Các nhà khoa học vừa cho công bố bản đồ chi tiết nhất từ trước tới nay về vũ trụ thuở sơ khai, ngay sau vụ nổ Big Bang.



Bức ảnh chân dung về thời khắc phân ly của vũ trụ sau khi hình thành ra đời nhờ kết quả hoạt động trong suốt 15,5 tháng của kính viễn vọng không gian Planck, trị giá gần 782 triệu USD của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA).

Kính thiên văn Planck có nhiệm vụ phát hiện bức xạ nền vi sóng vũ trụ - ánh sáng còn sót lại từ sau vụ nổ Big Bang. Các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu của Planck để tạo ra một bản đồ màu nhân tạo về sự biến nhiệt trên khắp bầu trời vũ trụ thuở sơ khai, chi tiết hơn bất kỳ bản đồ nào trước đây.

Bức ảnh tốt nhất gần đây nhất về bức xạ nền vi sóng vũ trụ (trái) so với những hình ảnh mới thu được của kính thiên văn Planck (phải). Ảnh: ESA

Bản đồ chi tiết đã cho thấy ánh sáng già cỗi nhất trong vũ trụ của chúng ta in dấu trên bầu trời khi nó chỉ mới 380.000 năm tuổi.

Sau khi phân tích những dữ liệu mới, các nhà nghiên cứu tin rằng, tuổi của vũ trụ vào khoảng 13,8 tỉ năm, già hơn 80 triệu năm tuổi so với phỏng đoán lâu nay của giới khoa học.

Bức ảnh cho thấy khoảng lạnh rộng hơn trên bầu trời, trái với những giả thuyết trước đây về sự cân xứng của vũ trụ. Ảnh: ESA

Charles Lawrence, nhà khoa học tham gia dự án Planck đến từ Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), cho hay, ánh sáng của vũ trụ bắt đầu như một luồng sáng nóng màu trắng và chói lòa. Tuy nhiên, kể từ sau vụ nổ Big Bang, ánh sáng nóng đó nguội đi đáng kể và bản thân vũ trụ cũng phình to với hệ số giãn nở là 1.100.

Ánh sáng trên đã nguội mát rất nhiều nhưng mắt thường của con người vẫn không thể nhìn thấy được. Dẫu vậy, kính thiên văn Planck có thể phát hiện những thay đổi vô cùng nhỏ về nhiệt độ, tới 1/100 triệu độ.

Theo thông tin mới, tới 26.8% vũ trụ là vật chất tối. Ảnh: ESA

Trong bản đồ nhiệt của vũ trụ vừa công bố, các tác giả đã chọn sử dụng màu sắc nhằm làm nổi rõ mọi biến thiên về nhiệt độ. Cụ thể là, màu đỏ đồng nghĩa với ấm hơn một chút so với trung bình, màu xanh dương ám chỉ mát hơn mức trung bình và màu trắng đại diện cho mức trung bình.

Lịch sử phát triển của vũ trụ từ sau vụ nổ Big Bang, theo ESA.

Dữ liệu của kính thiên văn Planck cũng chỉ ra rằng, vũ trụ của chúng ta có nhiều vật chất tối hơn so với quan niệm phổ biến lâu nay. Tới 26,8% vũ trụ dường như là vật chất tối, một hiện tượng vô hình đối với mắt thường và các nhà khoa học chỉ có thể phát hiện ra nó một cách gián tiếp. Giới nghiên cứu kỳ vọng các thử nghiệm ở cả trong không gian và máy gia tốc hạt lớn (LHC) sẽ có thể làm rõ vấn đề này.

Hình ảnh gần như toàn vẹn nhất về vũ trụ nhờ dữ liệu của kính thiên văn Planck

Tuấn Anh (Theo CNN, Daily Mail)