Apple đang chứng mình rằng chiến lược smartphone của hãng hoàn toàn đúng đắn, ít nhất là cho đến thời điểm này.

{keywords}
Đây có phải nụ cười chiến thắng của Tim Cook?

Dù đã có nhiều người tin rằng Apple sẽ bị Samsung và Android hạ knock out nhưng càng ngày, cái kịch bản đáng sợ đó càng tỏ ra xa vời và khó trở thành hiện thực hơn. Hôm qua, đại gia di động Hàn Quốc đã công bố một kết quả tài chính quý khá gây thất vọng, khi quý thứ ba liên tiếp, lợi nhuận của hãng này sụt giảm. Lần này, lợi nhuận của Samsung giảm tới 25% so với năm ngoái. Thủ phạm chính là mảng kinh doanh di động khi lợi nhuận mảng này giảm tới 30% so với cùng kỳ.

Thế nhưng cũng trong khoảng thời gian ấy, lợi nhuận của Apple lại tăng 12%. Apple không tiết lộ chi tiết lợi nhuận mà iPhone đem lại cho hãng, nhưng doanh số tiêu thụ của iPhone trong quý vẫn tăng 9%, dù cho iPhone 6 phải tháng 9 mới lộ diện.

Mọi chuyện còn tệ hơn cho Samsung khi thị phần của hãng giảm từ 32,5% năm ngoái xuống còn 25.2% trong Q2/2014. Thị phần Apple cũng giảm, nhưng biên độ hẹp hơn, từ 13,4% xuống còn 11.9%. Theo hãng thông tấn Reuters thì Samsung là hãng điện thoại lớn duy nhất có doanh số tuyệt đối giảm trong quý này.

Vậy điều gì đã xảy ra với Samsung? Hãng này đã tham gia hai cuộc chiến và thua cả hai.

Ở phân khúc cao cấp, Samsung đấu trực diện với Apple. Nhưng sau một thời gian họ máy Galaxy S làm mưa làm gió, có vẻ như Apple đã lấy lại được thế thượng phong của mình. Trong khi S5, mẫu smartphone đầu bảng mới nhất của Samsung đuối sức thì Apple vẫn ở đó, tiêu thụ ổn định nhờ thương hiệu giàu sức hút, sản phẩm đẳng cấp và hệ điều hành iOS thân thiện với người dùng.

Còn ở phân khúc bình dân của thị trường, Samsung đang phải cạnh tranh với một loạt các thương hiệu điện thoại Trung Quốc như Xiaomi cùng một binh đoàn Android đông đảo. Rất khó có cơ hội cho điện thoại Samsung khi mà người dùng có thể sắm một chiếc smartphone với cấu hình tương đương và ngoại hình y chang với giá chỉ bằng một nửa.

Có lẽ, đã đến lúc cần phải nghĩ lại về Apple và chiến lược tương lai của hãng. Dù khá nhiều người đang gây sức ép buộc Apple phải giảm giá iPhone, nhưng có vẻ như Táo khuyết đang làm chính xác những gì mà hãng cần làm khi duy trì iPhone ở đẳng cấp "luxury". Con dế cao cấp, đắt tiền này vẫn mang về cho hãng doanh số vững chắc và lợi nhuận béo bở. Nó cũng giúp củng cố hình ảnh Apple như là một hãng điện thoại cao cấp, không chịu hy sinh chất lượng để đổi lấy giá thành.

Nhưng trên thực tế, Apple không hề phớt lờ phân khúc thấp cấp. Hãng đang bán các đời iPhone cũ với giá rẻ. Những con dế như iPhone 4S vẫn đang bán khá chạy và điều này thể hiện rõ trong kết quả tài chính của hãng.

Nhiều người lo lắng cho Apple khi làn sóng người dùng di động kế tiếp được dự đoán sẽ đến từ các nền kinh tế mới nổi. Trang Business Insider cũng đã đăng tải một bài phân tích rất dài với tiêu đề "iPhone 6: Khi đời không như là mơ" để chỉ ra những thách thức đang giăng đón phía trước công ty của Tim Cook. Nhưng hai quý tài khóa gần nhất, Apple vẫn chứng tỏ sức hút của mình chẳng hề mai một, dù cho giá bán của iPhone có cao ngất ngưởng đi chăng nữa.

Cụ thể, doanh số tại Trung Quốc đại lục vẫn tăng 28% so với cùng kỳ. Tim Cook khẳng định rằng doanh số tại Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã tăng 55% so với năm ngoái.

Trước đó, trong cuộc họp báo hồi tháng Ba, chính Cook tiết lộ rằng trong nửa đầu năm tài khóa 2014, lượng iPhone bán được tại Brazil đã tăng 61%, tại Nga tăng 97%, Thổ Nhĩ Kỳ 56%, Ấn Độ 55% và Việt Nam 26%. Cook chỉ ra rằng đây vốn không phải là những thị trường mạnh truyền thống của Apple.

Nếu nhìn vào những con số đó rồi so sánh chúng với Samsung, thật khó để nói rằng Apple đang mắc sai lầm trong chiến lược kinh doanh iPhone. Apple đã đúng khi phớt lờ sức ép phải tung ra iPhone giá rẻ hồi năm ngoái. Và nếu như năm nay, hãng có tiếp tục quay lưng lại với yêu cầu đó thì cũng đừng vội vàng phán xét Táo khuyết đã sai. Suy cho cùng, dường như Tim Cook đang hiểu rõ con đường mình đi.

Y Lam