Hệ thống cán bộ chính quyền cơ sở là cánh tay nối dài của bộ máy chính quyền quốc gia. Và hệ thống pháp luật là nền tảng pháp luật một quốc gia. Cả hai hệ thống này giúp cho xã hội phát triển ổn định, lành mạnh, nhưng cả hai lại đều đang báo... lỗi?

Rất ngẫu nhiên, vào chiều ngày 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bàn về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), thì trước đó, chiều ngày 11/9, một vụ án mạng xảy ra tại Thái Bình. Đó là việc Đặng Ngọc Viết, sinh năm 1971, xông vào Trung tâm phát triển quỹ đất của tỉnh này, xả súng bắn 05 cán bộ thuộc TT, khiến 01 người chết và 04 người bị thương.

Tiếng nổ và giá đất...tù mù?

Đất đai tự ngàn xưa, với nhân loại, bao giờ cũng là tâm điểm của mọi cuộc chiến, mọi bi kịch. Từ số phận mỗi quốc gia cho đến mỗi cộng đồng, dòng họ, gia đình, cá nhân. Con người được đất nuôi dưỡng, lớn lên, hạnh phúc hay bất hạnh, khi chết đi lại trở về với đất.

Không phải không có lý, khi nàng Scarlett O'Hara xinh đẹp trong tiểu thuyết nổi tiếng Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell, giữa thời cuộc chiến tranh, loạn lạc ly tán, khi cuộc hôn nhân với Rhett Butler bị tan vỡ, nàng vẫn không tuyệt vọng, trở về với ấp Tara ngập nắng, mảnh đất từng nuôi lớn nàng, và nàng đã thốt lên câu nói của một Scarlett mạnh mẽ và đầy cá tính: Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới!

Nhưng, tiểu thuyết không giống đời thực. Phương Tây không phải phương Đông. Và ĐNV, giữa thời bình, khốn thay, lại rơi vào sự tuyệt vọng đến mức trở thành "hung thủ", như báo chí đã gọi. Sau tất cả, ngày mai với anh ta chỉ là một...nấm mộ, với những nỗi đau khôn cùng của người ruột thịt.

{keywords}

Giá đất vẫn là vấn đề hot nhất của cuộc bàn thảo Luật Đất đai. Ảnh minh họa

Trước đây, liên quan đến chuyện đất đai, là vụ của ĐVV ở Tiên Lãng (Hải Phòng). Và nay... Kết cục bi thảm cho cả "hung thủ" lẫn "nạn nhân" ở vụ này, là chuyện không được đền bù thỏa đáng giá đất- đã được cơ quan chức năng kết luận chính thức về động cơ giết người của ĐNV- nói điều gì?

Hay cả hai vụ việc đều là những "minh họa" bất đắc dĩ, và đắng đót, trước thực trạng thu hồi, đền bù giải tỏa với giá đất... "dưới đất", khiến họ quẫn trí và cạn nghĩ, dẫn đến hành động phạm tội?

Mặt khác, cũng phải thấy Luật Đất đai (sửa đổi), với khẳng định bất biến- đất đai là sở hữu toàn dân- đã qua 03 kỳ họp QH, vẫn chưa được thông qua, đủ biết, nó là vấn đề cực kỳ nhạy cảm, ảnh hưởng đến an sinh, an ninh xã hội thế nào. Nếu biết rằng, tới 70% vụ việc khiếu kiện thuộc lĩnh vực đất đai.

Tại cuộc họp bàn về Luật Đất đai (sửa đổi), theo báo Thanh niên, ngày 13/09, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc đã phải nhận định, việc thu hồi đất rất phức tạp, giá đất còn mù mờ rất khó xác định, dễ khiến người dân nghi ngờ vì lợi ích nhóm. Không phải không có lý, khi trên mạng xã hội, người ta đã đòi giải tán các TT phát triển quỹ đất, bởi mô hình TT này, nửa quản lý thực hiện chính sách, nửa kinh doanh, chạy mánh cò mồi rất tù mù, thiếu minh bạch.

