Richard Sharp (59 tuổi, Anh) - người đã nghỉ hưu cách đây gần 10 năm - không cảm thấy mình bị ảnh hưởng quá nhiều bởi cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt gần đây, nhưng ông lo ngại con cháu mình sẽ rơi vào tình trạng tồi tệ bởi lạm phát.

Theo iNews, Sharp là một trong những người thuộc thế hệ "Baby Boomer" (sinh từ năm 1946 đến 1964, trong thời kỳ bùng nổ dân số của thế giới sau Thế chiến II) đang lựa chọn trao lại tài sản thừa kế sớm hơn cho con cháu, nhằm hỗ trợ người trẻ giữa bối cảnh khó khăn.

"Tôi có 5 cháu họ và tôi đã chuyển cho chúng một khoản tiền. Đối với những người trẻ, khoản tiền gửi tặng sẽ giúp họ bước gần hơn đến mục tiêu có nhà ở. Với một người cháu đã có nhà, số tiền ấy giúp nó mở rộng quy mô xây dựng", ông nói.

Chia tài sản thừa kế khi còn sống

Câu chuyện của Sharp không phải cá biệt. Các số liệu cho thấy nhiều người cùng thế hệ với ông đang tiến hành chuyển nhượng tài sản thừa kế sớm hơn.

Khảo sát "Great British Retirement Survey" của Interactive Investor cho thấy vào năm 2019, 27% người nghỉ hưu cho biết họ đã tặng tiền đặt cọc mua nhà cho con cái trưởng thành. Con số này tăng lần lượt lên 32% vào năm 2020 và 35% vào năm 2021.

 5 người cháu họ được Sharp trao tiền thừa kế sớm để vượt qua khó khăn tài chính.

Theo Rebecca O'Connor, người đứng đầu bộ phận lương hưu và tiết kiệm tại Interactive Investor, cuộc khảo sát năm 2022 (vẫn đang được hoàn thiện) cho thấy xu hướng này ngày càng phổ biến hơn.

"Bất chấp chi phí tăng cao, người lớn tuổi tặng nhiều tiền hơn cho con cháu trưởng thành trong năm nay. Thời điểm cần thiết nhất thường là lúc khi họ cần mua một ngôi nhà cho riêng mình", bà O'Connor nói.

Quyền sở hữu nhà là gốc rễ của hố sâu trong an ninh tài chính giữa những người thuộc thế hệ Baby Boomer với các thế hệ sau họ.

Nhiều chủ sở hữu bất động sản lớn tuổi đang chọn bán nhà và chọn tiền thu được hoặc sử dụng các biện pháp cho phép họ thế chấp tài sản để giải ngân tiền mặt. Theo số liệu của Hội đồng Phát hành Cổ phiếu, mức tài sản kỷ lục 4,8 tỷ bảng Anh đã được khách hàng tiếp cận vào năm 2021, tăng 24,8% vào năm 2020.

Sharp nói rằng: "Giải phóng vốn chủ sở hữu có ý nghĩa, vì tôi còn độc thân và thuế thừa kế sẽ khá nặng nếu đợi đến lúc tôi qua đời mới trao lại tài sản. Thời điểm này cũng phù hợp vì những đứa cháu đều ở độ tuổi 25-32, hầu hết đang phải trả tiền thuê nhà".

Người trẻ khó khăn

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng ngay cả những khoản tiền thừa kế được nhận sớm cũng không đủ để giúp mọi người bước tới mục tiêu sở hữu nhà, bởi họ có nhiều nhu cầu trước mắt hơn.

Dữ liệu gần đây được công bố bởi Barclays Wealth tiết lộ chỉ hơn 76% người 40 tuổi đã nhận được một số khoản thừa kế từ cha mẹ. Trong số đó, 30% dùng tiền tiết kiệm và đầu tư, 20% dùng để kinh doanh riêng và 18% sử dụng để mua bất động sản đầu tiên.

Trong khi đó, 94% người trẻ thuộc thế hệ Millennials nói rằng nếu bây giờ nhận được khoản thừa kế tương tự, họ sẽ dùng phần lớn chúng cho chi phí sinh hoạt hàng ngày - bao gồm trả hóa đơn, đi lại, mua thực phẩm, quần áo và chăm sóc sức khỏe.

Khủng hoảng tài chính khiến giấc mơ mua nhà trở nên xa vời với nhiều người. Ảnh: Pexels.

Nhân khẩu học thay đổi, cũng thúc đẩy xu hướng "cho đi khi còn sống", bởi tuổi thọ cao hơn cũng đồng nghĩa với việc con cháu phải chờ đợi lâu hơn để nhận thừa kế.

Dữ liệu của Institute for Fiscal Studies cho thấy độ tuổi trung bình của một người khi cha/mẹ của họ qua đời dự kiến ​​sẽ tăng từ 58 (đối với những người sinh trong những năm 60) lên 62 (đối với những người sinh năm 70), và là 64 (cho những người sinh năm 80).

Nhiều người cao tuổi ở Anh tự tin rằng họ sẽ có thể trang trải cho bản thân khi về hưu ngay cả khi đã cho đi các khoản đầu tư, tiền tiết kiệm hoặc tài sản của riêng mình, bất chấp chi phí sinh hoạt cao hơn.

"Tôi nghỉ hưu ở tuổi 50 và thật may mắn khi không có nhiều chuyến đi xa, tôi thậm chí chẳng chạy ôtô. Tôi sẽ nhận được lương hưu của tiểu bang trong 7 năm nữa, vì vậy thu nhập sẽ tăng. Dù lạm phát, giá cả phải đắt cắt cổ mới khiến tôi rơi vào khó khăn được", Sharp nói.

Theo Zing