Cố vấn an ninh quốc gia mới của Ấn Độ tuyên bố, sau cuộc đụng độ căng thẳng giữa quân đội hai nước ở vùng biên giới tranh chấp hồi tháng trước, Ấn Độ muốn giải quyết tranh chấp biên giới với TQ nhưng không thỏa hiệp về lãnh thổ.
Lính TQ và Ấn Độ ở biên giới. Ảnh: CNA |
Hàng trăm lính TQ bị cáo buộc đã xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ ngay trước chuyến thăm chính thức của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tới quốc gia Nam Á. Về sau, lính TQ cũng rút lui nhưng căng thẳng vẫn tồn tại. Tuần trước, TQ đã bày tỏ lo ngại trước việc Ấn Độ lên kế hoạch xây dựng quốc lộ dọc biên giới.
"Chúng tôi coi TQ là một láng giềng rất quan trọng", ông Ajit Doval nói tại một hội nghị an ninh quốc tế ở New Delhi hôm qua. "Nhưng trong khi muốn tận dụng mọi cơ hội để phát triển mối quan hệ thì chúng tôi sẽ không bao giờ có bất kỳ thỏa hiệp nào mà phải đánh đổi an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của mình".
Ấn Độ và TQ đã có cuộc chiến tranh biên giới chớp nhoáng năm 1962. Vấn đề biên giới giữa hai nước vẫn chưa được giải quyết. Hai bên thường xuyên cáo buộc lẫn nhau về việc xâm nhập vào lãnh thổ bên kia.
Ông Doval, người mới được chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi bổ nhiệm, cho rằng, hai bên nên "ngồi lại cùng nhau và giải quyết tranh chấp biên giới một cách thân thiện và càng sớm càng tốt".
Thủ tướng mới của Ấn Độ, ông Narendra Modi được cho là người sẽ có lập trường cứng rắn hơn trong tranh chấp lãnh thổ với người láng giềng. Sau khi lên nắm quyền, ông đã nhanh chóng bổ nhiệm một cựu chỉ huy quân đội làm Bộ trưởng khu vực biên giới đông bắc nhằm tăng tốc phát triển cho vùng này.
New Delhi cũng đã bắt tay vào chương trình cải tổ cơ sở hạ tầng bang Arunachal Pradesh nhằm trợ giúp cho kế hoạch thiết lập một lữ đoàn tác chiến miền núi với 80.000 quân có thể di chuyển dễ dàng dọc theo biên giới Ấn Độ. Bang này được coi là vùng đệm tự nhiên đối phó với bất kỳ sự xâm nhập nào từ phía TQ.
TQ luôn đưa ra các bản đồ khẳng định toàn bộ bang Arunachal Pradesh thuộc lãnh thổ của họ. Bắc Kinh gọi vùng này là Nam Tây Tạng và đang cải tổ mạnh mẽ hệ thống cơ sở hạ tầng gồm đường sá, sân bay, cầu cảng...
Thái An (theo CNA)