Suốt nhiều năm qua, Apple luôn là một niềm tự hào của Washington với tư cách một trong những tập đoàn có giá trị lớn nhất thế giới. Nhưng giờ đây, nhà sản xuất Apple lại đang bị cáo buộc là "đầu têu" cho một xu hướng lách luật nguy hiểm.

{keywords}
CEO Tim Cook trở lại sau giờ nghỉ tại phiên điều trần hôm thứ 3 ở Washington, DC. Ảnh: Financialpost

Tổng Giám đốc Tim Cook được triệu tập đến Tiểu ban Điều tra của Thượng viện ngày hôm qua (22/5) để trả lời hàng loạt câu hỏi về những hành vi "có tính chất trốn thuế". Thế nhưng Cook lại tận dụng sự xuất hiện lần này để kêu gọi một đợt đại cải tổ chính sách đánh thuế doanh nghiệp của Mỹ. Trong mắt giới phân tích, đây là một sự đổi giọng sắc lẹm từ một hãng vốn chỉ thích lôi các đối thủ như Google hay Microsoft vào cuộc chiến với Bộ Tư Pháp Mỹ.

Và mặc dù việc bị giới chức Mỹ điều tra có thể gây thêm khó khăn không ít, bên cạnh những mối lo cố hữu như cổ phiếu giảm, sức ép cạnh tranh tăng... thì Apple dường như không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc quyết chiến về thuế đến cùng.

"Họ làm gì cũng có sách lược. Apple chỉ nhảy vào những sự vụ mà họ thực sự quan tâm", một cựu chuyên gia lobby giấu tên của Apple tiết lộ.

Gần đây, Apple đã hậu thuẫn cho một dự luật cho phép các tập đoàn quốc tế được chuyển lợi nhuận kinh doanh ở nước ngoài về quê nhà mà không phải nộp thuế thu nhập 35%. Tuy nhiên dự luật này đã không được thông qua.

Việc giữ lại lợi nhuận luôn là mối bận tâm hàng đầu của doanh nghiệp Mỹ, bởi có tới hơn 1.5 nghìn tỷ USD lợi nhuận của các hãng này đang nằm ở nước ngoài. Hầu hết giữ tiền bên ngoài biên giới nước Mỹ để tránh những khoản thuế cao ngất do Chính phủ áp đặt. Trước áp lực của các cổ đông, Apple thà chọn cách vay tiền với lãi suất thấp để trả cổ tức còn hơn là chuyển lợi nhuận nước ngoài về và gánh thuế.

Có thể nói, so với các gã khổng lồ công nghệ khác, Apple chi rất ít tiền cho khâu lobby trong suốt 10 năm qua. Hãng cũng thường từ chối bắt tay cùng giới công nghệ để đấu tranh cho những vấn đề mang tính toàn ngành. Năm 2009, Apple còn rút khỏi Hội đồng Thương mại Mỹ sau khi bất đồng quan điểm về biến đổi khí hậu. Các số liệu cho hay, trong năm ngoái, Apple chỉ chi khoảng 2 triệu USD cho lobby, chỉ bằng một phần nhỏ của con số 8,1 triệu USD do Microsoft chi ra, hay 16,5 triệu USD của Google.

Và cũng khác với những doanh nghiệp như AT&T hay Exxon Mobil, Apple không lập ra bất cứ quỹ "chính trị nào". Nói tóm lại, dấu ấn chính trị của Apple là rất mờ nhạt.

Điều mà Apple tập trung duy nhất, cho tới thời điểm hiện nay, vẫn là tạo ra các sản phẩm thời thượng. Ngay cả những nhà làm luật đang đay nghiến Cook về hành vi thuế của Apple cũng thừa nhận rằng họ là người dùng "cứng cựa" của iPhone và iPad. "Tôi yêu Apple!" - Thượng nghị sĩ CLaire McCaskill của đảng Dân chủ đã công khai tuyên bố như vậy.

Liệu cuộc chiến xung quanh đồng thuế này sẽ có kết cục ra sao - không ai có thể nói trước. Nhưng việc Apple nhảy vào cuộc chiến đã cho thấy một sự thay đổi lớn trong tâm lý các doanh nghiệp lớn của Mỹ, nhất là trong bối cảnh người khôn của khó hiện nay.

  • Trọng Cầm (Theo Reuters)