Giá đất, vẫn là vấn đề hot nhất của cuộc bàn thảo Luật Đất đai. Vì nó là lợi ích. Mà đã là lợi ích, thì khổ thay, rất khi người dân được... lợi. Thế nên vị Chủ tịch QH thẳng thừng: Khi thu hồi đất có phải anh định giá xong rồi lấy giá này thu hồi ngay được đâu. Còn quy hoạch, treo dự án... Đến khi đền bù mà lại nói sát giá thị trường trả cho dân là giá nào? Tôi đề nghị phải giải quyết rõ theo một nguyên tắc là sát giá thị trường.

Nhưng "giá thị trường" là giá thế nào? Hay nó cũng đang "tù mù" không kém những vụ việc, mà vì nó, nảy sinh bao khiếu kiện? Vì giá đất còn phụ thuộc vào tính chất đất, mục đích thu hồi, cơ chế phân cấp quản lý từng loại đất khi thu hồi, và vào cách làm có minh bạch hay không?

Theo các nhà quản lý, luật sư, các chuyên gia am hiểu lĩnh vực này, như TS Phạm Sỹ Liêm, Phó CT Tổng hội Xây dựng VN,  Luật sư Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM VN, thì khái niệm xác định giá đất "phù hợp với giá thị trường" là quá chung chung. Vì thực tế, không có tiêu chí để xác định thế nào là giá thị trường.

Điều này dễ dẫn đến việc giải thích và áp dụng tùy tiện, gây khó khăn cho chính quá trình đền bù giải phóng mặt bằng, thiệt hại cho cả nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi. Thực tế những năm qua cho thấy, giá đất luôn biến động theo xu hướng tăng, nên việc quy định giá đất sát với giá thị trường rất khó khả thi.

Vì thế, ý kiến của ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng, nên thay thế việc thu hồi đất bằng cơ chế trưng mua, tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi xóa bỏ tâm lý bị tước đoạt. Bởi nếu là trưng mua thì giá đất trưng mua quyền sử dụng đất cũng khác với giá bồi thường khi thu hồi.

Còn theo GS Đặng Hùng Võ- nguyên Thứ trưởng Bộ TN- MT, việc xác định giá đất giữa doanh nghiệp và người dân nên áp dụng theo nguyên tắc đồng thuận của cộng đồng tối thiểu bằng 2/3 đồng thuận của cư dân trong cộng đồng đó.

Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội thẩm định giá cho rằng trong vấn đề xác định giá, Nhà nước nên giữ vai trò là người xây dựng cơ chế chính sách giá, điều tiết hướng dẫn, thanh-kiểm tra... Việc thực hiện thẩm định giá trên thị trường nên "xã hội hóa" để các công ty thẩm định giá độc lập thực hiện. Như vậy mới phù hợp thông lệ quốc tế, tránh việc Nhà nước vừa đá bóng vừa thổi còi.

{keywords}

Cũng ở góc độ này, Luật sư Vũ Xuân Tiền kiến nghị nên phân cấp quyền định đoạt đất đai (giao, thuê, quyết định) tới chủ tịch huyện. Quyền thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất chỉ giao cho chủ tịch tỉnh nhằm đảm bảo tính pháp lý cao hơn của những quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai, ngăn ngừa sự tái xuất của tầng lớp "lý trưởng, xã trưởng mới"(?), kiêm... "địa chủ" mới. Đây là ý kiến rất đáng quan tâm.

Những lúng túng của việc định giá đất, liên quan đến những bất cập của Luật Đất đai, trả lời báo chí, mới đây, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng QH nhìn nhận khá bản chất:

Ở VN, nói đất đai là sở hữu của toàn dân, nhưng thực chất đã giao cho người dân sử dụng. Khi thu hồi thì đền bù theo sở hữu tư nhân, nhưng nhận thức lại vẫn là sở hữu của Nhà nước. Tức là nó không nhất quán (VOV. VN, ngày 17/09)

Đó cũng chính là những thách thức không nhỏ với Luật Đất đai (sửa đổi). Liệu kỳ họp QH sắp tới, Luật Đất đai có vượt được "vũ môn" để hóa... giải những bức xúc, khiếu kiện lâu nay của người dân?

