Sẽ có một số đông đồng ý rằng nên sử dụng Android gốc cho mọi thiết bị, nhưng số khác lại vẫn giữ quan điểm rằng nên giữ lại giao diện tùy biến của nhà sản xuất. Trên thực tế, đây là một vấn đề khá phức tạp.
Android gốc là gì? Chúng đã thay đổi như thế nào?
Trước khi đi sâu vào nó, chúng ta cần xác định chúng là những gì.
Android gốc là một phiên bản mã nguồn mở của hệ điều hành được phát triển bởi Google và là phiên bản Android đơn giản và cơ bản nhất. Chúng không có bất kì ứng dụng thừa thãi hay thiết lập bổ sung nào. Trông nó rất đơn giản, thậm chí đến mức khá tẻ nhạt. Đó là lý do tại sao Google thêm vào một chút tính năng hay tinh chỉnh bổ sung trên dòng smartphone Pixel đỉnh cao của họ.
Android trên Pixel 3a XL
Trên Bphone 3
Android trên Nokia 1 Plus
Android trên Nokia 7.1
Android trên Moto G7 Play
Nhiều người thường nghĩ dòng Pixel và Nexus của Google trước đây đều sử dụng Android gốc, thế nhưng Google đã thực sự tách Android ra từ dự án mã nguồn mở từ nhiều năm trước. Google đã thay thế một số ứng dụng gốc, đưa launcher riêng của mình vào và bỏ qua những thứ như hỗ trợ thẻ microSD. Dù vậy, Android trên Pixel của Google lại trông gần tương tự như phiên bản gốc hơn so với giao diện của Samsung và đó đã dần trở thành một thứ hiển nhiên khi chúng ta nói về Android gốc.
Hệ điều hành di động Android đã bước sang thập kỉ thứ 2 và có nhiều bước tiến vượt bậc. Google đã từng tách các ứng dụng ra khỏi Android để cập nhật chúng một cách riêng biệt, cho phép họ có thể cập nhật các ứng dụng này trên mọi chiếc điện thoại đã cài đặt nó. Đây là một trong những khác biệt cơ bản giữa Android và iOS. Google tung ra các bản cập nhật cho ứng dụng của mình quanh năm, vốn được coi là một điểm nổi bật so với bản cập nhật iOS hàng năm.
Các phiên bản đầu tiên của Android vốn thiếu nhiều tính năng và giao diện không đặc sắc. Những người tiên phong cho Android như HTC đã thêm vào giao diện người dùng của riêng họ, mang đến một luồng gió mới cho Android. Chúng trông đẹp hơn, cung cấp các tùy chọn, tùy chỉnh hữu ích và thêm các tính năng mà người dùng mong muốn. Trong những năm qua, những ý tưởng tuyệt vời nhất của các nhà sản xuất đã được Google đưa thẳng vào nhân hệ điều hành Android, từ một màn hình chính bổ sung, chia cắt màn hình hay cho đến chế độ tối (dark mode).
Google rất vui khi tích hợp các ý tưởng tốt nhất từ sự tùy biến của nhà sản xuất, thứ mà vốn đã được thử nghiệm rộng rãi. Thông thường, những nhà sản xuất lấy ý tưởng từ các ứng dụng Android phổ biến. Đây như là một cơ chế tiến hóa nhằm cải thiện hệ điều hành liên tục. Chung quy lại, các nhà sản xuất tạo ra ý tưởng ban đầu cùng với nhiều phản hồi tích cực từ người dùng, Google sẽ lại cải tiến nó và tích hợp nó thẳng vào nhân Android gốc.
Các vấn đề với giao diện tùy biến của những nhà sản xuất thiết bị
Dù những giao diện của các nhà sản xuất đã giúp Android cải thiện trong nhiều năm qua, thế nhưng, nó vẫn có một số vấn đề nhất định. Chúng làm chậm việc cập nhật phần mềm, tiêu tốn nhiều không gian và tài nguyên hệ thống, kèm với đó là những ứng dụng bloatware không thể gỡ bỏ.
