Vì lý do không chấp hành thông báo nợ thuế với hàng hoá nhập khẩu nên hai ngân hàng ANZ và Citi Bank bị cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan trên phạm vi toàn quốc.
Cơ quan hải quan vừa ra thông báo sẽ dừng làm thủ tục hải quan trên phạm vi toàn quốc đối với một số cơ quan còn nợ thuế.
Theo đó, Ngân hàng ANZ Việt Nam, chi nhánh Hà Nội và ngân hàng Citi Bank, chi nhánh Hà Nội đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu bởi lý do không chấp hành thông báo nợ thuế với hàng hoá nhập khẩu.
Cụ thể số tiền nợ thuế của ANZ Việt Nam, chi nhánh Hà Nội là trên 10 triệu đồng. Còn Citi Bank, chi nhánh Hà Nội có số tiền bị phạt chậm chưa nộp là trên 12 triệu đồng.
Số tiền nợ thuế của ANZ Việt Nam, chi nhánh Hà Nội là trên 10 triệu đồng |
Ngoài hai ngân hàng trên còn có Tổng công ty Vàng bạc đá quý Việt Nam cũng bị cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan với hàng hóa xuất nhập khẩu với số tiền phạt chậm thuế chưa nộp chỉ là 1,14 triệu đồng.
Trước đó, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã bị truy thu tiền thuế nhập khẩu mặt hàng điện từ Trung Quốc vì tự ý giảm trừ sản lượng mua điện, khai thiếu giá trị thuế. Vì vậy vào đầu tháng 8 vừa qua, Cục Hải quan Hà Giang cho biết đã quyết định xử phạt EVN vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Cục Hải quan Hà Giang cho biết, ngày 31/10/2012, EVN mở tờ khai nhập khẩu mặt hàng năng lượng điện tháng 9/2012 và quyết toán tiền điện từ tháng 5/2007 đến tháng 11/2010.
Số liệu tại bảng chốt công tơ giữa Việt Nam và Trung Quốc cho thấy, tổng lượng điện thực tế nhập khẩu tháng 9/2012 là hơn 74 triệu kWh. Mức giá khai báo là 0,0608 USD/kWh. Trị giá của lượng điện nhập khẩu trên là gần 4,5 triệu USD. Tuy nhiên, EVN khai chỉ còn hơn 65,5 triệu kWh với tổng trị giá mua điện chỉ còn hơn 3,9 triệu USD.
Vì thế, số thuế mà EVN khai nộp cho hải quan bị thiếu hụt mất gần 1,2 tỷ đồng.
Số thuế mà EVN khai nộp cho hải quan bị thiếu hụt mất gần 1,2 tỷ đồng |
Cũng với sai phạm tương tự vào đầu tháng 6/2013, 7 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối nhận được văn bản của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) yêu cầu truy thu gần 350 tỷ đồng tiền thuế, trong đó Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là 170 tỷ đồng, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) là 66 tỷ đồng, Xăng dầu Đồng Tháp (Petimex) là 56,5 tỷ đồng, Lọc hóa dầu Nam Việt (NamViet Oil) là 26 tỷ đồng, Xăng dầu quân đội 19,7 tỷ đồng và Công ty Vận tải Đường bộ Hải Hà 650 triệu đồng.
(Theo Đất Việt)