Chuyên gia cao cấp Kozuma Yosei (Nhật Bản) sẽ làm việc tại Việt Nam để xác định niên đại của hiện vật ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long.
Từ ngày 6 - 8/10, theo lời mời của Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, chuyên gia cao cấp Kozuma Yosei (Nhật Bản) sẽ làm việc tại Việt Nam để xác định niên đại của hiện vật ấn gỗ Sắc mệnh chi bảo (ảnh) phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long. Đây là chiếc ấn gây tranh luận gay gắt thời gian qua giữa các nhà nghiên cứu Hán - Nôm.
Ấn "Sắc mệnh chi bảo" được tìm thấy tại khu Vườn Hồng trong đợt khảo cổ 2012- 2014 (ảnh tư liệu) |
Ông Kozuma Yosei hiện là Trưởng phòng Khoa học bảo tồn phục chế - Trung tâm di sản văn hóa trong lòng đất thuộc Viện Nghiên cứu di sản văn hóa quốc gia Nara.
Ông đã tốt nghiệp tiến sĩ Khoa Nghiên cứu nông học - Đại học Kyoto (1991). Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu: Nghiên cứu phương pháp xử lý, bảo tồn di vật hữu cơ, phương pháp khảo sát không làm hư hại các tư liệu khảo cổ.
Trước đó, trong đợt khai quật năm 2012 – 2014, các nhà khảo cổ đã tìm thấy ấn gỗ "Sắc mệnh chi bảo" tại khu vực Vườn hồng (hố khai quật G18, khu G). Ấn gỗ này được tìm thấy trong tầng văn hóa rất nguyên vẹn không bị xáo trộn của thời Trần (thế kỷ 13 – 14) cùng với một số hiện vật thời Trần tiêu biểu khác.
Ấn gỗ "Sắc mệnh chi bảo" ngay sau đó được các nhà khoa học quan tâm bởi tính độc đáo của nó. Từ tháng 10/2014 đến tháng 12/2015, ấn gỗ "Sắc mệnh chi bảo" được nghiên cứu chỉnh lý sơ bộ và trưng bày tại nhà N26 – Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, cùng hơn 150 hiện vật tiêu biểu khác tìm thấy tại khu vực 18 Hoàng Diệu, vườn Hồng khu vực Kính Thiên – Đoan Môn.
Cuộc tranh luận lớn diễn ra sau đó giữa các nhà khoa học nhằm mục đích khẳng định giá trị, niên đại của ấn gỗ để từ đó đưa ra phương án phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long. Phần lớn ý kiến bước đầu cho rằng chiếc ấn thuộc thời Trần, có thể được đóng trên sắc dụ của vua. Các nhà khoa học cũng cho rằng, trước mắt Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long cần bảo quản ấn “Sắc mệnh chi bảo” cẩn thận, tiếp tục nghiên cứu, làm rõ niên đại cũng như công dụng, giá trị chiếc ấn.
T.Lê