Trào lưu sinh con năm Rồng tại Trung Quốc cũng khiến nhiều trung tâm chăm sóc sản phụ tại New York thơm lây khi ngày càng nhiều bà bầu giàu có sẵn sàng bỏ hàng trăm ngàn USD để tới Mỹ "vượt cạn".

TIN BÀI KHÁC:

Các bà bầu giàu có ở Trung Quốc đổ xô tới Mỹ để tìm kiếm dịch vụ tốt hơn. (Ảnh minh họa)

Trời bắt đầu sáng khi Nancy Chen đi tới sân bay JFK để đón một bà mẹ tương lai-người đã đáp chuyến bay dài từ Trung Quốc đến New York để chờ ngày lâm bồn.

Chen, chủ một trung tâm phụ sản tư nhân ở New York, bắt đầu công việc kinh doanh của mình cách đây 5 năm. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, công việc làm ăn của cô lại trở nên phát đạt hơn bao giờ hết khi nhiều bà bầu từ Trung Quốc tìm đến cô.

Trung tâm phụ sản, nằm trên một con phố yên tĩnh ở Bayside, sẽ chật kín trong thời gian từ tháng 5 tới tháng 12, Chen cho biết. Trung tâm này có 9 phòng, được trang trí với những bức tường dán hoa cỏ vui mắt và hình những em bé sơ sinh ngộ nghĩnh.

"Số lượng các bà bầu tới từ Trung Quốc sẽ tăng 50% so với những năm trước," Chen nói. "Tôi đã nhận được nhiều cuộc điện thoại và thư điện tử từ Trung Quốc mỗi ngày từ hồi tháng Hai tới nay. Năm nay bận rộn tới nỗi chúng tôi thậm chí không cần phải đẩy mạnh quảng cáo tại Trung Quốc."

Năm Rồng được coi là thời gian may mắn và lạc quan nên nhiều cặp vợ chồng tại Trung Quốc đã quyết định sinh con vào năm này. Những đứa trẻ sinh vào khoảng thời gian từ 23/1/2012-9/2/2013, được kỳ vọng sẽ khỏe mạnh, thông minh. Nhờ vậy, công việc kinh doanh dịch vụ chăm sóc sản phụ ở New Yor cũng được "thơm lây".

Ada, chủ trung tâm sản phụ Anran, tiết lộ công việc làm ăn của cô rất suôn sẻ trong năm nay. Toàn bộ 8 phòng tại trung tâm đều đã được đặt hết tới tháng 11 và nhiều người còn gọi điện hỏi đặt chỗ.

Một đại diện dịch vụ khách hàng tại Family Care cũng cho biết trung tâm này đã không còn phòng trong thời gian tháng 7 và tháng 8. "Hơn 80% các khách hàng đều tới từ Trung Quốc," cô nói.

Du lịch tới Mỹ để sinh con đã trở nên phổ biến đối với các bà bầu tới từ Hàn Quốc, Đài Loan và Hong Kong. Bắt đầu từ một thập kỷ trước, xu hướng này đã thu hút các bà bầu có điều kiện ở Trung Quốc.

Số lượng phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu tới từ Trung Quốc tham gia vào "du lịch sinh nở" đã tăng mạnh từ năm 2007, khi chính phủ Mỹ phát hành thị thực không di dân B-2 đối với Trung Quốc đại lục, Chen cho hay. Theo luật, những đứa trẻ được sinh tại Mỹ sẽ tự động được cấp quyền công dân, ngay cả khi chúng không có người thân sống tại đây.

Các trung tâm sinh sản thường phục vụ người nhập cư tới từ Trung Quốc bắt đầu cung cấp dịch vụ chăm sóc bà bầu tới từ các quốc gia khác. Trước khi lan rộng về phía đông New York, các trung tâm sản phụ như của Chen chủ yếu hoạt động tại các thành phố ở Bờ Tây, chẳng hạn như Los Angeles, San Francisco và hầu hết đều do những người nhập cư tới từ Đài Loan điều hành.

