Hàng chục năm nay, nhiều cư dân tại khu tập thể Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) đang sống trong tình trạng bị những cây cổ thụ khoảng 50 năm tuổi, thân cây to 2 - 3 người ôm đâm xuyên qua nhà.
Theo thời gian, nhu cầu về chỗ ở tăng cao, các hộ dân cố xây thêm tường, rào, "chuồng cọp" để cơi nới diện tích khiến những chiếc cây vốn đang đứng tách biệt cũng dần dần nằm trong khuôn viên các ngôi nhà.
Những thân cây cao từ trong sân nhà đâm xuyên qua mái tôn xuất hiện khắp nơi tại khu tập thể Kim Liên.
Có những cây khéo léo mọc "nép mình" bên tường nhà, khu chung cư... tạo cảnh quan đẹp mắt cho không gian sống.
Những người đến đây thuê nhà từ lâu hoặc sinh ra tại đây đã quen với việc có một phần thân cây nằm trong sân nhà mình. Thậm chí có những hộ cây cổ thụ đâm xuyên qua giữa nhà, người ta vẫn chấp nhận nó như một phần tất yếu của không gian sống.
Chung sống cùng những cây cổ thụ đâm xuyên nhà cũng khiến người dân tại đây gặp nhiều rắc rối. Đặc biệt vào mùa mưa bão, nước mưa thường xuyên chảy theo thân cây vào trong nhà, người dân buộc phải dùng bạt quấn chặt quanh gốc cây để ngăn mưa dột.
Có nhà nằm ngay cạnh một cây xà cừ hơn 50 năm tuổi, bà Nguyễn Thị Bình (sinh sống tại khu C8, khu tập thể Kim Liên) cho biết, cây càng lớn càng mọc nghiêng về phía nhà bà, đè lên tường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu ngôi nhà.
"Cây càng to thì tường nhà tôi ở chỗ cây đè lên càng biến dạng, xuất hiện thêm các vết nứt dài. Mùa mưa bão không ít lần cành cây rơi xuống làm thủng mái nhà. Gia đình luôn sống trong cảnh thấp thỏm, lo sợ rằng một cơn bão lớn sẽ làm cây đổ và đè bẹp ngôi nhà", bà Bình nói thêm.
Không ít người sẵn sàng bỏ qua những bất tiện mà cây mang lại, chấp nhận chung sống cùng những thân cây này cả đời. Có người còn tận dụng thân cây làm giá treo đồ, lắp đặt cục nóng máy điều hòa...
Sinh ra và lớn lên tại khu C8, khu tập thể Kim Liên, chị Bùi Khánh Huệ đã quen với việc chung sống cùng cây xà cừ cổ thụ đâm xuyên qua gian bếp nhỏ trong nhà mình.
"Thân cây càng lớn, không gian bếp càng bị thu hẹp, bộ rễ cây lớn lên cũng khiến sàn nhà biến dạng. Bất tiện thì cũng bất tiện thật nhưng ít nhất tôi vẫn tận dụng được thân cây làm giá treo đồ làm bếp như nồi, xong, chảo...", chị Huệ chia sẻ.
Cây mọc xuyên qua tường và mái tôn trong gian bếp nhà chị Huệ, lâu ngày cũng gây nứt và biến dạng tường. Mái tôn đã nhiều lần phải thay mới do bị cành cây rơi vào trong mùa mưa bão.
Phí thuê chặt cây đắt đỏ, lên đến hàng trăm triệu đồng nên hầu hết người dân tại đây đều chấp nhận sống cùng cây thay vì chặt bỏ.
Theo Dân Việt
Không tin nổi 7 ngôi nhà lộn ngược này có thật
Con người thường bị thu hút bởi những thứ khác thường và độc đáo. Có thứ gì khác thường hơn những căn nhà lộn ngược?