Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ICT) đưa ra kết luận HTC vi phạm 2 trong số 10 cáo buộc về bản quyền sáng chế từ phía Apple. Phán quyết này có là tiền đề cho việc Apple khai tử smartphone Android?


Kết luận này còn phải được 1 hội đồng thẩm phán gồm 6 người phúc thẩm xem xét. Nếu như trong lần rà soát này, hội đồng thẩm phán quyết định giữ nguyên phán quyết ban đầu, Apple sẽ có quyền cấm HTC không được nhập khẩu sản phẩm của mình vào biên giới Mỹ.


Và điều tồi tệ hơn đó là 2 bằng sáng chế của Apple mà HTC đang bị cáo buộc vi phạm có phạm vi ứng dụng rất rộng, nếu Apple có thể dùng nó để cấm cửa các smartphone Android của HTC trên đất Mỹ thì hãng này cũng hoàn toàn có thể làm điều tương tự với các smartphone của Samsung, Motorola, LG... Nói 1 cách ngắn gọn, đó sẽ là ngày tàn của Android.

Thế nhưng vấn đề là HTC rõ ràng sẽ không buông tay chịu trói, dù cho hiện tại với phán quyết bất lợi này, rõ ràng HTC đang ngồi "chiếu dưới" so với Táo Khuyết. Trận đối đầu giữa HTC và Apple hứa hẹn sẽ còn nhiều kịch tích.

Smartphone chạy Android sẽ biến mất?

Nhiều người có ấn tượng rằng một khi ITC cấm smartphone chạy Android khỏi thị trường Mỹ, tự nhiên tất cả các smartphone chạy Android trên toàn thế giới sẽ... hè nhau lặn mất tăm mất tích chỉ sau 1 đêm.

Không. Kể cả trong tình huống xấu nhất là khi ITC cấm cửa HTC khỏi thị trường Mỹ, hãng sản xuất Đài Loan vẫn có thể bán các mẫu smartphone này ở phần còn lại của thế giới. Thị trường Mỹ là 1 trong những thị trường tiêu thụ chủ đạo của tất cả các hãng sản xuất lớn như HTC, Samsung nhưng lại không phải là thị trường duy nhất. Mất đi thị trường Mỹ, có thể HTC sẽ mất rất nhiều doanh thu nhưng đó không phải là dấu chấm hết dành cho smartphone Android.


Hơn thế nữa, ITC mất rất nhiều thời gian xử lý các đơn kiện kiểu này. Đơn kiện của Apple đã mất 15 tháng trời để đạt được phán quyết sơ bộ như ngày hôm nay, và đơn xin phúc thẩm của HTC sẽ nhận được phán quyết cuối cùng đầu tháng 12 năm nay. Còn hơn 4 tháng trời để HTC và các đồng minh của mình "vũ trang" kĩ lưỡng trước khi đánh trận quyết định với Apple.

Và trong 4 tháng ấy, tất cả đều có thể xảy ra. Hãy nhớ rằng mới tháng 4 năm nay, không một ai nghĩ rằng HTC lại thua trong phán quyết sơ bộ của ITC.

HTC vẫn đang chống trả quyết liệt

Rõ ràng HTC sẽ không chịu "ra đi thanh thản" trước Apple. Ngoài đơn kiện về 5 bằng sáng chế mà HTC tung ra để "phản pháo" Apple sau khi Táo Khuyết đâm đơn kiện hãng này hồi tháng 4 năm ngoái, HTC giờ đây còn nắm giữ 1 quân bài "chắc ăn" hơn nhiều: S3.

Đầu tháng 7 vừa rồi HTC chi 300 triệu USD để mua lại công ty chuyên sản xuất card đồ họa S3 vì 1 lý do đơn giản: S3 hiện đang là chủ sở hữu 2 bằng sáng chế mà Apple đang bị ITC kết luận là đang sử dụng trái phép.

S3 có thể là 1 quân bài để HTC đem ra "mặc cả" với Apple


Kể cả trong trường hợp đơn kiện của HTC đối với Apple không đi đến kết quả, HTC vẫn nắm 2 con chủ bài là các bằng sáng chế của S3. Với 2 bằng sáng chế này, nếu Apple có ý định "chơi xấu", cấm cửa HTC khỏi thị trường Mỹ thì hãng sản xuất Đài Loan cũng có thể làm điều tương tự với iPhone, iPad của Apple. Sự giằng co này rất có thể sẽ khiến 2 hãng đi đến bàn đàm phán và kết thúc vụ việc trong hòa bình.

Cấm cửa trước, vẫn có thể đi đường vòng

Trong tình huống xấu nhất, HTC sẽ bị Apple cấm không được bán smartphone ở thị trường Mỹ. Tuy nhiên phán quyết đó chỉ áp dụng với các smartphone vi phạm bản quyền chứ không có hiệu lực đối với thương hiệu HTC hay với smartphone Android nói chung.

Có nghĩa là Google hoặc HTC hoàn toàn có thể thay thế các thành phần bị cáo buộc vi phạm trong sản phẩm của mình bằng 1 phương án khác hoặc thậm chí loại bỏ hoàn toàn thành phần vi phạm là lại có thể đưa sản phẩm của mình vào thị trường Mỹ. Và vì cả 2 bằng sáng chế mà HTC đang bị cáo buộc vi phạm đều là những tính năng thuộc về phần mềm (trái với Samsung, HTC không bị cáo buộc copy phần cứng của Apple).


