Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tiêu chí môi trường trong Chương trình vẫn là tiêu chí khó thực hiện nhất.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2000 -2020 đã đề ra mục tiêu phấn đấu số xã đạt chuẩn NTM đến năm 2015 là 20% và đến năm 2020 là 50%.

Theo quy định, để xã được công nhận là xã NTM phải đạt 19 tiêu chí, trong đó, để đạt tiêu chí về môi trường phải hoàn thành 5 nội dung, đó là: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia đạt 75%; 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.

{keywords}
Ðánh giá tiêu chí môi trường trong Chương trình xây dựng nông thôn mới

Theo số liệu báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình nông thôn mới, tính đến nay, các tỉnh đã hoàn thành 100% công tác lập quy hoạch xây dựng NTM. Chương trình đã góp phần phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nhiều vùng nông thôn, nổi bật là đầu tư phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi, điện. Cả nước đã và đang triển khai xây dựng trên 5.000 công trình với khoảng 70.000 km đường giao thông nông thôn. Về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn đã nâng cấp hơn 1.000 công trình nước sạch tập trung, 500 bãi thu gom rác thải, 1.200 cống rãnh thoát nước thải vệ sinh; có 40% xã lập tổ thu gom rác thải tăng 10% so với trước khi thực hiện Chương trình. Cơ sở vật chất văn hóa được chú trọng xây dựng và nâng cấp….

Trong một bài nghiên cứu gần đây, TS. Phạm Thị Tố Oanh, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và bà Vũ Thu Hạnh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội chỉ rõ: bên cạnh các tiêu chí đạt được, tiêu chí môi trường là tiêu chí khó thực hiện nhất, hiện cả nước mới có 26% các xã điểm NTM đạt tiêu chí về môi trường. Nguyên nhân tiêu chí này đạt thấp là do môi trường nông thôn đang chịu sức ép ô nhiễm ngày càng lớn từ sự gia tăng dân số, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, bỏ trống khâu xử lý chất thải trong chăn nuôi, chất thải nông nghiệp, sinh hoạt, sản xuất nghề…

Cụ thể, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia trên địa bàn nông thôn chưa bảo đảm yêu cầu, tỷ lệ đạt thấp. Ranh giới giữa nước sạch và nước hợp vệ sinh còn chưa rõ ràng, nhiều xã mới chỉ đạt tiêu chuẩn nước hợp vệ sinh chứ chưa đạt tiêu chuẩn nước sạch.

Các hộ chăn nuôi gia đình dù đã xử lý môi trường nhưng không triệt để, gây thất thoát xả thải ra môi trường; chưa kể đến những doanh nghiệp vì lợi nhuận mà “bán rẻ lương tâm”, bất chấp tính mạng và sức khỏe của người dân, còn có hành vi che giấu sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng.

Mặt khác, các cơ sở sản xuất kinh doanh đa phần nhỏ lẻ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, việc xử lý môi trường là tự phát, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; các làng nghề chưa được quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường; ý thức của chủ doanh nghiệp chưa cao, còn tư tưởng chạy theo lợi nhuận... là những nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường.

Thêm vào đó, việc quan tâm quy hoạch nghĩa trang đạt chuẩn, tăng cường trồng cây xanh, có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải tập trung ở mỗi xã đang là vấn đề khó thực hiện triệt để do quỹ đất cũng như kinh phí hạn hẹp.

Ngoài ra, do thiết bị, công nghệ trong sản xuất công nghiệp, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp... còn lạc hậu và thủ công, khu vực sản xuất, kinh doanh hầu như chưa có các công trình xử lý nước thải nên hậu quả về ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động của doanh nghiệp về BVMT chưa cao, chưa xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, BVMT…

Mặt trái và hệ lụy của quá trình đô thị hóa tăng nhanh đã tác động rất lớn đến môi trường, trong đó không thể tránh khỏi việc môi trường sống của con người đang bị đe dọa, suy thoái nghiêm trọng bởi ô nhiễm từ các chất thải, nước thải của các khu công nghiệp, làng nghề, khu dân cư... Vì vậy, việc xây dựng NTM đặt ra mục tiêu, tiêu chí cho các vùng nông thôn cũng vừa là thách thức, vừa là động lực, là cơ hội để bộ mặt nông thôn khởi sắc trên đà phát triển. Song, vấn đề cốt lõi là suy nghĩ và hành xử đúng mực của con người đối với thiên nhiên, môi trường.

Bên cạnh đó, chất thải rắn phát sinh từ các hộ gia đình, nhà kho, chợ, trường học, bệnh viện, làng nghề... cũng ảnh hưởng môi trường nông thôn trong nhiều năm qua. Mặc dù, nhiều địa phương đã có những giải pháp tích cực như ra nghị quyết chuyên đề, giao cho các đoàn thể phụ trách, hỗ trợ một phần kinh phí cho người dân, xây lò đốt rác thải tại gia đình... để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, song dường như mới chỉ là giải pháp tạm thời chứ chưa có tính bền vững lâu dài.

Để triển khai hiệu quả Chương trình NTM, Ban chỉ đạo Chương trình đã đề ra một số giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy sự tham gia tích cực chủ động của nhân dân thực hiện và giám sát Chương trình NTM; Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch; tạo điều kiện để người dân thực sự là chủ thể thực hiện Chương trình.

Đồng thời, các địa phương tập trung chỉ đạo các xã đã đạt các tiêu chí xây dựng NTM phải hoàn thiện nâng cao chất lượng xây dựng NTM bền vững. Đối với các tỉnh chưa có xã đạt chuẩn NTM phải chỉ đạo các xã điểm để làm cơ sở rút kinh nghiệm trên diện rộng; Huy động, lồng ghép các nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế; Chú trọng thực hiện nội dung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn, xóa đói, giảm nghèo gắn với việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn; Ưu tiên nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp…

Như vậy, việc thực hiện Chương trình tổng thể về xây dựng NTM là cần thiết, đã phát huy được nội lực và ngoại lực của khu vực nông thôn, hướng tới sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, từ chính sách đến triển khai là cả lộ trình để thực hiện sát với thực tế. Chính vì vậy, trong định hướng triển khai, cần có những nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh những quy định cụ thể, rõ ràng và thống nhất giữa chính sách và thực thi chính sách, nhờ vậy mới phát huy thực sự hiệu quả, phục vụ mục tiêu nông thôn đổi mới.

Bài: Nguyễn Thị Vân Anh - nhóm PV
Ảnh: Tạ Ngọc Huy Linh - nhóm PV