Chính những giao diện nhà sản xuất này đã khiến vấn đề phân mảnh Android không được giải quyết. Thời gian kể từ khi Google tung ra phiên bản Android mới cho đến lúc các nhà sản xuất này đưa chúng đến thiết bị của mình thường rất dài. Lý do là bởi vì họ phải tinh chỉnh giao diện và tính năng của riêng mình, sau đó qua quá trình thử nghiệm mới có thể đưa đến người dùng. Tổng thời gian của toàn bộ quá trình này phải mất vài tháng. Điều này gây ra các vấn đề về bảo mật mà đội ngũ phát triển Android đã mất rất nhiều công sức để hạn chế. Những người dùng điện thoại Android không chỉ phải chờ đợi để có những tính năng mới nhất, mà họ còn thiếu đi các bản vá bảo mật mới nhất, khiến thiết bị của họ có nguy cơ bị tấn công.
Các nhà sản xuất thường giới hạn số lượng bản cập nhật cho một số thiết bị tầm trung hoặc phổ thông, nhằm đảm bảo tiến độ phát triển chúng cho những thiết bị cao cấp của mình. Google cần đến một chiến lược khác, thế nên, họ đã phân tách các tính năng cơ bản trên Android thành những bản cập nhật ứng dụng và bản vá bảo mật mà không cần những nhà sản xuất phải tung ra các bản cập nhật phần mềm. Và thế là vấn đề đã được giải quyết một phần.
Một vấn đề khác mà người dùng thường gặp đối với các giao diện tùy biến này đó chính là hiệu năng. Giao diện TouchWiz của Samsung thường bị phàn nàn đã gây ra tình trạng chậm, giật. Điều này khiến Samsung phải mất nhiều năm để tinh chỉnh lại, nhưng về cơ bản, vấn đề này rất khó giải quyết khi mà đã "bén rễ" quá sâu vào lõi. Nhiều nhà sản xuất ít tiền hơn đã phải trằn trọc nhằm tạo ra phần mềm tốt. Và một câu hỏi được đặt ra là: Nếu không thể cải thiện được những gì mà Google đã cung cấp, tại sao lại thêm những phần mềm của riêng mình? Thực tế, vấn đề này đã được giải quyết một phần nhỏ nhờ vào sự cải thiện đáng kể trong phần cứng và sức mạnh xử lý đã được nâng lên một tầm cao mới.
Tuy nhiên, có vẻ như nhiều nhà sản xuất đã nhận ra vấn đề này và cắt giảm đi những thành phần bổ sung của riêng họ. Xu hướng chung ở hiện tại dường như đang hướng đến phiên bản Android gốc. Ngoài những chiếc Pixel của Google, chúng ta có thể thấy Motorola, ZTE, Asus hay Nokia giờ đây đã và đang sử dụng Android gốc hoặc một thứ gì đó trông rất gần với nó. Oxygen OS trên OnePlus cũng không khác là bao. Ngay cả Sony cũng sử dụng một giao diện trông gần giống với phiên bản gốc nhất cho các thiết bị mới ra mắt gần đây của mình.
Lẽ dĩ nhiên, sẽ có những trường hợp ngoại lệ và đó là 2 công ty đang đứng đầu bảng xếp hạng nhà sản xuất smartphone Android với số lượng điện thoại bán ra bằng tổng những nhà sản xuất khác cộng lại, Samsung và Huawei.
Sự đa dạng mới là một phần của Android
Trong vài năm gần đây, nhiều người đã ca ngợi Pixel bởi chúng có giao diện đơn giản cùng với những tính năng hữu dụng mà vẫn đảm bảo được sự mượt mà. Trong khi đó, các giao diện như EMUI của Huawei hay những phiên bản của Samsung lại khá rắc rối. Tất nhiên, nó lại còn phụ thuộc vào suy nghĩ của mỗi người. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, trong những ngày đầu phát triển Android, giao diện Sense của HTC hay các phiên bản của Samsung đều đã cung cấp một số tính năng bổ sung thực sự hữu ích.
Thực tế, mọi người gắn bó với các thiết bị Galaxy của Samsung không chỉ vì họ biết mọi thứ hoạt động tốt thế nào, mà nó còn là sự tin tưởng về thương hiệu, hệ sinh thái các thiết bị rộng hơn cùng với những tính năng độc đáo mà Samsung cung cấp cho người dùng.
