Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), những năm gần đây, nhiều công trình hạ tầng thiết yếu đã được đầu tư xây dựng ở vùng đồng bào DTTS trên cả nước. Từ đó góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng ở cơ sở, giúp đồng bào DTTS có thêm động lực và điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, các dự án hỗ trợ sản xuất đã và đang giúp cho đồng bào DTTS nghèo thay đổi tư duy sản xuất và có cơ hội vươn lên thoát nghèo.
Là một trong 6 dân tộc bản địa ở tỉnh Kon Tum, người Giẻ- Triêng có tổng dân số trên 33.000 người, cư trú tập trung chủ yếu ở huyện Ngọc Hồi, huyện Đăk Glei tỉnh Kon Tum, dọc theo đường Hồ Chí Minh gần biên giới với nước bạn Lào.
Đăk Plô (huyện Đăk Glei) là xã biên giới đặc biệt khó khăn, có 4 thôn với 440 hộ, 1.473 khẩu (đa số là dân tộc Giẻ - Triêng). Ngoài việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, những năm qua, với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đồng bào Giẻ Triêng ở xã Đăk Plô đã nỗ lực lao động, sản xuất nâng cao đời sống.
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến bà con bằng nhiều chính sách như, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và đào tạo nghề giải quyết việc làm, nên kinh tế của bà con đã có sự phát triển nhiều, không còn nghèo khó như trước.
Lúa là nguồn lương thực chính nên đồng bào Gié Triêng ở xã Đăk Plô chú trọng trồng cấy để đảm bảo lương thực. Trên nương rẫy thì trồng cây mì, cây bời lời, cây cà phê. Hiện toàn xã có gần 200 ha lúa nước, với giống lúa địa phương là chủ yếu và một số ít giống lúa lai. Đồng bào Gié Triêng canh tác lúa nước chỉ một vụ trong năm, tuy nhiên với điều kiện đất đai phì nhiêu nên năng suất lúa rất cao và đảm bảo lương thực cho bà con trong một năm.
Việc cất giữ lúa sau khi thu hoạch cũng được bà con nơi đây làm theo cách riêng, đó là làm kho cất giữ ở gần ruộng. Trước đây, kho lúa được lợp bằng tranh và bốn vách được dừng bằng tấm đan do bà con dùng cây nứa để đan lại hoặc bằng gỗ; ngày nay, do tranh và gỗ, nứa đã ít đi nên bà con làm mái bằng tôn và vách cũng dừng bằng tôn nhưng ý nghĩa về kho lúa vẫn không thay đổi.
Bên cạnh đó, được tiếp sức từ các Chương trình mục tiêu quốc gia bà con Giẻ Triêng đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết cách trồng cây cà phê, cây ăn trái, mở mang diện tích sâm Ngọc Linh và nhân rộng mô hình nuôi ong dưới tán rừng.
Thời gian qua, đồng bào nơi đây đã và đang chuyển đổi những diện tích đất rẫy trồng mì sang trồng cây cà phê, bời lời, cây dược liệu. Đến nay, toàn xã có 130 ha cà phê, 135 ha bời lời, 7 ha sâm dây.
Theo chị Y Gia, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đăk Plô, hiện 4/4 thôn trên địa bàn xã, đều thành lập tổ liên kết trồng sâm dây, với diện tích gần 7 ha. Tham gia các tổ liên kết trồng sâm dây hầu hết là chị em hội viên, mỗi chị trồng ít nhất là 5 sào. Cây sâm dây phù hợp với khí hậu và thỗ nhưỡng ở đây nên phát triển rất tốt, cho thu nhập cao. Nhờ đó, đời sống của chị em từng bước nâng lên và nhiều chị đã thoát được nghèo.