- Viện trưởng VKSND tỉnh Yên Bái nhận định: người oan sai trong vụ án “tham nhũng tài sản XHCN” 30 năm trước có cơ sở để được nhận đền bù do oan sai theo Nghị quyết 388.

Đủ cơ sở để bồi thường

Trao đổi với VietNamNet sáng ngày 2/12, ông Lương Văn Thức – Viện trưởng VKSND tỉnh Yên Bái cho biết: trường hợp oan sai của ông Đặng Thuật có cơ sở để được bồi thường theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo ông Thức: Bản án Giám đốc thẩm của TAND TC ngày 10/8/1989 đã tuyên ông Đặng Thuật không phạm tội tham ô tài sản XHCN. Ông Thuật chỉ bị xử lý về hành chính đối với 200 viên gạch lát mà ông Thuật tự ý lấy thêm ngoài phiếu xuất và 6 tấm kính xây dựng.

{keywords}
Viện trưởng VKSND tỉnh Yên Bái, Lương Văn Thức: "trường hợp oan sai của ông Đặng Thuật có đủ cơ sở để được nhận bồi thường".

Như thế, những hình thức kỷ luật (khai trừ Đảng, tước quyền công dân; không bố trí công tác trong thời gian 15 năm… mà chỉ giải quyết cho ông Thuật về hưu) do Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn áp dụng đối với ông Thuật đã ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, công việc, cuộc sống của cá nhân ông Đặng Thuật và hệ lụy đến cả gia đình của ông.

Những oan sai này cần phải được bồi thường cho cá nhân ông theo tinh thần của Nghị quyết 388.

Về cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường cho oan sai của ông Thuật, theo Viện trưởng VKSND tỉnh Yên Bái: “Cấp xét xử cuối cùng nào đưa ra kết tội oan sai cho người bị oan sẽ là cơ quan có trách nhiệm bồi thường bằng vật chất cho người bị oan”.

Cụ thể ở đây, theo ông Thức: Tòa phúc thẩm tuyên y án ông Đặng Thuật tội tham ô tài sản XHCN sẽ là cơ quan phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Trong vụ việc này, VKS không liên quan và không có trách nhiệm trong bồi thường oan sai cho ông Thức.

Trước đó, ngày 20/6/2008, VKSND TC đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng VKSND TC tại cuộc họp giao ban đối với VKSND tỉnh Yên Bái về vụ việc oan sai của ông Đặng Thuật; giao Vụ 1 theo dõi giải quyết.

Ngày 03/7/2008, VKSND tỉnh Yên Bái đã có báo cáo 910/BC gửi VKSND TC, khẳng định ông Đặng Thuật bị kết tội oan là có thật, và đã được TAND TC tuyên không phạm tội danh này, chỉ bị xử lý hành chính.

Ngay sau báo cáo này, VKSND TC tiếp tục có văn bản ngày 19/7/2008 chỉ đạo VKSND tỉnh Yên Bái hướng dẫn ông Đặng Thuật các thủ tục để được bồi thường oan sai theo nghị quyết 388.

“Hiện tại, ông Thuật đã mất, vợ con của ông có quyền đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được giải quyết bồi thường cho chồng/cha mình. VKS tỉnh Yên Bái sẽ hướng dẫn về thủ tục nếu gia đình có yêu cầu” – Viện trưởng VKSND tỉnh Yên Bái nói.

15 năm… lơ lửng

Những hình thức kỷ luật áp dụng đối với 4 lãnh đạo của Ban Tài chính quản trị tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn do liên quan đền vụ việc “tham ô tài sản XHCN” được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định đã khiến những người này rơi vào tình cảnh lao đao trong một thời gian dài.

Sau phiên tòa sơ thẩm, ngày 01/4/1985, Ban thường vụ tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn ra quyết định giải tán Ban Tài chính, giải tán chi bộ; giao cho Chánh văn phòng Tỉnh ủy trực tiếp quản lý ngân sách Đảng về các cơ sở vật chất của Ban đang sử dụng không cần bàn giao, đồng thời giao cho các cơ quan văn phòng Tỉnh ủy ra QĐ buộc thôi việc ông Nguyễn Ngọc Lân, Đặng Giang Đông, trả về địa phương nơi đang cư trú.

{keywords}

Bà quả phụ Đỗ Thị Lợi mỗi lần nhắc đến chuyện của chồng đều không kìm được nước mắt.

Ông Đặng Thuật, Phùng Bích không được điều động, phân công công tác, 15 năm “lửng lơ” không lương, không được sinh hoạt Đảng, không thuộc biên chế nhân sự, không do đơn vị nào quản lý, kể cả khi bản án Giám đốc thẩm tuyên không có tội.

Đến tháng 12/1996, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái (lúc này tỉnh Hoàng Liên Sơn cũ đã tách tỉnh) ra quyết định cho ông Đặng Thuật nghỉ hưu theo chế độ bảo hiểm mới, mức lương 493 đồng, hưởng 75% bảo hiểm xã hội (trong khi đó, mức lương tối thiểu ở thời điểm năm 1996 là 210.000 đồng; năm 1997 là 450.000 đồng).

Trong số 4 nguyên lãnh đạo của Ban tài chính bị truy tố về tội tham ô tài sản XHCN, ông Đặng Thuật là người duy nhất kiên trì đấu tranh 20 năm đòi công lý cho mình. Sự kiên trì của ông đã khiến ông trở thành “gương mặt quen thuộc” với các cơ quan công quyền ở Yên Bái, khi mỗi lần ông mang đơn, thư kêu oan gửi đến.

Ông cũng là người đầu tiên trong 4 người, đã qua đời khi bản án minh oan cho mình chưa được thi hành án.

Bà quả phụ Đỗ Thị Lợi, nhắc đến nỗi oan khiên của người chồng quá cố, lần nào cũng không kìm được dòng nước mắt.

“Khi trút hơi thở cuối cùng, điều mà ông ấy dặn dò ở lại, đó là nỗi day dứt mà ông ấy mang theo sang bên kia thế giới, day dứt với tâm nguyện được minh oan bằng việc thực thi bản án công khai, lúc đó ông ấy mới được ngậm cười…

Điều gia đình tôi mong mỏi, đó là tâm nguyện của ông ấy được thực hiện. Chúng tôi không phải đặt mục tiêu đòi tiền đền bù, mà quan trọng, nó là hiện hữu của danh dự và công lý đối với cả gia đình” - bà nói.

Kiên Trung