Trong suốt 20 năm qua, các cuộc họp của APEC đều tập trung bàn đến việc làm thế nào để nâng cao năng lực của các doanh nghiệp siêu nhỏ (MSME) trong việc tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu.

Động lực tăng trưởng quốc gia

Thực tế cho thấy, các MSME và khởi nghiệp là nhân tố thúc đẩy sáng tạo và phát triển mạnh mẽ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và có vị trí quan trọng trong việc định hình một nền thương mại mới.

Tại diễn đàn về Nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đã khai mạc sáng 11/9 tại TP.HCM với sự tham gia của các quan chức và chuyên gia về tài chính, kinh doanh đến từ các nền kinh tế APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương), ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đồng thời là trưởng nhóm công tác SME APEC, khẳng định "các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã trở thành động lực chính cho tăng trưởng quốc gia".

{keywords}
Thống kê của APEC từ nhiều nguồn cũng chứng minh rằng, trong khu vực này có khoảng 110 triệu MSME, chiếm 98% tổng số doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này đã chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo ra việc làm cho 54% dân số.

Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng khá lớn, chiếm 4% giá trị gia tăng trong GDP của khu vực APEC cũng như 23,4% việc làm. Riêng nền kinh tế chủ nhà Việt Nam hiện có hơn 600.000 doanh nghiệp MSME đăng ký thành lập, tăng lên trên 100.000 doanh nghiệp/năm. Các MSME Việt Nam đóng góp hơn 40% GDP và tạo ra hơn 50% việc làm.

Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế như vậy, song các MSME hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khó tiếp cận với nguồn tài chính, thị trường.

Nói về những khó khăn trong việc tiếp cận tài chính của các SME tại Việt Nam hiện nay, theo ông Cương, do khó khăn trong việc tiếp cận tài chính, các SME đã không thể phát triển dù có nhiều ý tưởng sáng tạo, tiên phong. Đó là lý do APEC đang nỗ lực để giúp các SME tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận thị trường, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM chỉ rõ, vấn đề chính là các SME thường vẫn chưa có tài sản thế chấp, nguồn vốn yếu, khiến các ngân hàng, các quỹ đầu tư mạo hiểm "chưa chiếu cố đến" dù có nhiều dự án tiềm năng.

Ông dẫn chứng bằng thực tế “một số ngân hàng nói có thể cho (các SME) vay đến 90% tài sản thế chấp, thậm chí 110%. Nói trước hội thảo rất hùng hồn nhưng thực tế làm việc thì lại không được 60% tài sản thế chấp nữa, thành ra các doanh nghiệp cũng rất khổ sở".

Kết quả nghiên cứu của Nhóm Công tác Doanh nghiệp nhỏ và vừa của APEC cũng cho thấy, Ngoại trừ các công ty lớn vốn vẫn được các nhà băng săn đón, nhóm công ty quy mô vừa cũng bắt đầu được các ngân hàng chú ý với việc đưa ra nhiều sản phẩm tín dụng. Riêng phân khúc doanh nghiệp siêu nhỏ - chiếm đông đảo tại Việt Nam - lại đang chưa được nhà băng chú ý đến. Và để thúc đẩy các MSME phát triển, cần cải thiện việc tiếp cận tài chính và cấp vốn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển kinh doanh; tăng cường sự hỗ trợ của Chính phủ để các doanh nghiệp này giảm bớt những gánh nặng về thủ tục và quy định; đồng thời khuyến khích các nền kinh tế đơn giản hóa và đồng bộ hóa các quy định và thủ tục hành chính.

Gỡ khó bằng giải pháp công nghệ cao

Trước thực tế khó khăn mà các MSMR đang phải đối mặt, giới chuyên gia tin rằng, các nhà khởi nghiệp sẽ phải đối mặt với những khó khăn gia tăng khi thực hiện những cuộc trao đổi xuyên biên giới và tham gia vào thị trường quốc tế nếu họ không chấp nhận những biến chuyển nhanh chóng của kỹ thuật số.

{keywords}

Trong thực tế, sự phát triển của công nghệ thông tin, nền kinh tế kỹ thuật số đã trở thành một trong những vấn đề cốt lõi quan trọng trong sự phát triển kinh tế hiện đại. Do vậy, chỉ khi nào các MSME, có sự nắm bắt, hiểu biết những cơ hội và thử thách của chuyển biến kỹ thuật số, họ mới có thể phát huy hết tiềm năng, tạo nên sự phát triển bền vững, tân tiến và hoà nhập, tiến tới một tương lai chung của kinh tế các nước trong khu vực.

Internet đang được xem là một động lực quan trọng trong bối cảnh APEC đang được kết nối hơn bao giờ hết. Hiện có 3 tỷ người được kết nối Internet trong các nền kinh tế APEC và con số này dự kiến sẽ tăng lên thành 5 tỷ người vào năm 2025. Internet giúp các doanh nghiệp hạn chế chi phí, nâng cao năng suất.

Điều này được ông Hoàng Văn Dũng Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) Việt Nam dẫn chứng, các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao và Internet đang tăng trưởng nhanh gấp 2,1 lần so với các doanh nghiệp không sử dụng công nghệ.

Do vậy, người làm chính sách ở các nền kinh tế APEC, chủ sở hữu những nền tảng thương mại điện tử, công ty đa quốc gia, các vườn ươm công nghệ, người thúc đẩy, chuyên gia... sẽ cùng nỗ lực giúp đỡ SME và Startups tận dụng triệt để thời cơ được tạo ra từ công nghệ kỹ thuật số Chỉ khi SME hiểu được thời cơ và thách thức của chuyển đổi kỹ thuật số, họ mới có thể khai phá tiềm năng của sự phát triển bền vững, sáng tạo và chất lượng hướng tới một tương lai chung.

Trường Sơn