đầu tiên cho hàng trăm triệu người. Nhưng tham nhũng cũng nhanh chóng nảy sinh: năm 1996, Bộ trưởng giám sát lĩnh vực viễn thông đã bị cáo buộc nhận hối lộ. Nhà điều tra khám xét nhà của ông và tìm thấy hơn 24 triệu rupee (550.000 USD), nhồi nhét trong rương hòm, gối và cả toilet.

Gần 15 năm sau, kiểu tham nhũng đã khác. Năm nay, khách hàng điện thoại di động của Ấn Độ ước tính phải trả gần 20 tỉ USD hoá đơn, theo công ty nghiên cứu công nghệ Gartner. Phần lớn nguồn thu này sẽ về tay của những người chơi lớn - Reliance Communications, Airtel, Vodafone, Tata Teleservices và Idea Cellular  - cùng nhau chiếm khoảng 80% thị phần.

Ngoại trừ Vodafone, một tập đoàn Anh, những công ty viễn thông còn lại đều là chi nhánh của những tập đoàn lớn nhất Ấn Độ, đứng đầu bởi một số ông trùm quyền lực nhất. Các công ty của họ nhảy vào lĩnh vực thép, ô tô, khí tự nhiên, nhà máy điện, khai mỏ, xây dựng và truyền thông. Ngày nay, Ấn Độ có tới 66 tỉ phú với tổng cộng tài sản 244 tỉ USD tương đương hơn 1/5 tổng sản phẩm quốc nội 1,1 nghìn tỉ USD của nước này.

Trong khi đó, Ấn Độ có khoảng 800 triệu người sống ở mức 2 USD hoặc thấp hơn mỗi ngày. Thực tế này đặt ra những quan ngại, đặc biệt kể từ khi rất nhiều tài sản giàu có xuất phát từ các ngành công nghiệp liên quan chặt chẽ tới tham nhũng, hay việc cấp giấy phép của chính phủ.

Giờ đây, nhiều nhà phân tích cho rằng, các vụ bê bối nói trên sẽ là phép thử lớn với sự quản lý của Ấn Độ, và để đo lường việc hệ thống có thể có những biện pháp trừng phạt thế nào với hành động sai phạm.

Khi toàn bộ cấu trúc chính phủ cho thấy những người nhận hối lộ không bị trừng phạt thì tất cả mọi người sẽ cố gắng làm điều đó”, Raghuram G.Rajan, giáo sư tài chính tại Đại học Chicago nhấn mạnh.

  • Thái An (Theo Nytimes)