Washington tuyên bố "rất lấy làm tiếc" về việc Ấn Độ trục xuất một quan chức sứ quán Mỹ ở New Delhi vì tranh cãi ngoại giao giữa hai bên song khẳng định sẽ nỗ lực hàn gắn rạn nứt.

TIN BÀI KHÁC:

{keywords}

Devyani Khobragade về đến Delhi.

Căng thẳng giữa Washington và Delhi tăng cao kể từ ngày 12/12, khi Phó Tổng lãnh sự Ấn Độ Devyani Khobragade bị bắt ở New York vì bị cáo buộc gian lận thị thực và khai sai sự thật về trả lương cho giúp việc.

Trước đó trong ngày 10/1, trong một hành động cũng mang tính trả đũa, Ấn Độ đã yêu cầu Mỹ rút về một quan chức sứ quán nước này, ngay khi cãi vã giữa hai bên có vẻ đã dịu bớt.

"Chúng tôi rất lấy làm tiếc việc chính phủ Ấn Độ cảm thấy cần phải trục xuất một trong các nhân viên ngoại giao của chúng tôi", phát ngôn viên Jen Psaki của Bộ Ngoại giao Mỹ nói. Bà cũng xác nhận người này sẽ rời vị trí của mình theo yêu cầu của Delhi.

"Chúng tôi hy vọng thúc đẩy mối quan hệ của chúng tôi. Chúng tôi muốn vượt qua giai đoạn thử thách này và chúng tôi hy vọng họ sẽ là một đối tác trong việc đó", bà Jen bày tỏ thêm.

Khobragade, 39 tuổi, đã bị kết tội tại một tòa án New York hôm 9/1 song được Washington miễn trừ và yêu cầu về nước. Nữ quan chức ngoại giao này đã về New Delhi ngay hôm sau đó.

Phát ngôn viên Psaki cho biết, các tội danh vẫn có hiệu lực và Khobragade hết quyền miễn trừ ngoại giao ngay khi trở về Ấn Độ. Bà này sẽ không được phép trở lại Mỹ và tên bà vẫn có trong danh sách giám sát nhập cư và thị thực của nước này nhằm "ngăn chặn việc cấp thị thực trong tương lai".

Luật sư Dan Arshack, đại diện cho Khobragade, cho biết nhà ngoại giao này vui khi trở về Ấn Độ. "Đầu bà ấy ngẩng cao. Bà ấy biết mình không làm gì sai và nhìn thẳng về phía trước để đảm bảo sự thật được biết đến", ông Arshack cho hay.

Phát biểu với các phóng viên tại sân bay quốc tế Indira Gandhi ở New Delhi, cha của Khobragade, Uttam Khobragade, bày tỏ: "Con tôi đã trở về và rất thoải mái, vui vẻ. Chúng tôi tràn ngập trong sự ủng hộ của cả nước".

Nhà ngoại giao Mỹ bị phía Ấn Độ trục xuất "ngang hàng" với Khobragade.

Ấn Độ và Mỹ đã coi như các đối tác chiến lược. Tuy nhiên, các diễn biến vài tuần trở lại đây ảnh hưởng lớn đến những gì Tổng thống Barack Obama từng mô tả là "một trong những mối quan hệ đối tác định hình của thế kỷ 21".

Ấn Độ cũng đã dỡ bỏ các hàng rào an ninh quanh sứ quán Mỹ ở New Delhi, yêu cầu được biết các chi tiết hợp đồng đối với các nhân viên mà giới ngoại giao Mỹ nơi đây thuê làm việc, thậm chí dừng việc cho phái bộ ngoại giao này nhập rượu miễn thuế.

Trong thời gian qua, Mỹ đã đầu tư mạnh tay vào việc cải thiện quan hệ với Ấn Độ, nước vốn được Washington xem như một đồng minh then chốt trong "trục" xoay tới châu Á của mình. Trong khi đó, Delhi hưởng lợi từ việc được Mỹ ủng hộ tiếp cận khoa học năng lượng hạt nhân nước ngoài và Washington trở thành một nhà cung cấp vũ khí quan trọng, đồng thời là thị trường lớn cho phần mềm cũng như các dịch vụ IT của quốc gia châu Á.

Thanh Hảo (Theo BBC, NST)