Ông Nguyễn Văn Giáp trở thành Tổng giám đốc Lenovo Việt Nam vào tháng 4/2018. Trước đó, ông có 12 năm kinh nghiệm ở những vị trí quan trọng tại các công ty công nghệ lớn. Vừa qua, ông đã giành thời gian chia sẻ với ICTnews về các xu hướng công nghệ trên thế giới năm 2019 và tiềm năng ứng dụng các công nghệ này tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Giáp, Tổng giám đốc Lenovo Việt Nam. |
Theo ông, sẽ có những xu hướng CNTT nổi bật nào trên thế giới trong năm 2019?
Xu hướng CNTT thì tương đối rộng, sẽ đến từ di động, mạng xã hội, thực tế ảo tăng cường (AR), dữ liệu lớn (Big Data) cho đến Internet vạn vật (IoT) hoặc khai thác dữ liệu. Tuy nhiên, tôi sẽ nói nhiều về sáng tạo thiết bị.
Sáng tạo thiết bị, đầu tiên liên quan đến không gian (làm việc và giải trí) thông minh hơn. Chẳng hạn ở nhà mình sẽ có những thiết bị giúp mình thu thập thông tin về nhiệt độ, dự báo thời tiết, báo thức hay lịch làm việc và một số tính năng hỗ trợ cung cấp thông tin. Với không gian văn phòng, xu thế trong năm nay sẽ là văn phòng làm việc ngày càng thông minh hơn, di động hơn. Chẳng hạn khi đi công tác hay du lịch, tuy ra khỏi văn phòng nhưng vẫn tương tác thuận lợi với các hệ thống nội bộ hoặc họp hành với các đồng nghiệp trong nước lẫn nước ngoài.
Xu hướng thứ 2 kết hợp giữa cả phần mềm và phần cứng, liên quan đến IoT, AI (trí tuệ nhân tạo), AR và VR (thực tế ảo) sẽ ngày càng phổ biến rộng rãi trong các ngành như y tế, giáo dục và bán lẻ. IDC dự báo đến năm 2022, quy mô thị trường sản phẩm và dịch vụ AR/VR sẽ đạt khoảng 53 tỷ USD.
Chẳng hạn Lenovo đang làm với một số đối tác công nghệ lớn như Google để các kính thực tế ảo được tích hợp thêm phần mềm, thêm nội dung giúp tăng cường trải nghiệm của người dùng và ứng dụng trong môi trường giáo dục, nâng cao hiệu quả giảng dạy hay y tế và bán lẻ.
Thứ 3, xu hướng thực tế ảo hay tương tác ảo không chỉ dừng ở nhu cầu giải trí nữa, mà nó sẽ được đưa vào môi trường sản xuất, lao động và công việc.
Bạn có thể chứng kiến một tập đoàn bất động sản sử dụng kính thực tế ảo để cho khách trải nghiệm các dự án họ đang bán. Thay vì đến tận nơi xem, giờ đây khách hàng có thể lên mạng, đến phòng trải nghiệm, đeo kính thực tế ảo và tận hưởng các trải nghiệm như thật khi tham quan bất kỳ khu vực nào mà chỉ cần ngồi tại chỗ.
Cuối cùng, xu hướng làm việc di động, làm việc từ xa hoặc BYOD (nhân viên tự mang thiết bị của mình tới kết nối mạng và làm việc tại văn phòng) sẽ dễ gặp phải những vấn đề bảo mật. Do đó hầu hết tất cả các nhà cung cấp, từ phần cứng đến phần mềm tập trung để đảm bảo tất cả công nghệ, sản phẩm trong thời gian tới phải giải quyết được bài toán an ninh an toàn. Lenovo cũng sẽ bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật cao nhất.
Những xu hướng như vậy đang được ứng dụng thế nào thưa ông?
Chúng sẽ được ứng dụng để phục vụ công việc lẫn giải trí hàng ngày cho người dùng.
Ví dụ không gian thông minh, Lenovo đã giới thiệu dòng sản phẩm Lenovo Smart Tabs tích hợp trợ lý ảo Alexa của Amazon, trở thành trung tâm điều khiển thông minh cho ngôi nhà của bạn. Chẳng hạn khi để thiết bị ở đầu giường, sáng sớm khi thức dậy người dùng có thể “hỏi” thiết bị về lịch họp, lịch bay, thiết bị sẽ đồng thời tích hợp được vé máy bay, đặt chỗ khách sạn và sẽ gợi ý thời tiết ở điểm đến.
Ngoài ra, tại IFA vừa rồi, chúng tôi ra mắt một số sản phẩm mới ví dụ như bóng đèn thông minh, các cảm biến xây dựng trên đám mây. Từ thiết bị trung tâm có thể điều khiển tăng/giảm nhiệt độ của máy lạnh, tắt/mở đèn...
Riêng AR và VR, do giới hạn về nội dung nên trong thời gian tới sẽ trình diễn nhiều hơn là triển khai. Chúng tôi cũng đã và đang phát triển các sản phẩm AR/VR ứng dụng trong các lĩnh vực như bất động sản, giáo giục, y tế. Tuy nhiên, tôi cho rằng tại thời điểm này, Việt Nam vẫn thiên về trình diễn nhiều hơn là có thể triển khai được, do thiếu nội dung. Sắp tới, chúng tôi sẽ tham gia hội nghị chuyên về giáo dục của Bộ Giáo dục - Đào tạo, trong đó sẽ trình diễn những giải pháp sử dụng kính thực tế ảo.
