Báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương cũng cho thấy, chỉ riêng hai năm 2020 - 2021 đại dịch Covid-19 đã làm Việt Nam thiệt hại hơn 500.000 tỷ đồng. Các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa Aan ninh phi truyền thống hiện hữu ngày càng rõ nét hơn và tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực từ kinh tế, xã hội, văn hóa đến quốc phòng, an ninh. Biểu hiện rõ ràng nhất của an ninh phi truyền thống trong thời gian vừa qua là những hậu quả do "Đại dịch Covid-19" đem lại. an ninh phi truyền thống tại các khu công nghiệp trong thời gian chống dịch Covid-19 và phục hồi sau dịch là vấn đề rất nóng, cũng thể hiện phần nào một khía cạnh của an ninh phi truyền thống trong tình hình hiện nay.

Các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống ở Việt Nam đang có những biến đổi theo chiều hướng bất lợi hơn đối với cuộc sống con người, thách thức sự phát triển bền vững của đất nước.

An ninh và phát triển bền vững luôn gắn chặt với nhau

Tại tọa đàm "An ninh phi truyền thống và thách thức đặt ra" vừa được tổ chức hôm 18/10, dưới lăng kính của một nhà Khoa học An ninh, Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận về an ninh phi truyền thống như sau: 

Trong xã hội, hai vấn đề là an ninh và phát triển bền vững luôn gắn chặt với nhau. Với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, đều có quan niệm về an ninh riêng của mình.

Đối với Việt Nam, Luật An ninh quốc gia 2004 đã quy định an ninh quốc gia là sự phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và theo quan điểm hiện nay, chúng ta gọi đây là vấn đề an ninh truyền thống.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, có nhiều rất nhiều vấn đề chúng ta gọi là an ninh phi truyền thống, tác động bằng các mối đe dọa phi quân sự, làm cho một đất nước hoặc một quốc gia, thậm chí một khu vực của thế giới không an toàn, không vững bền.

Những vấn đề thuộc về an ninh phi truyền thống như thế thực chất làm mất ổn định của xã hội hoặc quốc gia từ những mối đe dọa phi quân sự, ví dụ như an ninh kinh tế, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh mạng hoặc là an ninh năng lượng, an ninh lương thực, v.v…

Chúng ta có thể nhận diện ngoài những vấn đề xác định là an ninh truyền thống là an ninh quân sự, an ninh chính trị thì tất cả những mối đe dọa, những vấn đề làm cho nền kinh tế phát triển không bền vững, môi trường sống xã hội không an toàn, rồi vấn đề lương thực không được đảm bảo, du lịch không được phát triển tốt để phục vụ cho người dân…, theo Luật An ninh quốc gia 2004, chúng ta đều gọi đó là phạm trù an ninh phi truyền thống. Như vậy, có thể nói vấn đề an ninh phi truyền thống rất rộng trong cuộc sống xã hội hiện đại ngày nay mà đại dịch COVID-19 vừa qua là một trong những ví dụ điển hình.

Nói về phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, an ninh truyền thống nói chung thì có thể chúng ta xem xét dưới 4 góc độ. Góc độ đầu tiên là phải có hệ thống chính sách pháp luật tương đối tốt, hoàn chỉnh, giúp cho các cơ quan chức năng của Nhà nước có thể kiểm soát được mối đe dọa  này, trong đó có mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Vấn đề thứ hai, đó là Nghị quyết XIII của Đảng nhấn mạnh tăng cường năng cao năng lực về quản trị quốc gia. Trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, có khái niệm quản trị an ninh phi truyền thống, tức là làm thế nào chúng ta kiểm soát tốt được mối đe dọa nhỏ ban đầu để không phát triển thành khủng hoảng, thảm họa. Nói ví dụ điển hình là nếu có một đám cháy, chúng ta phải dập đám cháy ngay từ đầu, không để bùng phát thành những thảm họa cháy lớn. Nếu như chúng ta ngăn ngừa được ngay từ đầu sẽ góp phần ngăn ngừa nó chuyển hóa. Trong khoa học an ninh phi truyền thống, có vấn đề là rất nhiều thế lực thù địch lợi dụng vấn đề an ninh phi truyền thống chuyển hóa thành các vấn đề an ninh truyền thống, vấn đề chính trị. Cho nên chúng ta phải ngăn ngừa ngay từ đầu. Như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay nói là đất nước chúng ta cần an ninh chủ động, phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở.

