Mới đây, tại Hội nghị phát triển gia súc ăn cỏ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, nhu cầu tiêu dùng trong nước về sản phẩm của gia súc ăn cỏ đang ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng cũng tạo ra cơ hội cho ngành gia súc ăn cỏ phát triển.

Theo Bộ trưởng Cường, ngành chăn nuôi của nước ta hiện nay phải tái cơ cấu lại do tỷ trọng lợn đang lớn, gây mất cân đối, trong khi đại gia súc mới chỉ chiếm khoảng 7%.

So với thế giới, sản lượng tiêu thụ sữa và thịt đỏ của Việt Nam rất thấp. Cụ thể, người Việt tiêu thụ bình quân 3kg thịt bò và 20 lít sữa/người/năm, trong khi thế giới là 9kg thịt bò và 80 lít sữa/người/năm.

Bộ trưởng NN-PTNT nhận định, chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ, trong đó có bò sữa đang là lợi thế rất lớn để tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Đặc biệt, biến đổi khí hậu ngày một khốc liệt theo hướng hạn hán nên tương lai không thể đủ nước để duy trì 3,8 triệu ha đất lúa và 1,5 triệu ha ngô; song lại tạo điều kiện thuận lợi để phát triển cánh đồng cỏ. Đây sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào để chăn nuôi bò, đặc biệt là bò sữa, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

{keywords}
Đàn bò sữa của Việt Nam hiện có gần 300 ngàn con

Trao đổi với báo chí về đàn bò sữa của Việt Nam, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho hay, tính đến 10/2018, số lượng bò sữa của Việt Nam đạt 294,38 ngàn con, phân bố đều khắp cả nước.

Với tổng đàn bò sữa trên, theo số liệu ngày 1/10/2018 của Tổng cục Thống kê, tổng sản lượng sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước đạt 936 ngàn tấn.

Đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 405.000 con bò sữa, cho sản lượng gần 1,2 triệu tấn sữa tươi/năm. Việt Nam cũng là quốc gia sở hữu hệ thống trang trại bò sữa chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) lớn nhất châu Á.

Thực tế, những năm gần đây, các doanh nghiệp đang tích cực mở rộng quy mô đàn bò sữa của mình để chủ động nguồn nguyên liệu sữa tươi.

Sau một thời gian dài nỗ lực mở rộng quy mô đàn bò sữa, tính đến tháng 4/2019, tổng số lượng bò sữa cung cấp sữa cho Vinamilk đạt xấp xỉ 130.000 con. Trong đó bao gồm cả số lượng bò sữa tại 12 trang trại của và số lượng bò sữa của hơn 6.000 hộ nông dân đang hợp đồng bán sữa cho Vinamilk, dưới sự giám sát về quy trình, kĩ thuật chăn nuôi và chất lượng sữa theo các quy chuẩn của doanh nghiệp này.  Với nguồn bò này, sản lượng sữa thu được tương đường khoảng 5,5 triệu hộp sữa tươi/ngày (dung tích hộp 180ml),...

Tương tự, theo công bố trên website ngày 15/10/2018, TH true Milk thông tin có tổng đàn bò sữa nuôi tập trung là 45 ngàn con, 22 ngàn con đang cho sữa. Các trang trại của DN này áp dụng các tiêu chuẩn và quy cách chuồng trại chăn nuôi tiên tiến trên thế giới.

Một tên tuổi lâu đời khác là Mộc Châu, có tổng đàn bò 25.000 con (gồm cả bò sữa liên kết với gần 600 hộ dân dưới sự giám sát chặt chẽ về quy trình chăn nuôi cũng như chất lượng của doanh nghiệp), sản lượng sữa mỗi ngày của Mộc Châu Milk đạt 250 tấn.

Ngoài nỗ lực phát triển đàn bò sữa, các doanh nghiệp trong ngành cũng tích cực đẩy mạnh mảng sữa sạch và sữa organic. Đơn cử, tại Nghệ An, TH Truemilk đã "trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung, ứng dụng công nghệ cao có quy mô lớn nhất châu Á". Còn Vinamilk, với vị thế là doanh nghiệp sữa lớn nhất cả nước có 10 trang trại trải dài từ Bắc vào Nam, đặc biệt là trang trại tại Đà Lạt, được công nhận "trang trại bò sữa organic chuẩn châu Âu đầu tiên tại Việt Nam". Trước đó, trang trại bò sữa của Vinamilk tại tỉnh Nghệ An cũng được trao  chứng nhận GlobalGAP và là 1 trong 3 trang trại đạt chuẩn GlobalGAP của châu Á tại thời điểm khánh thành năm 2014.

Trong khi đó, sau một thời gian dài bền bỉ làm sữa tươi sạch, mới đây Mộc Châu Milk cũng tiết lộ kế hoạch sắp tới sẽ xây dựng trang trại bò hữu cơ nhằm phù hợp với xu hướng của thị trường.

Theo các chuyên gia trong ngành, các doanh nghiệp sữa không ngừng đầu tư, nâng cấp thiết bị, nhập máy móc tự động hóa, áp dụng công nghệ tiên tiến của các hãng có uy tín lớn trên thế giới trong khâu chế biến. Các doanh nghiệp đã liên kết với các viện nghiên cứu về dinh dưỡng trong và ngoài nước để tạo ra sản phẩm đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Hà Giang