Động thái này là 1 phần của thoả thuận giữa Apple và Uỷ ban thương mại công bằng Nhật Bản hồi năm ngoái, áp dụng với các ứng dụng về tạp chí, tin tức, sách, âm thanh, âm nhạc hay các nội dung video, còn gọi là các “ứng dụng đọc - reader app”. Các ứng dụng này bao gồm 1 số tên tuổi phổ biến hiện nay trên App Store như Spotify và Netflix.

Trước đây, “Táo khuyết” đã cấm các nhà phát triển ứng dụng chuyển hướng người dùng sang đăng ký bằng website bên ngoài. Thay vào đó, họ phải sử dụng hệ thống thanh toán của App Store, và trả phí dao động từ 15-30% cho Apple. Chính sách mới sẽ giúp các ứng dụng này bỏ qua khoản phí trên.

{keywords}
 

Sự thay đổi này đã được thể hiện trong bản nguyên tắc cửa hàng ứng dụng của Apple, cho phép các ứng dụng đọc được tự quản lý khách hàng của riêng họ thông qua ứng dụng. Đây cũng chính là điểm mà các bên phát triển ứng dụng nêu ra với các cơ quan quản lý và toà án tại nhiều nước. Apple cho biết, chính sách mới sẽ áp dụng toàn cầu.

Tuy nhiên, quy định mới không áp dụng cho tất cả các ứng dụng. Các trò chơi có tính năng giao dịch mua hàng trong ứng dụng (in-app), đang đóng góp phần lớn lợi nhuận cho App Store, vẫn phải sử dụng hệ thống thanh toán của Apple.

Không yêu cầu phát hành phiên bản mới hoàn toàn

Trong bài đăng trên website dành cho những nhà phát triển, “Táo khuyết” thông báo những nhà phát hành quan tâm có thể gửi biểu mẫu yêu cầu cho Apple, và quy trình Đánh giá ứng dụng (App Review) vẫn sẽ phê duyệt các bản cập nhật ứng dụng. Những liên kết chèn vào phải có định dạng liên kết chuẩn, không phải dạng 1 nút và có chứa tên miền của website mà nó liên kết tới.

Ngoài ra, các nhà phát triển phải thêm 1 cửa sổ thông báo “Apple không chịu trách nhiệm về quyền riêng tư hoặc bảo mật của các giao dịch đang được thực hiện với nhà phát triển này” trước khi người dùng rời khỏi ứng dụng.

Apple cũng đưa ra một số hạn chế, chẳng hạn các ứng dụng đủ điều kiện sẽ không được cung cấp tính năng mua hàng trong ứng dụng hay các ứng dụng không cung cấp dịch vụ thời gian thực với 1 cá nhân như các chương trình dạy kèm và huấn luyện thể thao, vẫn sẽ phải thanh toán qua App Store.

Công ty cho biết các ứng dụng có chứa nội dung số như 1 tính năng, nhưng tập trung vào mục đích sử dụng khác, ví dụ như các mạng xã hội, cũng không trong diện áp dụng quy định mới.

Chính sách mới được đưa ra trong bối cảnh các quy định của App Store đang bị tòa án và các nhà lập pháp khắp thế giới giám sát chặt chẽ.

Đáp lại, Apple đã thực hiện một số thay đổi về chính sách và tạo ra các khoản khắc phục cũng như giảm giá cho các ứng dụng và nhà sản xuất nhất định, tuy nhiên công ty không từ bỏ lợi ích cốt lõi là quyền xác định phần mềm nào có thể chạy trên iPhone, đồng thời tiếp tục tranh luận rằng phí App Store không đơn giản là để xử lý các khoản thanh toán mà còn là chi phí cho việc phân phối và hỗ trợ của cửa hàng ứng dụng.

Cũng trong ngày 30/3, Apple cho biết đã thay đổi chính sách tại Hà Lan, nơi công ty vừa bị phạt gần 50 triệu Euro vì không tuân thủ yêu cầu của cơ quan giám sát chống độc quyền phải cho phép liên kết bên ngoài xuất hiện trên các ứng dụng hẹn hò.

Chính sách mới của “Nhà Táo” không bắt buộc các nhà sản xuất ứng dụng tại Hà Lan phải phát triển 1 phiên bản hoàn toàn khác, còn gọi là “bản nhị phân” (binary) như yêu cầu trước đó.

Vinh Ngô (theo CNBC)

Hà Lan phạt Apple 10 tuần liên tiếp

Hà Lan phạt Apple 10 tuần liên tiếp

Ngày 28/3, Apple tiếp tục bị Hà Lan phạt 5 triệu EUR (5,5 triệu USD) do không chấp hành yêu cầu của nhà chức trách về hệ thống thanh toán trên App Store.