- Đái dầm là căn bệnh xảy ra ở nhiều người, đặc biệt là trẻ em. Có rất nhiều món ăn có lợi cho đường tiết niệu, cho tâm lý, xả stress và có tác dụng rất tốt trong điều trị cũng như phòng ngừa bệnh đái dầm ở trẻ nhỏ và người trưởng thành.
Hãy tham khảo một vài món ăn dưới đây cho thực đơn hàng ngày của con bạn, vợ bạn, chồng bạn, thậm chí là cho chính bạn nhé.
Tim lợn hầm tua sen
Tim lợn bổ đôi, làm sạch gân trắng, nhồi tua sen. Lấy 10-20g hạt sen, khiếm thực, táo đỏ; cho gừng hành tiêu gia vị vừa đủ nhồi vào tim lợn khâu lại, ninh nhừ. Món này có tác dụng kiện tỳ dưỡng tâm ích thận, trị trẻ tiểu dầm, người do hậu thiên bị hư, hư hỏa bốc lên gây bứt rứt khó ngủ.
Chè hạt sen đậu đen
Hạt sen, đậu đen, táo đỏ, đường cát, vỏ quýt, gia vị vừa đủ nấu chè ăn. Chè hạt sen đậu đen giúp trẻ bớt đái dầm, người lớn bớt tiểu đêm rất hiệu quả.
Củ sen hầm xương dê
Củ sen, xương dê, gừng hành, gia vị vừa đủ hầm ăn. Món này rất tốt cho trẻ bị mơ màng tiểu dầm.
Canh hẹ nấu óc lợn
Óc lợn, rau hẹ, đậu phụ, gừng, hành gia vị vừa đủ cho vào hầm chín. Món này ngon bổ, tác dụng ôn thận kiện tỳ dưỡng tâm, rất thích hợp trẻ em tâm thận yếu hay mộng du hoặc mơ đái dầm.
Súp cà rốt dạ dày lợn
Cho khoai tây, cà rốt, dạ dày lợn, gừng, hành và gia vị vào nấu chín. Món này chữa chứng tiên thiên hậu thiên hư, hay mơ tiểu dầm ăn kém.
Nộm thịt vịt
Nguyên liệu gồm: Thịt vịt luộc chín, ngó sen, cà rốt, bắp cải thái lát nhỏ, dài cộng với lạc rang. Trộn đều hỗn hợp này ta được một món nộm. Món này trị chứng mơ màng đái dầm rất tốt.
Cháo bàng quang lợn, phúc bồn tử và bạch quả
Dùng 100g bàng quang lợn + 5g bạch quả + 10g phúc bồn tử. Thái 100g bàng quang lợn thành từng miếng nhỏ, bạch quả 5g bóc bỏ vỏ ngoài sau đó rang chín, phúc bồn tử 10g. Dùng vải màn khô bọc bạch quả và phúc bồn tử lại với nhau rồi ninh lấy nước để nấu canh cùng bàng quang lợn.
Long nhãn hoặc vải khô
Dùng 5-10 quả long nhãn hoặc vải khô. Cho trẻ ăn mỗi ngày vào buổi sáng khi bụng đói. Dùng cho những trẻ có tứ chi lạnh, sắc mặt tái xanh, tiểu trong nhiều lần.
Ngoài các món ăn trên, hằng ngày nên cho trẻ ăn các thực phẩm như hoa thiên lý, rau nhút, rau hẹ, đậu đen, củ kiệu, hoa bí, ngọn bầu, mộc nhĩ, nấm hương...; trái cây như táo, nhãn, dâu tây, nho, na, sầu riêng...; tim lợn, bò, dê, cá bống, cá chép, cá trắm, cá mè, cá rô, cá lóc...; đậu đỏ, đậu ván, đậu rồng... đều là vị thuốc bổ thận, kiện tỳ dưỡng tâm rất thích hợp cho người mắc bệnh đái dầm.
Tránh ăn các thực phẩm tính mát lợi tiểu như: cà, măng, rau diếp cá, actisô, khổ qua, lô hội, rau càng cua...; trái cây như khế, dứa, xoài, me, bưởi, cam, chanh. Các loại trái cây rau củ có vị chua quá, đắng quá, mát quá hại đến dương khí đều nên kiêng để tránh bị đái dầm.
Thái Thị Hậu