Nhằm hướng tới thị trường đại lục, nhiều trung tâm tại New York đã đưa ra các gói lựa chọn cho khách hàng có nhu cầu khác nhau. Gói rẻ nhất là 90.000 NDT (khoảng 14.000 USD), trong khi gói đắt nhất lên tới 800.000 NDT (khoảng 127.000 USD).

"Dịch vụ trọn gói của chúng tôi thường bao gồm 4 tháng thuê phòng, ba bữa cơm một ngày, tiền taxi hàng tháng để đi kiểm tra trước khi sinh," Chen nói. "Chúng tôi cũng giúp chăm sóc trẻ sơ sinh vì thế các bà mẹ có nhiều thời gian hơn để phụ hồi trong thời gian 1 tháng sau khi 'vượt cạn'".

Theo trang web của Family Care, trung tâm này cũng cung cấp một loạt các lựa chọn khác cho những khách hàng triển vọng. Gói tiết kiệm bao gồm 3 tháng ở trong một căn phòng 5 mét vuông, trong khi đó gói 800.000 NDT (khoảng 126.430 USD) sẽ là một căn phòng rộng 80 mét vuông trong vòng 4 tháng.

Swan Di, tới từ Trung Quốc, vừa mới sinh hạ một bé trai tại trung tâm của Chen, nơi cô rất hài lòng về dịch vụ chăm sóc đối với cô và đứa con mới chào đời.

"Tôi không có gia đình ở đây," Di nói. Sống trong trung tâm giúp tôi vượt qua được nhiều khó khăn.

"Chồng tôi và tôi không có kế hoạch sinh một em bé năm rồng nhưng vẫn xảy ra một sự trùng hợp ly kỳ," cô nói. "Tôi nghe nhiều người bạn nói rằng họ muốn có 'rồng con' bởi vì năm Rồng là biểu tượng của may mắn."

Đa số phụ nữ Trung Quốc, những người tới Mỹ để sinh con đều khá giả và họ thường đi mua sắm trong suốt thời gian chờ sinh, Chen nói.

"Khách hàng tới từ Trung Quốc thường ở đây từ 4-6 tháng," cô nói. "Nếu không có bảo hiểm, họ sẽ phải trả khoảng 35.000 USD, bao gồm 10.000 USD viện phí," mặc dù vậy con số này có thể thay đổi tùy theo khả năng tài chính của từng người.

"Hầu hết các khách hàng Trung Quốc tới trung tâm của tôi đều là nữ doanh nhân, vì thế họ độc lập về tài chính và đủ khả trả cho những chi phí đắt đỏ," Chen giải thích. "Một trong số họ từng mua 15 chiếc túi Louis Vuitton trong suốt thời gian ở đây cũng với nhiều món đồ đắt tiền khác cho bạn bè và người thân."

Một vài bà mẹ mới sinh thậm chí còn tiếp tục mua đồ dùng cho em bé từ Mỹ mặc dù đã quay về Trung Quốc vì cho rằng chúng "an toàn và tốt cho sức khỏe hơn".

Mặc dù công việc làm ăn đang phát đạt nhưng Chen cũng không khỏi lo lắng cho tương lai

"Tôi biết một vài trung tâm đã nỗ lực thu hút khách hàng Trung Quốc vì lợi nhuận hấp dẫn và tôi cũng không ngoại lệ," cô nói. "Tuy nhiên tôi nghĩ công việc này chỉ tạm thời tiến triển trong năm Rồng. Rất có thể, mọi thứ sẽ quay trở lại bình thường sau năm Rồng. Thêm vào đó, bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách quốc tịch sẽ không ảnh hưởng tới các khách hàng trong nước."

Chen đang đề cập tới một cuộc tranh luận chính trị ầm ĩ về "quyền thừa kế thành công dân", được đảm bảo tại Tu chính án thứ 14 trong Hiến pháp Mỹ. Một số nhà lập pháp trong Quốc hội và cơ quan lập pháp bang đã kêu gọi xem xét lại quy định sửa đổi tự động cấp quyền công dân cho bất cứ ai sinh ra ở Mỹ.

Sầm Hoa (Theo China Daily)