Được người Israel yêu mến song bị hầu như cả thế giới Ả rập chửi rủa, cựu Thủ tướng Israel Ariel Sharon chứng tỏ mình là một nhân vật gây tranh cãi khắp Trung Đông trong hơn 5 thập niên.


{keywords}

Vừa được yêu, vừa bị ghét

Dù tốt hay xấu, trong mỗi sự kiện lớn trong lịch sử Israel cận đại, Ariel Sharon chính là người mà dân Israel hướng tới khi họ nghĩ không còn lựa chọn nào khác.

"Tôi có thể nói và nhìn vào mắt người dân Israel và thuyết phục họ có thỏa hiệp đau đớn", ông Sharon tuyên bố hồi tháng 8/2001. "Tôi chứng kiến cảnh bạn bè mình bị giết, chính bản thân tôi cũng bị thương nặng trong chiến tranh. Tôi phải đưa ra quyết định sống hay chết với những người khác cũng như với bản thân tôi, và tôi tin rằng tôi hiểu được tầm quan trọng của hòa bình nhiều hơn nhiều nghị sĩ khác đang nói cùng một chủ đề".

Người Israel gọi ông là "xe ủi đất", một nhà lãnh đạo không biết sợ là gì, người có thể thực hiện mọi việc. Cố vấn cấp cao của ông Sharon là Raanan Gissin nói: "Ông luôn lo lắng về vận mệnh của người Do thái và rõ ràng là những người Do Thái đang sống trên thế giới này phải biết đứng lên và chiến đấu".

Trong suy nghĩ của những đối thủ của ông Sharon, như nhà lập pháp Palestine Hanan Ashrawi, cựu thủ tướng Israel này đúng là một xe ủi đất trong cửa hiệu đồ sứ. "Sharon là nhà lãnh đạo Israel tàn bạo nhất. Không lưỡng lự, không ăn năn - giết hại tất cả mọi người, đàn ông, đàn bà, trẻ em, phá hủy nhà cửa, triệt hạ cây cối và mùa màng, ăn cướp đất".

Bước đường lên tới đỉnh cao quyền lực

Chào đời tại một trang trại ở ngoại ô Tel Aviv vào 26/2/1928, là con trai của cặp vợ chồng di cư người Nga, Ariel Sharon đã học những bài học từ làm việc trên ruộng đồng tới văn phòng cao nhất ở Israel.

"Khi cha thấy tôi mệt, ông ấy sẽ dừng lại một phút và nói: hãy xem chúng ta làm xong được bao nhiêu việc rồi này. Từ đó, tôi luôn cố gắng và nghĩ chúng tôi đã làm xong được bao nhiêu việc rồi", Ariel Sharon nhớ lại và kể vào năm 2001.

Sharon đã chiến đấu rất dũng cảm trong cuộc chiến giành độc lập của Israel và từ một lính dù đã thăng tiến vùn vụt, giống như những người sáng lập khác của Israel. "Ông ấy cao lớn, ông ấy đẹp trai, tóc vàng. Và họ nhìn ông ấy rồi nghĩ: Đó là những gì chúng ta đã tạo ra cho mảnh đất này, đó là Do thái mới", nhà sử học Michael Oran nói.

Tuy nhiên, tranh cãi chưa bao giờ rời xa. Năm 1953, sau một đợt Israel phải hứng chịu tấn công khủng bố từ Jordan, Sharon thành lập và chỉ huy đơn vị khét tiếng 101, đơn vị được giao tiến hành các vụ tấn công trả đũa. Một trong các sứ mệnh là đột kích vào thị trấn vùng biên Kibya, trong lần đó 45 ngôi nhà bị thổi bay, 69 dân làng Ả rập bị giết. Sharon cho rằng, các ngôi nhà đều không có người ở.

Tháng 6/1967, Sharon trở lại chiến trường với hàm tướng, ông dẫn dắt tiểu đoàn xe tăng tới với chiến thắng, đánh bại quân Ai Cập tại Sina trong cuộc chiến 6 ngày.

Tuy nhiên, với Sharon, chiến thắng quân sự lớn nhất của ông chính là Cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 khi một cuộc tấn công bất ngờ của liên minh các nước Ả rập do Ai Cập và Syria lãnh đạo đã buộc Sharon phải bất tuân mệnh lệnh bằng việc bao vây quân Ai Cập, dẫn quân Israel vượt kênh Suez. Đây là bước ngoặt của chiến tranh.

"Sharon là chỉ huy kiểu khi mọi việc trở nên khắc nghiệt - bất ổn và thương vong - binh sĩ luôn hướng về ông để chờ mệnh lệnh, giống như ánh sáng soi đường trong đêm tối", Gissin nói. "Ông chống lại mọi quan điểm ở hậu phương. Ông nói, chỉ huy phải là người đứng đầu với binh sĩ ở tiền tuyến".

Sau khi rời khỏi quân đội, Sharon quay sang chính trị. Là một thành viên của đảng bảo thủ Likud, ông đã giữ vài vị trí trong chính quyền Israel. Ông là cha đẻ của các khu định cư - các khu định cư của cộng đồng Do thái xây trên đất chiếm đóng của người Palestine. Các khu định cư này bị quốc tế lên án và bị một số người ở Israel coi là một trở ngại đối với hòa bình.

"Đó là đất của Israel và chúng ta sẽ ở đó vĩnh viễn", Sharon tuyên bố cương quyết.

Đồ tể trong mắt thế giới Ả rập 

Là bộ trưởng quốc phòng, ông Sharon là kiến trúc sư của cuộc chiến thảm khốc năm 1982 của Israel tại Lebanon. Ông ra lệnh xâm lược Lebanon để ngăn Tổ chức giải phóng Palestine dùng nước này như một căn cứ để tấn công Israel.

