- Trong tuyên bố Chủ tịch hội nghị Cấp cao ASEAN-24 ra hôm nay, các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông.
Trong tuyên bố, các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
|
Ảnh: VGP |
Nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), các nhà lãnh đạo ghi nhận tầm quan trọng của Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về tình hình hiện nay ở Biển Đông hôm 10/5.
Một tuyên bố khác của Cấp cao ASEAN 24 là tuyên bố Naypyidaw về xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 cũng nhấn mạnh những diễn biến ở Biển Đông.
“Tăng cường hợp tác bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển 1982, đặc biệt kêu gọi tất cả các bên thực hiện kiềm chế và không sử dụng vũ lực, cũng như không tiến hành các hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng và sớm đạt được Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC) như đã được thể hiện trong Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông”.
Trước đó, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng đã thông qua một Tuyên bố riêng về tình hình nghiêm trọng hiện nay ở Biển Đông.
Vấn đề Biển Đông được các nhà lãnh đạo đặc biệt quan tâm và dành nhiều thời gian trao đổi tại các hội nghị của Cấp cao ASEAN 24.
Trước tình hình nghiêm trọng hiện nay ở Biển Đông do việc TQ hạ đặt giàn khoan và điều nhiều tàu hộ tống xâm phạm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN, các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định ASEAN cần thiết phải có tiếng nói chung bày tỏ quan ngại sâu sắc và nhấn mạnh tầm quan trọng phải triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982 và Tuyên bố DOC; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện kiềm chế, không làm phức tạp tình hình; nhấn mạnh sự cấp thiết cần sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Trong phiên họp toàn thể của Cấp cao ASEAN 24, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu vụ việc giàn khoan HD 981 của TQ.
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên TQ ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) mà TQ là một bên tham gia ký kết.
“Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên lề hội nghị, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Indonesia cũng bày tỏ quan ngại về sự gia tăng căng thẳng ở khu vực này và cho rằng mọi tranh chấp cần phải được giải quyết một cách hòa bình, không qua can thiệp quân sự và Indonesia sẵn sàng phối hợp cùng VN và các bên liên quan tìm những giải pháp phù hợp cho vấn đề này.
Linh Thư