Lý thuyết luôn đi sau thực tiễn. Nhưng nếu cứ đi cách quá sau thực tiễn như Luật Đất đai lâu nay, thì khi đó, thực tiễn không thể tươi xanh, mà ngược lại, luôn có nhiều "màu xám"- sự bất an của lòng dân, những nhóm lợi ích rình rập xung quanh chuyện đất đai. Và không tránh khỏi những hiện tượng như ĐNV, vì quẫn trí, cạn nghĩ mà chối bỏ cả sự sống?

Tiền trảm- hay sự... thất vọng?

Cũng rất ngẫu nhiên, vụ việc ĐNV còn là minh họa "sinh động" đau xót cho sự nhận định của UB Thường vụ QH vừa họp ngày 17/09, về tình hình an ninh trật tự, phòng chống tội phạm một năm qua trước hàng loạt báo cáo của Toà án, Viện Kiểm sát...

Đó là người dân "tự xử", hoặc 'tiền trảm, hậu tấu" vì mất lòng tin, trước những vụ việc thua thiệt, những rủi ro đe dọa cuộc sống bình an của họ.

Nói cho công bằng, thì ĐNV cũng đã "tiền tấu". Khi anh ta "nhiều lần đem đơn, giấy tờ lên thành phố xin được nhận đất thay cho tiền nhưng không được giải quyết". Rút cục, đường cùng, anh ta... hậu trảm những người anh ta oán hận, và "trảm" cả bản thân mình.

Còn người dân ở hầu hết các địa phương, đô thị, khi phải đối mặt với các vụ việc như ăn cắp, cướp giật, trộm chó, thuê người siết nợ..., phần lớn họ "tiền trảm, hậu tấu". Hệt như những bộ phim Tàu cổ, những nhân vật nghĩa hiệp "thay Trời hành đạo", người dân ở đây đang "thay chính quyền hành đạo". Dù cái đạo đó, là đạo ...phạm luật.

Tỷ như vụ ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), cơ quan chức năng vừa khởi tố 07 người về tội đánh chết 02 "cẩu tặc"- khái niệm dân gian đặt cho những kẻ trộm chó- thì nhận được đơn thú tội có tới gần 800 chữ ký nhận lỗi của người dân. Đúng như nhận xét của ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH Phan Xuân Dũng: Người dân bức xúc mà tự xử lý tội phạm, để rồi chính họ trở thành tội phạm..., dù cấp xã, cấp huyện đều có đủ bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể. Vì sao?

Câu trả lời rất đơn giản: Họ không tin vào chính quyền. Và không tin cả vào (việc thực thi) luật pháp. Nhưng một khi đã không tin vào cả chính quyền lẫn luật pháp, thì sự bất an, bất ổn từ những hành động "vô chính phủ", nói điều gì? Phải chăng, đội ngũ cán bộ chính quyền cơ sở có vấn đề về cả năng lực, phẩm cách. Và luật pháp đã "trơ lỳ, vô cảm" trước tội ác?

Hãy nghe ý kiến của các thành viên trong cuộc họp. Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện: Một bộ phận cán bộ có chức quyền trong các cơ quan quản lý Nhà nước có biểu hiện "bảo kê" để doanh nghiệp, các băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen trên một số lĩnh vực như khai thác tài nguyên khoáng sản, vật liệu xây dựng, vận tải hành khách...

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Sự không nghiêm chỉnh của các cơ quan Nhà nước khiến người dân không muốn tố cáo, đấu tranh nữa vì chẳng có ích gì mà lại nguy hiểm cho mình.

Còn ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc: Phải xử lý nghiêm minh những vụ việc vi phạm, tham nhũng, lấy lại lòng tin của dân. Nếu không, dân sẽ còn tự xử mà tự xử rất công khai. Đấy là chưa kể chống lại người thi hành công vụ. Bản thân lực lượng công an phải đổi mới phương thức hoạt động.