"Đó là một cuộc xâm lược bất hạnh, yểu mệnh", nhà phân tích chính trị David Horovitz bình luận. "Sharon cố chơi trò siêu cường ở đây và định tái sắp xếp khu vực theo hướng có lợi cho Israel".

Năm 1983, một tòa án Israel phát hiện ông Sharon phải chịu trách nhiệm gián tiếp cho vụ thảm sát hàng trăm người Palestine tại trại tị nạn Sabra và Shatila ở Lebanon. Vụ thảm sát do nhóm quân Christian Phalangist - đồng minh của Israel tiến hành và ông Sharon bị phát hiện không làm gì để ngăn cản.

Ariel Sharon buộc phải từ chức và bị cấm làm bộ trưởng quốc phòng, một sự trừng phạt khiến Sharon "người có lớp da dày" phải đau khổ. "Ông ấy cảm thấy bị phản bội, bị chính phủ phản bội", Gissin bình luận.

Trong thế giới Ả rập, Sharon bị gọi là Đồ tể của Beirut. "Ông ấy bị căm ghét, máu không chỉ dính trên tay ông ấy mà mỗi nơi ông ấy đi qua thì đều xuất hiện những vệt máu. Sharon là nhà lãnh đạo Israel tàn bạo nhất", Ashrawi nhận xét.

Những năm 1990 là năm hồi phục chính trị của Sharon và ông trở thành lãnh đạo đảng Likud vào năm 1999. Tháng 9 cùng năm, ông có chuyến thăm khét tiếng tới Temple Mount - nơi thiêng liêng nhất với người Do Thái, nơi mà những người Hồi giáo gọi là Haram al-Sharif, "nơi thiêng liêng nhất".

Bạo lực không lâu sau đã bùng phát, người Palestine cho rằng lần bùng phát này đã dẫn tới Intifada hay cuộc nổi dậy lần 2.

Tái xuất từ nấm mồ chính trị

Trong cảnh bạo lực diễn ra sau đó, Sharon đắc cử Thủ tướng. Một lần nữa, người Israel lại hướng về "xe ủi đất", người hứa mang lại hòa bình và an ninh.

Sau đó, khi được hỏi rằng làm thế nào ông lại có sự trở lại phi thường như vậy từ nấm mồ chính trị. Sharon trả lời: "Có lẽ họ đã cố chôn tôi quá sớm và có lẽ huyệt chưa đủ sâu. Tôi chỉ có thể nói với bạn như vậy".

Sau đợt đánh bom liều chết làm rung chuyển Israel, Sharon phái binh sĩ, xe tăng tràn vào các thành phố Palestine, ra lệnh ám sát các lãnh đạo du kích Palestine. "Hãy tin tôi, chúng ta đã chứng tỏ sự kiềm chế. Tôi đang phải chịu sức ép nặng nề là hành động khác đi".

Dĩ nhiên, người Palestine có quan điểm khác. "Tôi cho rằng Sharon nên được coi là người phạm tội dã mãn nhất trong lịch sử trên đất Palestine", Ashrawi nói.

Chính Thủ tướng Sharon là người ra lệnh xây hàng rào ở Bờ Tây và giam lỏng lãnh đạo Palestine Yasser Arafat trong nhà ông này ở Ramallah với cáo buộc ông Arafat khuyến khích các cuộc tấn công vào Israel.

Năm 2001, Ariel Sharon tuyên bố trên CNN rằng "không nghi ngờ gì nữa, Arafat là một tên khủng bố".

Bạo lực tiếp diễn, người Israel tiếp tục bầu Sharon làm Thủ tướng nhiệm kỳ II vào tháng 1/2003. Không lâu sau đó, ông Sharon đưa ra thông báo lịch sử: Israel sẽ từ bỏ khu định cư của người Do Thái ở Gaza và một phần Bờ Tây.

Sharon phái cảnh sát và binh sĩ kéo người định cư khỏi nhà họ, một động thái khiến ông được các nước khác hoan nghênh song lại bị nhận vô số sự nhạo báng và dọa giết từ những người định cư, những người từng có lúc coi ông là anh hùng.

Một nhóm nhỏ những kẻ nổi dậy đã khuấy động bất ổn trong nội bộ đảng Likud, và cuối năm 2005, Sharon cảm thấy đã quá đủ. Ông rời Likud và lập một nhóm chủ trương ôn hòa lấy tên là Kadima, theo tiếng Hebrew nghĩa là tiến về phía trước.

Thăm dò sớm cho thấy, ông Sharon sẽ tái cử nhiệm kỳ 3. Tuy nhiên, người đàn ông mà bao người nghĩ sẽ không thể dừng bước, bất ngờ bị đột quỵ nhẹ vào 18/12/2005. Với tính cách đặc trưng, Sharon cố vượt qua bệnh tật. Tuy nhiên, hai tuần sau, ông phải trở lại viện sau khi bị đột quỵ lần 2, lần này nghiêm trọng hơn.

Ariel Sharon phải trải qua ba cuộc phẫu thuật trong 24h khi bác sĩ cố đánh thức ông từ tình trạng hôn mê sau. Chỉ có vài dấu hiệu của sự sống. Tuy nhiên, kể từ đó, ông chìm trong hôn mê.

Tới ngày 11/1/2014, cựu Thủ tướng Ariel Sharon, nhân vật gây tranh cãi nhất Trung Đông suốt nhiều thập niên, đã ra đi ở tuổi 85. Cuối cùng, người Israel cũng phải chấp nhận sự thật, Sharon không thể trở lại.

  • Hoài Linh (Theo CNN, DailyMail, Rian)