Về xu hướng bảo mật thiết bị, chúng tôi có laptop ThinkPad được bảo mật cả ổ cứng dữ liệu kết hợp với bảo mật hệ điều hành từ Windows 10. Ngoài ra, chúng tôi mới giới thiệu ThinkShield, một giải pháp bảo mật tổng thể chẳng hạn cho phép chỉ có người sở hữu máy ngồi trực diện màn hình mới thấy nội dung, những người ngồi kế bên nhìn sang sẽ không thấy được.
Hoặc như ThinkSmart Hub 700 cho môi trường làm việc thông minh, được tích hợp với giải pháp Skype for Business của Microsoft.
Đối với thị trường như Việt Nam, sẽ hơi khó trong thời gian đầu vì dữ liệu có rất ít. Tôi nghĩ Việt Nam sẽ đi sau các nước tiên tiến, do đó hiện tại cần phát triển thị trường trước.
Công nghệ AR, VR ở Việt Nam mới chỉ ứng dụng trong thực tế do thiếu nội dung, vậy ở nước nào hay khu vực nào mà ông thấy nó đã phát triển?
Ở một số quốc gia phát triển, tiên tiến đã áp dụng những công nghệ này trong cuộc sống. Ví dụ trong lĩnh vực y tế, tại Hongkong, Lenovo có làm một chương trình cho bệnh viện. Dựa trên dữ liệu mô phỏng của bệnh tim, máy có thể đoán một bệnh nhân bị bệnh tim cụ thể nào, như bị hở van tim hay động mạch vành hay vấn đề về máu. Trong quá trình mô phỏng, các bác sĩ tham gia hội chẩn đồng thời ở nhiều nước khác nhau sẽ được nhìn thấy quả tim qua kính thông minh để cùng tham gia thảo luận và lên phương án chữa trị.
Để xây dựng được hình thức mô phỏng như vậy dựa trên AI (trí tuệ nhân tạo) thì dữ liệu thống kê nạp vào phải đủ nhiều, từ đó đưa ra các dự đoán đúng. Ví dụ một người mỡ máu cao, kết hợp thông tin chế độ ăn uống, tập luyện, tiền sử bệnh, gia phả,… thì mới đưa ra dự báo rủi ro mắc bệnh.
Đối với thị trường như Việt Nam, sẽ hơi khó trong thời gian đầu vì dữ liệu có rất ít. Tôi nghĩ Việt Nam sẽ đi sau các nước tiên tiến, do đó hiện tại cần phát triển thị trường trước.
Tiềm năng của lĩnh vực nào ở Việt Nam ông thấy đang phát triển?
Tôi nghĩ là giáo dục. Như Topica có mô hình dạy học qua mạng, kết nối được với tất cả giáo sư, giảng viên ở các trường lớn trên thế giới để phục vụ giảng dạy thay cho việc người học phải đến các lớp học truyền thống.
Nếu những công ty kinh doanh giáo dục dạng này có thêm các thiết bị AR, VR bổ trợ cho quá trình giảng dạy thì nội dung sẽ thuyết phục hơn rất nhiều và sinh động hơn.
Hoặc một số trường quốc tế cũng sẵn sàng đầu tư vào các trải nghiệm của người học vì họ có thể tính chi phí đó vào học phí.
Ngoài ra còn có mảng sản xuất, nhà máy. Chẳng hạn để đào tạo một người mới, một thực tập sinh về một chiếc tuabin máy bay. Sẽ rất tốn chi phí để mang chiếc tuabin vào lớp học nhưng nếu có kính thông minh VR hay AR thì việc này sẽ dễ hơn nhiều. Người học có thể nhìn thấy sản phẩm ở mọi góc cạnh, có thêm thông số kỹ thuật hiện lên và thậm chí người học có thể tham gia điều chỉnh các hình ảnh, thông số thiết bị.
Ở phân khúc người dùng cuối có lẽ các sản phẩm về game sẽ phát triển. Lenovo đã kết hợp với Walt Disney phát triển bộ thiết bị thực tại ảo Star War: Jedi-Challenges, cho phép người chơi đóng vai các nhân vật, với thanh kiếm tích hợp những thiết bị cảm biến như thật. Khi người chơi vung kiếm, kiếm sẽ rung, chạm, tóe lửa…
Các nhà sản xuất cạnh tranh với nhau khá khốc liệt, theo ông lợi thế cạnh tranh nào sẽ giúp các hãng giành được khách hàng?
Mỗi nhà sản xuất sẽ có lợi thế cạnh tranh riêng. Như Lenovo luôn cam kết cải tiến sản phẩm. Công ty đã đầu tư hơn 1.4 tỷ USD mỗi năm vào R&D để phát triển những sản phẩm mang tính sáng tạo, như dòng máy tính Yoga chẳng hạn.
Chúng tôi cũng có dải sản phẩm đầy đủ từ máy tính, máy tính bảng, máy trạm, di động, các thiết bị thông minh tới giải pháp trung tâm dữ liệu. Đây là lợi thế lớn khi cung cấp giải pháp toàn diện cho khách hàng.
Ví dụ đối với khách hàng doanh nghiệp hiện nay đang rộ xu hướng cho thuê thiết bị - DaaS (Device as a Service) - tức là cho thuê các thiết bị phần cứng tương tự cho thuê phần mềm. Chẳng hạn một doanh nghiệp khi mở rộng quy mô, họ không muốn đầu tư một số tiền lớn ngay ban đầu mà muốn thuê, thì có thể thuê PC, laptop, máy chủ, thậm chí điện thoại di động trang bị cho nhân viên và có thể trả lại sau một thời gian.
Với lợi thế dải sản phẩm rộng, Lenovo tự tin đang đi đúng hướng, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng và giành vị thế lớn trên thị trường.
Xin cảm ơn ông.