Chính điều này khiến các thương hiệu lớn muốn duy trì "sự đặc trưng" trên những thiết bị của mình. Những gì đang xảy ra với Huawei chính là minh chứng giải thích lý do tại sao việc duy trì một bản sắc và ứng dụng riêng biệt lại quan trọng đối với các nhà sản xuất. Điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày Google quyết định ngừng hợp tác đối với họ?
Sự đa dạng mà Android cung cấp và các tùy chọn tinh chỉnh chính là một phần lớn trong sự thành công của nó. Và cũng chính điều đó lại là vấn đề cần giải quyết. Android có thể có nhiều tính năng mới, cung cấp cho chúng ta nhiều lựa chọn hơn. Không ai trong chúng ta, kể cả Google, muốn Android đồng nhất như iOS. Nhưng nếu các nhà sản xuất tiếp tục tạo ra giao diện của riêng mình thì chắc chắn có một số vấn đề cần được giải quyết triệt để.
Hòa hợp
Không có vấn đề gì mà các giao diện tùy biến và phiên bản Android gốc không thể tồn tại yên ổn. Chỉ là Google và các nhà sản xuất cần giải quyết một số vấn đề tiềm ẩn.
Bloatware là một trong những vấn đề lớn nhất, nhưng nó cũng lại rất dễ giải quyết. Những nhà sản xuất có thể muốn đưa các phiên bản ứng dụng của mình lên thiết bị, nhưng Android lại luôn cho phép bạn chọn ứng dụng nào được mặc định mở lên. Vấn đề thật sự với bloatware không phải là việc đi kèm cùng điện thoại mà là việc bạn không thể xóa bỏ nó. Nếu các nhà sản xuất không ngừng đưa bloatware lên sản phẩm, thì chí ít họ cũng có tùy chọn cho phép người dùng gỡ bỏ chúng, chứ không phải là vô hiệu hóa. Điều này giúp người dùng có thể xóa đi những liệu không cần thiết, tăng không gian trống và đôi khi là lấy lại được phần sức mạnh xử lý vốn bị bloatware chiếm.
Việc cập nhật phần mềm cũng cần được đẩy nhanh hơn. Ở hiện tại, Google vẫn đang phải giải quyết với các nhà sản xuất "lách luật", thế nhưng, chắc chắn rằng, tất cả chúng ta đều muốn họ sẽ tăng tốc việc cập nhật phần mềm hơn. Sony, OnePlus và Nokia (HMD Global) đã chứng minh rằng họ có thể hoàn toàn đẩy nhanh các bản cập nhật cho thiết bị của mình, dù chúng sở hữu giao diện riêng của nhà sản xuất. Samsung, Huawei và số còn lại cần phải làm điều này tốt hơn.
Với các smartphone giá rẻ và tầm trung, những nhà sản xuất thường không muốn dành thời gian hỗ trợ cho chúng. Thế nên, điều họ nên làm là tận dụng Android One nhằm đảm bảo chúng sẽ nhận được các phiên bản Android mới trong vòng 2 năm và 3 năm cho những bản cập nhật bảo mật. Người dùng không mua được một thiết bị flagship không đồng nghĩa rằng rủi ro bị tấn công của họ sẽ phải nhiều hơn. Điều đó là hoàn toàn bất công.
Dù xu hướng sử dụng Android gốc đang ngày càng phổ biến ở một vài phân khúc, thế nhưng, rõ ràng, rất khó để giết chết giao diện tùy biến của các nhà sản xuất ở hiện tại. Sẽ rất tuyệt nếu chúng cho phép chúng ta xóa bỏ ứng dụng rác và launcher đi kèm, thế nhưng, Samsung chắc chắn sẽ không làm điều đó. Nhu cầu duy trì bản sắc riêng của họ là một điều dễ hiểu. Sự đa dạng và đổi mới chắc chắn sẽ luôn song hành nếu các nhà sản xuất giải quyết được những vấn đề đã nêu ra ở trên và giao diện từ nhà sản xuất cũng có thể tiếp tục là một thành phần hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của Android.
Minh Hùng theo Digital Trends