Khi hỏi một nhà nhiếp ảnh về nghệ thuật chụp nude hình như ai cũng dè dặt, thận trọng. Cứ ấp úng, lén nhìn trước sau như chạm tới đề tài phi pháp hay đang... đi ăn trộm!


Nghề người mẫu bao giờ cũng đi với các tiêu chuẩn: chiều cao, nhan sắc. Diễn trước ống kính hay máy quay với bao nét quyến rũ. Tuy vậy, vẫn có một nghề người mẫu phía sau bóng tối. Đó là mẫu cho nhiếp ảnh và mỹ thuật. Không ai được biết đến họ cho dù tác phẩm vang dội trong, ngoài nước. Thậm chí cả đoạt cả giải thưởng quốc tế đi chăng nữa.

Bất cập trong định giá mẫu tranh và mẫu ảnh

Tác phẩm Xuân thì, tuyển chọn những bức ảnh chụp nghệ thuật khỏa thân của nhà nhiếp ảnh Thái Phiên khi được xuất bản gây dư luận rất lớn.

Bởi đây là lần đầu tiên ở VN có mặt một tập sách nhạy cảm như thế này. Tuy nhiên tên tuổi của các mẫu đều giữ kín không tiết lộ như vẫn thường theo thông lệ là vẫn để cuối mỗi tác phẩm. Anh tâm sự: “-Tôi phải “lên bờ xuống ruộng” bởi tập sách. Nghệ thuật chính là ca ngợi cái đẹp. Và con người là kiệt tác của tạo hóa, là vẻ đẹp lớn nhất. Vậy tại sao khi tôi chụp ảnh thẳng vào cái đẹp đó không quanh co thì sự công nhận vẫn còn dè dặt? Ngay cả những người tỏ ra hiểu biết nhất…”.

Chưa hết, anh còn đưa ra một so sánh về sự bất cập: “-Nghề người mẫu trong nhiếp ảnh và mỹ thuật còn nhiều đánh giá quá khác nhau. Bên trọng bên khinh. Ví dụ khỏa thân để vẽ trong mỹ thuật thì gọi là nghề, được công nhận và ký hợp đồng, có bảng lương rõ ràng. Còn mẫu ảnh thì sao? Không ai dám công nhận. Cứ lén lén lút lút như đang làm chuyện gì phạm pháp vậy…”.

{keywords} 

Nghệ thuật - Tác phẩm của Nghệ sĩ Thái Phiên

Thái Phiên cũng cho biết anh phải sống thường trực trong cảm giác “tội lỗi” như thế để hành nghề. Và sẽ còn như thế đến…hết đời nếu các quan niệm xã hội không thay đổi. -“Tôi thường thuê khách sạn để chụp mẫu ảnh. Có hơn 100 người đẹp đã đến đây làm việc với tôi. Nhân viên ai cũng nhìn tôi bằng cặp mắt…khác thường! Cũng dễ hiểu. Họ cứ thấy mình đưa hết người đẹp này đến người đẹp khác vào khách sạn thì chịu không nổi?” - Anh cười: -“Sinh nghề phải tử nghiệp thôi!...”.

Cũng chính vì lý do chưa được công nhận "chính danh” đó mà tất cả các người mẫu cho ảnh nghệ thuật khỏa thân không được để tên. Nhà nhiếp ảnh Mỹ Dũng (Phó tổng thư ký Hội nhiếp ảnh Đà Nẵng) thừa nhận: -“Đây là một thiếu sót lớn của hội nhiếp ảnh VN. Chưa bắt nhịp được với thời đại công nghệ kỹ thuật số. Nếu không thay đổi cách nhìn này thì nhiếp ảnh Việt Nam khó theo kịp thế giới được…”.

Làm nghệ thuật như đi…ăn trộm!

Mỹ Dũng cũng cho biết, anh vẫn chụp nhiếp ảnh “khỏa thân” mặc dù biết đó có thể bị xem là “phạm pháp” chưa được chính danh trong điều lệ hội. - “Trước rung cảm của cái đẹp, tự khắc tác phẩm có tiếng nói” - Anh kể đã có nhiều mẫu tự tìm đến với anh, nhờ anh ghi lại những khoảng khắc vàng của tuổi xuân. “Có nhiều người mẫu hẹn hò từ trước để bay từ Sài gòn ra hay từ nước ngoài về”.