Vì vậy việc xử lý có lẽ sẽ chỉ cần thông qua 1 bản cập nhật phần mềm chứ không cần phải đưa về nhà máy để chỉnh sửa hoặc tiêu hủy.

Hơn nữa cả 2 bằng sáng chế mà HTC đang vi phạm đều liên quan đến những yếu tố khá "kín đáo". Bằng sáng chế số 6,343,263 liên quan tới công nghệ xử lý dữ liệu truyền dẫn theo thời gian thực, nói nôm na có thể hiểu như cơ chế xem phim hoặc các nội dung số như ảnh, nhạc trên kết nối mạng (thử tưởng tượng giống như Youtube).

Và bằng sáng chế thứ 2 liên quan đến việc nhận dạng các chuỗi kí tự đặc biệt bên trong 1 đoạn văn bản hiển thị. Cụ thể như việc hiện tại nếu có 1 chuỗi số xuất hiện trong tin nhắn, các điện thoại của HTC sẽ tự nhận biết liệu đây có phải là 1 số điện thoại hay không và giúp người sử dụng có thể quay số nhanh mà không cần gõ lại. Cả 2 tính năng này đều không phải là những tính năng chủ chốt, nếu bỏ chúng đi hoặc thay thế bằng công nghệ tương tự có lẽ người dùng sẽ khó lòng nhận ra sự khác biệt.

Và rõ ràng HTC cũng đang bỏ ngỏ phương án "lách luật" kiểu này khi 1 đại diện của hãng tuyên bố: "Là 1 nhà sản xuất smartphone tân tiến hàng đầu trong hơn 1 thập kỷ qua, chúng tôi đã phát triển và sở hữu công nghệ ở nhiều lĩnh vực và chúng tôi tin tưởng rằng mình có phương án thay thế cho những vấn đề mà Apple khơi mào".

Không thẩm phán nào muốn giết chết sự cạnh tranh và làm tổn thương quyền lợi đại đa số

Nói cho cùng trách nhiệm của thẩm phán nói riêng và pháp luật nói chung là bảo đảm sự công bằng cho xã hội, bảo vệ quyền lợi của đại đa số dân chúng. Việc cấm đoán Android hoặc HTC có thể sẽ đem lại sự công bằng cho Apple (nói giả định rằng HTC thực sự vi phạm bằng sáng chế của Apple).

Tuy nhiên việc cấm cửa HTC hoặc smartphone Android sẽ gây nên những hậu quả nặng nề cho ngành công nghiệp smartphone, thủ tiêu cạnh tranh, giới hạn sự lựa chọn của người sử dụng và cuối cùng là gây nên tình trạng độc quyền, điều mà các tòa án Mỹ luôn tìm cách ngăn chặn kể từ khi nền kinh tế tư sản của nước này hình thành.

Tòa án Mỹ là 1 trong những tòa án xử nhiều vụ án chống độc quyền nhất trên thế giới và thường có các phán quyết bất lợi cho các "ông lớn". Muốn biết các thẩm phán Mỹ có "ác cảm" như thế nào với các thế lực thống trị độc quyền thị trường, hãy hỏi Microsoft về 2 thập kỷ mà họ đối mặt với các cáo buộc liên miên về vấn đề này.

Rõ ràng với những bước tiến nhanh và vững chắc, Apple đang có xu hướng trở thành "Microsoft thứ 2", lần này là ở thị trường smartphone và máy tính bảng.


Chẳng dại gì mà ITC lại trao cho Apple thứ vũ khí giúp Táo Khuyết leo lên ngôi vô địch để rồi sau đó tòa án liên bang lại phải loay hoay tìm cách "giải giáp" gã khổng lồ này. Tuy nhiên 1 thẩm phán của ITC đã bày tỏ quan điểm ngược lại thông qua phán quyết sơ bộ vừa rồi. Câu hỏi là, liệu những người còn lại trong hội đồng thẩm phán có chia sẻ cùng nhận định với ông ta hay không?

"Chịu thuế" để có "hòa bình"


Nếu Apple muốn đi theo phương án ôn hòa hơn, giống như Microsoft "bóc lột" 5 USD mỗi chiếc smartphone Android mà HTC bán ra, có lẽ chúng ta chẳng có gì phải lo lắng. Đứng trước áp lực của các bằng sáng chế mà HTC hiện nắm giữ từ vụ mua lại S3, ánh mắt thiếu thiện cảm của các thẩm phán, nhiều khả năng Apple sẽ chọn phương án "thu thuế" trong hòa bình thay vì nhất quyết "bóp chết" HTC kể cả trong trường hợp hãng này thắng kiện ở phán quyết cuối cùng.

Và nếu thực sự mọi việc chỉ dừng lại ở việc nộp thêm 5 - 10$/sản phẩm, thì tất cả sẽ đồng nghĩa với việc smartphone Android đắt hơn 1 chút. Mà thậm chí có thể bạn sẽ không thể nhận ra sự thay đổi về giá cả này. Và nếu tình huống trên xảy ra thật, thì vụ kiện này sẽ là chuyện chẳng có gì đáng phải ầm ĩ.

(Theo MaskOnline)