Vấn đề an ninh và bảo vệ tự do hàng hải là tâm điểm bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ AK Antony ở hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á ở Singapore.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ AK Antony. Ảnh: Daylife

Trước thực tế Trung Quốc không ngừng gia tăng chi tiêu quốc phòng, ông Antony cho biết, nước ông lo ngại điều này. Chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã tăng 11,2% năm nay đạt 106 tỉ USD.

Phát biểu ở hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á - Đối thoại Shangri-La - tại Singapore, ông Antony nói: “Mặc dù chúng tôi không tin có một cuộc chạy đua vũ trang, kể từ khi Trung Quốc gia tăng các khả năng quân sự của họ và chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng. Chúng tôi cũng có cách riêng của mình, để bảo vệ lợi ích quốc gia, chúng tôi cũng đang tăng cường mọi khả năng ở khu vực biên giới”.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cho rằng, mặc dù có những lo ngại, nhưng hai nước vẫn đang làm việc hướng tới hòa bình và ổn định không chỉ ở châu Á mà còn trên thế giới.

Ông viện dẫn sự hợp tác đang phát triển giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong chống cướp biển và các vấn đề an ninh hàng hải, đồng thời lạc quan rằng, hợp tác ấy sẽ được thúc đẩy trong thời gian tới.

Bộ trưởng Antony khẳng định, các vấn đề tranh cãi liên quan tới hàng hải “chỉ nên được giải quyết thông qua tiến trình đối thoại, xây dựng sự đồng thuận với khuôn khổ các nguyên tắc được luật pháp quốc tế công nhận”.

Ông Antony nói, cộng đồng quốc tế phải “duy trì sự nhạy cảm về các vấn đề của những nước nhỏ và đảm bảo quyền của họ bình đẳng như các thành viên trong cộng động toàn cầu, không bị bỏ quên hay tổn hại”. Theo ông, tinh thần hợp tác quốc tế thể hiện ở những biện pháp chống cướp biển có thể được mở rộng “với những vấn đề tranh cãi hàng hải”.

Ông khẳng định, khác với các thế kỷ trước, quyền tự do hàng hải không thể là đặc quyền của số ít.  "Phần lớn các vùng biển chung không thể là tồn tại tuyên bố đặc quyền của bất kỳ quốc gia hay một nhóm nước nào. Chúng ta phải tìm sự cân bằng giữa quyền lợi của các nước và tự do của cộng đồng thế giới trong lĩnh vực hàng hải. Giống như tự do cá nhân, quyền tự do hàng hải toàn diện có thể được thực hiện chỉ khi tất cả các nước lớn hay nhỏ sẵn sàng tuân thủ các luật pháp và nguyên tắc được thống nhất chung”.

Bình luận về vấn đề Biển Đông, ông Antony nói, Ấn Độ hoan nghênh nỗ lực của các bên liên quan trong việc tham gia thảo luận.  "New Delhi cũng hoan nghênh sự đồng thuận về các chỉ dẫn nhằm thực thi Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông 2002. Chúng tôi hy vọng rằng, vấn đề sẽ được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán”, ông nói.

Thái An (theo zeenews)