"Đây là thời khắc chuyển mùa, thiên nhiên và thiếu nữ đều xinh đẹp, hay hây dậy thì..." - Anh cười - Tuy nhiên, khi chụp những bộ ảnh nghệ thuật này tâm lý tôi vẫn rình rập, lo toan trước sau. Cái đẹp bị đe dọa thì vào nhiếp ảnh vẫn không bừng sắc hết. Làm sao người nghệ sĩ có tâm lý hoàn toàn thoải mái?..."

Thái Phiên cho biết, tất cả những người mẫu của ảnh khỏa thân của anh hầu hết là tình nguyện.“Sẽ khó tin nếu tôi nói rằng mẫu khỏa thân phần lớn là trí thức, là những cô có trình độ rất cao. Vì hiểu biết, nên họ ý thức rằng, vẻ đẹp của tạo hóa thành cho họ dù có là tuyệt tác chăng nữa một ngày cũng sẽ mất đi. Chính vì thế mà cần nhiếp ảnh lưu giữ lại!”… 

Nhà nhiếp ảnh Hồ Xuân Bổn cũng có nhiều tác phẩm ảnh đẹp chụp trên núi Bà Nà, biển Đà Nẵng. Tuy nhiên, để có thể triển làm công khai thì anh chưa nghĩ tới. Cũng thế, nhiếp ảnh gia MPK có nhiều ảnh độc đề tài này nhưng lén lén lút lút chia sẻ với những ai thật có “lửa đam mê”.

Tay máy Tạ Công Thắng nói rằng đam mê môn nghệ thuật này chẳng khác gì đi ăn trộm! -“Không thể nói đến cát-xê. - Anh cho biết: -Bởi khi chưa được công nhận mọi giá cả công khai cho dù có thỏa thuận đi nữa cũng là phạm pháp…”. Các tay máy âm thầm, dữ dội khác trong nghề như Huỳnh Nghĩa, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Quách Tự Lực, La Toàn Vinh... đều có những bộ ảnh độc đáo về nude như khi trả lời về ý định triển lãm các anh vẫn cân nhắc một thời điểm thuận lợi.

Như những áng mây…

Theo giới thiệu của họa sĩ Lê Hải Triều, giám đốc một gallery tranh, chúng tôi được tiếp cận với một số người mẫu đề tài nhạy cảm nói trên. Anh nói: -“Các cô này là mẫu chung của các họa sĩ và các nhà nhiếp ảnh”. Để “hài hòa” cả hai, các cô này phải đạt chuẩn dáng vóc, chiều cao, có vẻ đẹp khả ái. Khi đưa lên tranh hay lọt vào ống kính đều sắc sảo. Hương, tâm sự: -“Em thích nghề này từ lâu. Và quyết định đi theo. Rất muốn được để tên trên các tác phẩm nhưng thường là bị từ chối…”.

Thủy, chúng tôi đã đổi tên, hiện là mẫu vẽ của họa sĩ Bùi Quang Ngọc và nhiều họa sĩ khác. Cô cho biết mỗi ngày từ 9 đến 12 giờ cô vẫn đến xưởng để làm việc. Cô rất vinh dự khi được làm mẫu cho các họa sĩ nổi tiếng. Tuy nhiên, khi tác phẩm hoàn thành các cô chỉ là những cái bóng khả ái vô danh. Cũng là cô, khi làm mẫu cho nhiều tác phẩm thành công của nhà nhiếp ảnh Thái Phiên đã ba lần bật khóc hu hu.

“Sao làm nghề mà hóa nhục? Những cái đẹp tạo tác được nắm bắt tuyệt tác mà không được lưu tên? Tại sao lại giấu đí?...”. Thái Phiên thở dài cho biết: “Có nhiều bức ảnh khỏa thân chụp phía trước, rất rõ mặt.

Như thế thì không thể giấu mẫu. Nhưng cũng chưa thể để tên. Bởi sẽ rất phiền phức vì chưa có văn bản điều lệ được Hội Nhiếp ảnh cho phép công khai. Khi công bố những bức ảnh này tôi đã phải tự làm “biên bản” có chữ ký xác nhận của họ, là người được chụp cho phép. Đó cũng là nguyên tắc “chẳng đặng đừng” của tôi trước những sóng gió, rủi ro khi tiếp tục sống chết với nghề…”.

Theo congluan