Các chuyên gia tài chính tự xưng ở Australia sẽ phải đối mặt với mức án 5 năm tù giam nếu cung cấp lời khuyên về sản phẩm hoặc dịch vụ tài chính mà không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, theo Insider.
Những người này được gọi dưới cái tên finfluencer (tạm dịch: người có ảnh hưởng về tài chính trên mạng), viết tắt của financial (tài chính) và influencer (người có ảnh hưởng).
Finfluencer có thể dùng để chỉ bất kỳ ai nói về tài chính, đầu tư và được mọi người quan tâm theo dõi trên mạng xã hội. Ảnh: Money Management. |
Theo Ủy ban Đầu tư và Chứng khoán Australia (ASIC), nhiều người có ảnh hưởng tài chính đang thu hút công chúng bằng các thông tin sai lệch. Các finfluencer sử dụng mạng xã hội để đưa ra lời khuyên tư vấn, từ sản phẩm tài chính cho đến lập ngân sách, danh mục.
Nhiều bên đưa ra lời hứa hẹn về lợi nhuận đáng kể từ các khoản đầu tư. Rất nhiều người trong số này không có bằng cấp hay chứng chỉ liên quan đến ngành tài chính.
Theo quy định mới, những người có ảnh hưởng thiếu bằng cấp không được cung cấp lời khuyên về sản phẩm hoặc dịch vụ tài chính hay các thông tin gây hiểu lầm, lừa đảo. Cá nhân vi phạm có thể phạt tù tối đa 5 năm và các công ty có thể phải nộp phạt hàng triệu USD.
Theo quy định mới, các chuyên gia tài chính tự xưng ở Australia không được đưa ra các thông tin có thể tác động đến tâm lý người theo dõi. |
“Hãy suy nghĩ kỹ về nội dung chia sẻ và tự hỏi liệu bạn có đang cung cấp các dịch vụ tài chính mà không có giấy phép hay không, chẳng hạn như tư vấn về sản phẩm tài chính. Nếu bạn kinh doanh chúng, bạn phải có giấy phép AFS (Dịch vụ Tài chính Australia)”, trích thông báo của ASIC.
Một finfluencer có tên Tyson Scholz chuẩn bị hầu tòa vào tháng 5 với cáo buộc điều hành một doanh nghiệp dịch vụ tài chính không có giấy phép.
Trước đó, người đàn ông 36 tuổi rao bán các khóa học đào tạo và hội thảo về giao dịch chứng khoán trên mạng. Tài khoản của Tyson có hơn 22.500 lượt theo dõi trước khi đóng cửa.
ASIC đang nỗ lực để lệnh cấm Tyson quảng cáo hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh tài chính được chấp thuận.
Trong vài năm gần đây, chuyện đầu tư vào chứng khoán, tiền điện tử ngày càng phổ biến với thế hệ trẻ tuổi ở Australia. Theo khảo sát của ASIC vào tháng 12 năm ngoái, một phần ba người dân nước này trong độ tuổi 18-21 có theo dõi ít nhất một finfluencer trên mạng.
Khi nhiều nước còn thiếu các quy định pháp luật xung quanh vấn đề này, người dùng mạng xã hội được khuyến cáo nên cẩn trọng trước những "mẹo tài chính" đang tràn lan trên không gian ảo. Ảnh: ABC.net |
Cuộc khảo sát cũng cho thấy 64% thanh niên ở Australia thừa nhận họ đã thay đổi cách thức đầu tư sau khi nghe theo lời khuyên của những người có ảnh hưởng tài chính.
Một finfluencer có tên Ellie Withers cho biết mình đã phải xóa một số bài đăng cũ của mình để tuân thủ quy tắc mới.
“Tôi phải xóa các bài đăng đề cập đến danh mục của mình vì chúng cho thấy tôi đang đầu tư vào đâu. Theo luật mới, điều này không được phép vì những gì những người như tôi bỏ tiền vào có thể khiến người theo dõi bắt chước theo”, cô gái 29 tuổi, không có bằng cấp gì liên quan đến ngành tài chính, cho hay.
Withers, hiện có hơn 1.300 người theo dõi, nói rằng hướng dẫn mới của ASIC còn rất mông lung.
“Có rất nhiều sự xáo trộn trong cộng đồng finfluencer hiện giờ, với rất nhiều người tin rằng những quy tắc mới rối rắm, khó hiểu được đặt ra nhằm mục đích gây khó khăn cho người làm công việc này. Việc này không cấm được người dân tìm kiếm thông tin từ các chuyên gia tài chính tự xưng đến từ những nước khác”, cô bày tỏ.
(Theo Zing)
Finfluencer - ‘Chuyên gia tài chính’ trên MXH: Không bằng cấp, kinh nghiệm nhưng dạy làm giàu nhờ chứng khoán, tiền số, khuyên đủ thứ từ mua nhà đến đầu tư
Những người này thường khéo léo phủ nhận trách nhiệm từ đầu để nếu fan làm theo lời khuyên của họ mà không hiệu quả thì cũng không có cớ bắt đền.