Còn hai biện pháp quan trọng nữa sau này tôi sẽ có đề xuất sau. Nhưng biện pháp rất quan trọng là chúng ta phải ngăn ngừa ngay từ đầu, ngay từ nhỏ để không phát triển thành vấn đề lớn.

Phải chủ động phòng ngừa, ứng phó 

Để giải quyết vấn đề an ninh phi truyền thống, quản trị an ninh phi truyền thống, cũng giống như giải quyết mối đe dọa về an ninh truyền thống, giải quyết mối đe dọa an ninh phi truyền thống cũng có rất nhiều biện pháp. Vấn đề đầu tiên là chúng ta phải có đầy đủ và càng ngày càng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước… để chúng ta phòng ngừa ứng phó trong lĩnh vực này.

Vấn đề thứ hai là như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII có nêu, phải tăng cường ứng phó trong vấn đề này; hay nói theo ngôn ngữ hiện đại là tăng cường quản trị quốc gia, quản trị an ninh phi truyền thống.

Vấn đề thứ ba là phải tăng cường đào tạo nguồn nhân lực. Chúng ta phải có nguồn nhân lực tốt. Trong những năm vừa rồi, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như Trường Quản trị kinh doanh, Viện An ninh phi truyền thống của chúng tôi đã phối hợp với nhiều tỉnh ủy tổ chức tập huấn những kỹ năng, kiến thức về quản trị an ninh phi truyền thống cho đội ngũ cán bộ cốt cán. Ví dụ như Tỉnh ủy Quảng Ninh, Tỉnh ủy Sơn La, Tỉnh ủy Lạng Sơn; tới đây chúng tôi sẽ phối hợp với Tỉnh ủy Đồng Nai, Tỉnh ủy Khánh Hòa và Tỉnh ủy An Giang và nhiều địa phương khác.

Tập huấn này nói về những kỹ năng, những vấn đề chung của an ninh phi truyền thống, đặc biệt là những vấn đề an ninh phi truyền thống nổi lên của địa phương, để giúp đội ngũ cán bộ lãnh đạo cốt cán của tỉnh từ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho đến Bí thư huyện, Chủ tịch huyện, Giám đốc các sở, ban, ngành hiểu về những lĩnh vực này.

Ở đây chúng ta phải nói trong giáo dục quốc phòng an ninh của chúng ta hiện nay hầu như chưa nói về vấn đề an ninh phi truyền thống, những vấn đề mới như thế này. Chúng tôi có khuyến nghị rất mong Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Chính phủ có ý kiến chỉ đạo cho các bộ, ngành, cơ quan chức năng đưa chương trình tập huấn về quản trị an ninh phi truyền thống thành chương trình bắt buộc trong giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục khác cho các cơ quan Đảng, chính quyền, địa phương.

Một vấn đề nữa là phải đầu tư nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này. Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ ban hành một chiến lược về phát triển, sáng tạo của đất nước cũng đề cập về vấn đề này. Có thể nói, ở nước ta,  nghiên cứu khoa học về an ninh phi truyền thống và quản trị an ninh phi truyền thống có từ lâu rồi.

Tôi nhớ từ đồng chí Thủ tướng Phạm Minh Chính hiện nay cho đến Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và một số đồng chí đã đầu tư nghiên cứu từ cách đây 5-7 năm. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, mới chỉ có 3 đề tài khoa học cấp Nhà nước nghiên cứu vấn đề chung, mang tính quan điểm chung của Đảng, Nhà nước về an ninh phi truyền thống. Chúng ta rất thiếu nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực, ví dụ như an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh môi trường.

Chúng tôi tính có khoảng 20 vấn đề an ninh phi truyền thống rất cần nghiên cứu chuyên sâu ở Việt Nam. Những nghiên cứu này có thể sẽ huy động cho các ngành, các cấp, các bộ ngành, trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội cũng là một trong những mũi nhọn đi tiên phong. Ngoài ra chúng ta phải tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Xuân Quý, Thục Anh, Hoàng Hiệp