{keywords}

Trộm chó bị người dân đốt xe ở Nghệ An - Ảnh: Hoàng Trang/ Thanh Niên

Chợt nhớ tới trả lời của Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết, với báo Doanh nhân SG cuối tuần (ngày 18/09) về vai trò của luật pháp tại một số quốc gia: Singapore ít có tội phạm ma túy vì luật pháp rất nghiêm, chỉ tàng trữ vài trăm gram heroin là treo cổ. Tổng thống Mỹ, thủ tướng Úc đứng ra xin giảm hình phạt cho công dân nước mình cũng không được.

Còn ở xã hội ta? Phó CN Ủy ban Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền cho biết, báo cáo Chính phủ hiện có hàng chục chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, chi ra cả trăm tỷ, nghìn tỷ. Trong khi đó, tỷ lệ phạm tội năm sau... tăng hơn năm trước (?)

Nhiều trường hợp sau khi phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần thì "tội nhân" lại được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo ông Nguyễn Đình Quyền, đó là dấu hiệu bỏ lọt tội phạm rõ ràng vì có đến 90% các trường hợp được miễn trách nhiệm không đúng theo tinh thần quy định của luật. Vì sao? Vì đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn? Hay lòng thương người của các quan tòa quá lớn?

Điều này lại rất mâu thuẫn với các vụ án mà người phạm tội là nông dân ít được học, hoặc chỉ là nhân viên bình thường. Như vụ xử N.T.T, nguyên kế toán Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam tham ô hơn 04 triệu đồng, mà 05 phiên tòa không xử được dứt điểm. Hay vụ 03 nông dân (Lâm Đồng) ăn cắp 02 con vịt để nhậu, bị tới 13 năm tù. Vì sao, cùng là cán cân Công lý, mà pháp luật xử nhất bên trọng, nhất bên khinh như vậy?

Cũng chả phải tòa án cấp thấp có vấn đề cả chất lượng, lẫn động cơ xét xử, ngay tòa án cấp cao cũng...rứa. Mà ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng, chất lượng xét xử ở tòa giám đốc thẩm có vấn đề. Có vụ 14 năm với 04 vòng tố tụng, lại trở về xuất phát điểm ban đầu, cho thấy bản án sơ thẩm xử là đúng (!)

Hệ thống cán bộ chính quyền cơ sở là cánh tay nối dài của bộ máy chính quyền quốc gia. Và hệ thống pháp luật là nền tảng pháp luật một quốc gia. Cả hai hệ thống này giúp cho xã hội phát triển ổn định, lành mạnh, nhưng cả hai lại đều đang báo... lỗi?

Thế thì nước Việt đi về đâu. Hay đây cũng chính là lúc phải can đảm "tự xử"? Đó là quyết liệt thay đổi tư duy, nhận thức, thay đổi và hoàn thiện cơ chế quản lý đang có quá nhiều khiếm khuyết, lỗ hổng? Mọi sự thay đổi, sàng lọc bao giờ cũng có tổn thất. Nhưng "Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công (Nhật ký trong tù- Nguyễn Ái Quốc). Số phận một cá nhân còn vậy, nữa là số phận một dân tộc...

Chợt nhớ câu hát một thời khốc liệt, khi vận mệnh, sinh tử đất nước mong manh: Nơi hầm tối là nơi sáng nhất. Sự lạc quan và tính triết luận của sự phát triển- vậy chăng?

Kỳ Duyên

Bài cùng tác giả:

Cỗ máy kiếm tiền và chuyện đẻ biệt thự, xe sang

Nhân cách và kiến thức thì chỉ đẻ ra sự...kính trọng. Trong khi địa vị mới đẻ ra bổng lộc, mới đẻ ra rất nhiều thứ- biệt thự, xe hơi, nhà lầu, con cái du học ngoại quốc...

Lương khủng, chất độc khủng và... tha hóa khủng

Những kẻ tham nhũng, nhóm lợi ích chính là "vật cản", là chướng ngại vật to lớn trên hành trình phát triển.

 

.